Thủ tướng: Không phát triển nông nghiệp hữu cơ theo kiểu “chỉ để cho người giàu“

Google News

"Nông nghiệp hữu cơ phải hướng tới cung cấp ra thị trường cho toàn bộ người dân chứ không phải chỉ dành cho người giàu. Cần phát triển nông nghiệp hữu cơ bài bản, khoa học thay vì làm theo phong trào".

Đây là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập” được Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Tập đoàn TH tổ chức sáng nay (16/12).
33/63 tỉnh có mô hình nông nghiệp hữu cơ
Hiện thế giới hiện có 179 nước tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích gần 51 triệu ha, doanh thu đạt hơn 80 tỷ USD.
Còn tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay đã có 33/63 tỉnh thành phát triển những mô hình nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích 76.600ha (tăng gấp 3,6 lần năm 2010).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. 
Việt Nam hiện đứng thứ 56 trong các nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tập trung là dừa, nho, chè, lúa, cam, ca cao, rau… Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 93 triệu dân trong nước, sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu ra các thị trường: Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ.
Điển hình như Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo hữu cơ, Công ty TH Herbals sản xuất nguyên liệu thảo dược, Công ty Ecolink và Công ty Hùng Cường sản xuất chè hữu cơ Shan tuyết, Tập đoàn TH với sản phẩm sữa… Một số hợp tác xã trồng rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình), cam Hàm Yên (Tuyên Quang)…
Chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và góp phần quan trọng để phục hồi, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người.
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa phát triển. Nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình khắt khe, cần có thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao. Bên cạnh đó, nước ta vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của 500 đại biểu gồm các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Hà Phúc Mịch, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nông dân sản xuất hiện nay còn đơn điệu như rau, củ quả và chỉ tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn sản xuất các sản phẩm gạo, cá, tôm thì chủ yếu phục vụ xuất khẩu, người dân trong nước không được sử dụng sản phẩm hữu cơ chất lượng cao này.
Phí chứng nhận hữu cơ của quốc tế quá cao, trong khi đơn vị chứng nhận trong nước chưa được hình thành.
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ dành cho người giàu
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển nhanh về mạng lưới và quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Thủ tướng nhìn nhận việc một số ý kiến nói rằng nông nghiệp hữu cơ chỉ phục vụ người giàu, cho xuất khẩu là chưa đúng, chưa đủ. Với sự gia tăng tầng lớp trung lưu lên khoảng 50% vào năm 2035, tiềm năng về thị trường tiêu thụ sẽ rất lớn, bao gồm cả xuất khẩu.
"Việt Nam không chỉ có sữa, dược liệu, dừa mà còn rất nhiều loại rau, củ quả. Nông nghiệp hữu cơ phải hướng tới cung cấp ra thị trường cho toàn bộ người dân chứ không phải dành cho người giàu", Thủ tướng nói.
Yêu cầu một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới là yêu cầu lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nông nghiệp hữu cơ chưa thể phát triển ồ ạt mà cần phát triển bài bản, khoa học. Trong quá trình phát triển các loại hình nông nghiệp, cần bảo đảm phát triển hài hòa theo tỷ lệ, tránh làm theo phong trào, tránh mất cân bằng an ninh lương thực.
“Mình đừng làm cái gì theo phong trào mà phải chặt chẽ, rõ ràng, có chỉ đạo, đừng để sụp đổ theo phong trào”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tập trung triển khai xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 - 2025, trình Chính phủ xem xét vào quý I năm 2018. Trong đó, chú ý cụ thể hóa các chính sách về hỗ trợ tín dụng, tháo gỡ khó khăn thị trường, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật. Mục tiêu là từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững cho Việt Nam.
Theo Diệu Thùy/ infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)