Kon Tum: Hiệu quả của Chương trình hỗ trợ giao đất, giao rừng

Google News

(Kiến Thức) - Qua hơn 3 năm thực hiện, mô hình đã góp phần ngăn chặn được tình trạng phá rừng làm nương rẫy và khai thác vàng sa khoáng ven các suối đầu nguồn.

Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Viện CODE, Trung tâm CIRUM tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ giao đất, giao rừng, phục hổi rừng, phát triển sinh kế rừng gắn với văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường sinh thái cho cộng đồng dân tộc trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Kon Plông.
Lãnh đạo Liên hiệp hội, Trung tâm Cirum, Viện CODE làm việc với huyện Sa Thầy đánh giá mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng. 
Thực hiện chương trình giao đất giao rừng, hỗ trợ phục hồi rừng và phát triển sinh kế rừng tại xã Hơ Moong huyện Sa Thầy, từ năm 2013 Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Viện CODE, Trung tâm CIRUM triển khai hỗ trợ giao đất, giao rừng bảo vệ nguồn nước cho 4 cộng đồng làng Ka Bầy, Đăk Wơk, Đăk Do, Cờ Tu với diện tích 86,1ha. Đồng thời, các đơn vị trên hỗ trợ phục hồi rừng và phát triển sinh kế rừng bằng cách cung cấp hơn 2000 cây lâm nghiệp bản địa như Trắc, Hương, Cẩm Lai, Sao Đen…; thí điểm trồng Sa nhân tím dưới tán rừng với khoảng 5.000 cây; hỗ trợ làng Ka Bầy xây dựng vườn ươm cây bời lời với khoảng 20 nghìn cây để trồng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường vừa tạo thêm thu nhập cho người dân.
Qua hơn 3 năm thực hiện, mô hình đã góp phần ngăn chặn được tình trạng phá rừng làm nương rẫy và khai thác vàng sa khoáng ven các suối đầu nguồn; công tác bảo vệ rừng được tổ chức thành mạng lưới liên kết giữa các làng, rừng đang được phục hồi hiệu quả để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng; duy trì và phát huy có hiệu quả phong tục tập quán truyền thống về quản lý tài nguyên, đặc biệt là tổ chức các nghi lễ liên quan đến Thần nước (Lễ máng nước/Lễ Nước Dọt); phát huy văn hóa truyền thống gắn với rừng (Luật tục) của các dân tộc. Cộng đồng các buôn làng đã vận dụng phát huy luật tục và lồng ghép với luật pháp để quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Với chương trình đồng quản trị tài nguyên thiên nhiên dựa vào luật tục tại 4 làng Violak, Vik’ lâng 2, Vi Pờ Ê 2, Vi K’ Oa, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, dự án đã hỗ trợ giao 675ha đất rừng, rừng cho cộng đồng 4 làng đồng quản trị. Thực hiện mô hình, cộng đồng được khẳng định quyền sử dụng rừng, đất rừng hợp pháp để bảo vệ, phát huy và duy trì cơ chế quản lý tài nguyên chung theo luật tục; có không gian thực hành các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội văn hóa gắn với rừng, có điều kiện để phát huy phong tục tập quán quản lý bảo vệ rừng, tăng thêm nguồn thu từ rừng, bảo vệ nguồn nước cho canh tác lúa truyền thống; liên kết các làng trong công tác bảo vệ rừng; tạo điều kiện gắn kết phát huy tiềm năng văn hóa truyền thống, sinh thái làng Violak với du lịch sinh thái Măng Đen; nâng cao nhận thức cho cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng, phục hồi rừng kết hợp phát triển sinh kế rừng.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo các huyện Sa Thầy, Kon Plông cũng đề nghị Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Viện CODE, Trung tâm CIRUM tiếp tục hỗ trợ các địa phương triển khai hỗ trợ nhân rộng mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)