Những cú phốt quảng cáo của “ông lớn” Unilever

Google News

(Kiến Thức) - Unilever được xem là khá khéo léo trong vấn đề truyền thông nhưng không phải vì thế mà chưa từng có sơ suất gì trong chiếc dịch quảng cáo cho các nhãn hàng.

Mới đây nhất, Unilever phải lên tiếng xin lỗi khán giả và rút lại quảng cáo được phát trên truyền hình Thái Lan.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam, quảng cáo về sản phẩm làm trắng da của Unilever được phát trên truyền hình Thái Lan đã gây ra một cuộc tranh cãi về việc người có làn da trắng hơn liệu có tìm được công việc tốt với mức lương cùng địa vị xã hội cao hơn tại các nước Đông Nam Á hay không.
Những cuộc tranh luận tương tự cũng sôi sục trên nhiều trang mạng xã hội ở Thái Lan với nội dung khám phá vai trò của màu da trong xã hội nước này sau chiến dịch quảng cáo mới của Unilever cho dòng sản phẩm làm trắng da Citra Pearly White UV Body Lotion.
 Sản phẩm làm trắng trong quảng cáo gây tranh cãi tại Thái Lan của Unilever. Ảnh: Internet.
Trước luồng dư luận căng thẳng, Unilever đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả và sau đó rút lại quảng cáo cho chiếu trên truyền hình Thái Lan vài tuần qua. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận vẫn diễn ra, nhiều người cho rằng quảng cáo của Unilever là sự phân biệt đối xử với màu da của những người dân Thái Lan.
Tuy nhiên, trả lời báo giới, Unilever Thái Lan cho biết, người Thái thường sử dụng các sản phẩm chăm sóc da để giúp họ cảm thấy tốt hơn, tăng lòng tự tin và hãng chỉ muốn giúp họ làm tăng điều đó thông qua quảng cáo này chứ không có ý định xúc phạm.
Đây không phải là lần đầu tiên Unilever gặp phải sự phản ứng của khán giả trước những quảng cáo của hãng cho nhãn hàng của mình. Hồi tháng 8 năm ngoái, Unilever Việt Nam cũng phải lên tiếng vì những hình ảnh được cho là khá phản cảm trong quảng cáo nước tẩy rửa Vim của hãng.
Quảng cáo xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ quẹt bàn tay vào bồn cầu mà theo ý kiến của nhiều người đó là hình ảnh mất vệ sinh và độc hại.
Quảng cáo Vim của Unilever cũng nhận được những phản hồi trái chiều từ khán giả. Ảnh: Internet. 
Cũng theo Báo Giáo dục Việt Nam (ngày 31/8/2012), trong công văn mà báo nhận được từ người đại diện Unilever Việt Nam có đoạn: "Bồn cầu là nơi tồn tại của rất nhiều vi khuẩn. Những vi khuẩn này là mầm mống gây nên những bệnh nguy hiểm cho con người như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn... Tuy nhiên, bằng mắt thường không thể thấy được vi khuẩn”.
Theo ý kiến của không ít độc giả, những gì mà Unilever đưa lên quảng cáo dường như hoàn toàn trái ngược với những phát ngôn trên. Hình ảnh người phụ nữ quẹt bàn tay vào bồn cầu - nơi có nhiều vi khuẩn có thể coi là một minh chứng cho điều này. Còn theo vị đại diện của Unilever Việt Nam thì trong các chiến dịch truyền thông, trước khi phát sóng đến đông đảo người tiêu dùng, công ty đã tiến hành nghiên cứu kỹ càng về các vấn đề bồn cầu và nhà tắm.
Trong khi đó quảng cáo về hạt nêm Knorr của hãng cũng gây không ít tranh cãi. Sau khi lên sóng với những slogan đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng như: "Ngọt canh xương ống, đậm đà thịt thăn", hay "Ngon từ thịt, ngọt từ xương"... nhiều bà nội trợ đã tin dùng sử dụng sản phẩm hạt nêm Knorr thay cho mì chính. Nhưng nhiều người lại tỏ ra hoài nghi về những lời quảng cáo này của Unilever bởi lẽ trong thành phần của một gói hạt nêm Knorr, thành phần "thịt thăn, xương ống" chỉ chiếm không đến 2%, còn lại chủ yếu là tinh bột sắn, bột bắp, muối, đường, chất điều vị, chất màu tổng hợp.
Theo một chuyên gia, quảng cáo Knorr chiết xuất từ nước hầm thịt thăn, xương ống, tủy là không đúng. Bởi lẽ, các sản phẩm hạt nêm cũng sử dụng chất điều vị, một số thành phần chất điều vị như E621 là bột ngọt, còn 2 chất điều vị E627 và E631 không chỉ là bột ngọt mà còn là chất siêu ngọt.
Trước đó, vào tháng 8/2009, Unilever cũng gặp phải rắc rối khi tung "độc chiêu" quảng cáo cho 2 nhãn hàng của mình. Tập đoàn đã phải đối phó với dư luận xã hội bất lợi cho chiêu thức quảng cáo không biết vô tình hay chủ ý mà bị hiểu và cảm nhận là phân biệt chủng tộc, theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 11/8/2009.
Theo tờ này, tại Áo, Unilever quảng cáo cho loại kem ăn mới với dòng chữ "I will mohr" mà "mohr" là ngôn từ rất cổ dùng để chỉ người da đen nói chung và đặc biệt là người da đen ở châu Phi nói riêng một cách miệt thị và khinh bỉ. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, tập đoàn này dùng dòng chữ "White Power" (tạm dịch: uy lực trắng) và hình ảnh một gia đình da trắng hạnh phúc để quảng cáo cho loại thuốc đánh răng mới.
Ở cả 2 nơi, dư luận xã hội đều bất bình với chiêu thức quảng cáo độc đáo này của tập đoàn Unilever. Dư luận cho rằng Unilever không có chủ trương phân biệt đối xử đến mức chỉ muốn có người da trắng chứ không muốn người thuộc các màu da khác sử dụng sản phẩm của tập đoàn, nhưng đã chủ ý khai thác triệt để tác động khiêu khích của khẩu hiệu quảng cáo theo kiểu "nhờ bê bối mà trở nên nổi tiếng".
Trước luồng phản ứng của dư luận, Unilever đã phải lên tiếng đính chính. Ở Áo, Unilever lý giải rằng khi nghiên cứu và thử nghiệm ở thị trường không thấy khách hàng nào phản đối và ai cũng cho rằng nghe như vậy là nghĩ ngay đến một loại kem ăn của Áo. Còn trong trường hợp kem đánh răng ở Thổ Nhĩ Kỳ, lập luận của Unilever là dù người có màu da gì thì răng đều màu trắng, chứ làm gì có ai có răng màu đen bẩm sinh đâu.
Dù gặp khá nhiều sự cố và gặp phải phản ứng của dư luận song phải thừa nhận rằng Unilever đã khá thành công với những quảng cáo này và các thương hiệu được quảng bá vẫn được thị trường ưa chuộng.
Minh Phương (tổng hợp)

Bình luận(0)