Nhiều ông lớn tự định giá "hụt" gần 21.000 tỷ đồng của nhà nước

Google News

Kiểm toán Nhà nước đánh giá vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Theo báo cáo Kết quả Kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận kiểm toán năm 2015 vừa công bố mới đây, Kiểm toán Nhà nước đánh giá vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Nhieu ong lon tu dinh gia "hut" gan 21.000 ty dong cua nha nuoc
 Suýt "hụt" gần 21.000 tỷ đồng ở 7 doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần hóa.
"Nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất", báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu.
Qua kiểm tra kiểm toán tại 7 doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, Kiểm toán Nhà nước đã xác định tăng giá trị vốn nhà nước 20.818,9 tỷ đồng.
Nhieu ong lon tu dinh gia "hut" gan 21.000 ty dong cua nha nuoc-Hinh-2
KTNN xác định giá vốn thực tế cao hơn so với 7 DNNN cần cổ phần hóa định giá. 
Cụ thể, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 440,64 tỷ đồng. Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) 388,50 tỷ đồng. Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) dược xác định tăng 1.333,65 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) 2.029,18 tỷ đồng. Công ty Truyền hình cáp Saigontourist - SCTV 152,17 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV TCT Truyền hình Cáp Việt Nam - VTVCab 277,91 tỷ đồng, TCT Dầu Việt Nam 512,53 tỷ đồng.
Kiểm toán việc định giá theo phương pháp tài sản của 7 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tăng 5.135,59 tỷ đồng.
Ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với Công ty Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản 15.684,3 tỷ đồng.
Cụ thể, giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp dòng tiền chiết khấu dựa trên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tại SCTV tăng thêm 12.018,07 tỷ đồng. Giá trị tại VTVcab tăng thêm 3.666,23 tỷ đồng.
Mới đây, VTVCab công bố tiêu chí và trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện phương án cổ phần hoá. Theo đó, công ty chỉ lựa chọn nhà đầu tư có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, năng lực tài chính tốt thể hiện qua việc 3 năm liên tiếp kinh doanh có lãi, không lỗ luỹ kế và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam khẩn trương triển khai phương án cổ phần hóa VTVCab. Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ nhưng chưa tiết lộ tỷ lệ chào bán cho cổ đông chiến lược.
"Hàng khủng" bất động sản phía nam Becamex cũng vừa được phê duyệt phương án cổ phần hóa với quy mô vốn hơn 13.000 tỷ đồng. Hình thức cổ phần hóa của Becamex là giữ nguyên phần vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.
Vinafood 2 cũng công bố kế hoạch cổ phần hóa, trong đó, tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi thực hiện cổ phần hóa chỉ còn 51% vốn điều lệ, thay vì 65% như phương án cũ.
Các doanh nghiệp khác cũng đang được đốc thúc gấp rút tiến hành cổ phần hóa.
Theo N.A/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)