Khủng hoảng giá lợn: Lợi nhuận của các “ông lớn” ra sao?

Google News

Giá lợn hơi sụt giảm mạnh do dư thừa, khiến việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, số lượng lợn nuôi tại Việt Nam trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục 3,66 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2015. Trong khi đó, tổng đàn lợn toàn quốc ước tính là 29,1 triệu con vào cuối năm 2016, tăng 4,9% so với năm 2015. Từ năm 2011 đến năm 2016, số lượng lợn nuôi tăng với tốc độ trung bình 3%/năm, trong khi đó, tiêu thụ thịt lợn trong nước năm 2016 đạt 2,51 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2015. Con số trên tương ứng mức tiêu thụ bình quân đầu người xấp xỉ 27 kg mỗi năm.
Còn theo ước tính của Agromonitor, trong năm ngoái xuất khẩu lợn sống sang Trung Quốc là 12 triệu con, tương đương 1,5 triệu tấn lợn hơi, chiếm 29,1% tổng xuất khẩu lợn hơi của Việt Nam. Nếu khối lượng thịt giết mổ tương đương khoảng 48%-65% trọng lượng lợn hơi, ước tính xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 750.000 – 800.000 tấn thịt.
Khung hoang gia lon: Loi nhuan cua cac “ong lon” ra sao?
Theo tính toán, điểm hòa vốn của người nuôi lợn là khoảng 35.000-37.000 đồng/kg với tỷ suất lợi nhuận gộp thông thường khoảng 30-35%. Ảnh minh hoạ 
Theo tính toán, điểm hòa vốn của người nuôi lợn là khoảng 35.000-37.000 đồng/kg với tỷ suất lợi nhuận gộp thông thường khoảng 30%-35%. Thời điểm khủng hoảng lợn hơi, giá lợn hơi hiện chỉ khoảng 24.000-25.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với chỉ vài tháng trước đó.
Phân tích của Công ty Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC) cho thấy, ảnh hưởng của việc giá thịt lợn giảm mạnh đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở thượng nguồn chuỗi giá trị, là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi như Masan (MSN), Hòa Phát (HPG), Dabaco (DBC) do giá thức ăn chăn nuôi giảm khoảng 10% từ đầu năm.
Mặc dù vậy, đại diện MSN cho biết, giá thịt lợn giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận mảng thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm, nhưng lợi nhuận mảng này sẽ hồi phục vào 6 tháng cuối năm. MSN khá tự tin là Masan Nutri Science có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần là 20%-30% nhờ nâng cao thị phần. Tuy nhiên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của MSN lại khiêm tốn hơn, từ giảm 20% đến tăng 8,4% so với năm 2016. Được biết, tỷ trọng mảng thức ăn cho lợn chiếm 60% mảng thức ăn chăn nuôi của Masan Nutri Science.
Trong khi đó, mảng thức ăn chăn nuôi và mảng chăn nuôi của HPG cũng bị ảnh hưởng. Tập đoàn này cho biết giá lợn giảm đã ảnh hưởng đến doanh thu thức ăn chăn nuôi trong quý 2 vì tỷ trọng thức ăn cho lợn chiếm 60%-70% mảng này.
Về mảng chăn nuôi lợn, HPG đã nhập khẩu 1.800 con lợn giống cụ kỵ từ Đan Mạch vào giữa năm 2016. Dự kiến sẽ có lợn giống bố mẹ vào khoảng tháng 6/2017. Trong giai đoạn đầu tiên, HPG dự kiến bán lợn giống bố mẹ cho người nông dân. Nhưng tình hình hiện nay có thể ảnh hưởng đến sản lượng bán lợn giống bố mẹ do các hộ dân nuôi lợn đang giảm đàn.
Trong khi đối với MSN, doanh thu từ thức ăn cho lợn đạt khoảng 15.630 tỷ đồng, đóng góp 36% tổng doanh thu thuần toàn tập đoàn và đóng góp 64% doanh thu thức ăn chăn nuôi của MSN trong năm 2016. Doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi của HPG đóng góp khoảng 5% tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2016, trong đó thức ăn cho lợn chiếm 60%-70%. Theo đó, riêng mảng thức ăn cho lớn đóng góp khoảng 3,5% doanh thu của HPG.
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi giảm, HPG đã phải bất đắc dĩ hoãn xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 3 tại Phú Thọ. Công suất hoạt động của nhà máy số 1 hiện là 30%-40% và nhà máy số 2 chỉ vừa mới đi vào hoạt động vào tháng 4 năm nay.
Tuy nhiên, trái ngược với dự báo của thị trường, theo báo cáo tài chính quý 1/2017 của Dabaco, sản lượng tiêu thu thức ăn chăn nuôi của công ty tăng 9.766 tấn, doanh thu tăng 180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng 11,65 tỷ đồng so với quý 1/2016.
Dabaco vốn được biết đến là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng đồng thời mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi, do vậy mức độ ảnh hưởng còn lớn hơn. Không giống như HPG, ngày 29/4 vừa qua công ty đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Hà Tĩnh với tổng giá trị đầu tư 70 triệu USD, tổng công suất 350.000 tấn/năm.
Tương tự, MSN cũng vừa tung ra sản phẩm Bio-zeem Super không có kháng sinh với hy vọng sẽ tạo ra một bước tiến lớn trên thị trường thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, MSN cũng vừa đưa ra sản phẩm Bio-zeem Mama cho lợn nái, theo ban lãnh đạo có thể tăng năng suất từ tỷ lệ 19 con/lợn nái/năm như hiện nay lên 21 con/lợn nái/năm. Số đại lý thức ăn chăn nuôi của MSN tăng từ 2.000 năm 2015 lên 4.500 năm 2016, và dự kiến năm 2017 sẽ đạt 6.000. Các sản phẩm Bio-zeem chiếm đến 60% doanh thu năm 2016, so với 25% năm 2015.
Ở mảng thịt lợn, năm 2017, MSN sẽ xây dựng trang trại lợn đầu tiên tại tỉnh Nghệ An và đưa vào hoạt động năm 2018, đồng thời công ty sẽ nỗ lực tìm kiếm mô hình giết mổ và phân phối phù hợp. MSN dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 5% thị phần thị trường thịt tươi sống, đồng thời dẫn đầu lĩnh vực thịt chế biến có thương hiệu dựa trên kỳ vọng các trang trại của công ty sẽ sản xuất ít nhất 1 triệu heo/năm.
Lý giải việc một số doanh nghiệp vẫn mạnh dạn đầu tư trước cơn khủng hoảng giá lợn hơi như hiện nay, HSC cho rằng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn thông qua tái cơ cấu ngành thức ăn chăn nuôi để giành thị phần về tay mình. Ước tính các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi quy mô nhỏ chiếm khoảng 20%-30% thị phần thức ăn chăn nuôi nội địa. Vòng đời của lợn trong ngành nuôi khoảng 3,5-4,5 tháng, tùy giống lợn.
Do vậy, việc dư hay thiếu cung sẽ nhanh chóng được điều chỉnh, nhiều khả năng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn sẽ cải thiện từ quý 2/2017. Tuy vậy, giá bán giảm đã kéo dài trong một vài tháng chắc chắn sẽ ảnh hưởng chung đến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của những “ông lớn” kể trên.
Theo Nguyễn Tuân /Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)