Ế ẩm, cá sấu bán rẻ hơn... lợn

Google News

Nuôi theo phong trào, bị thương lái Trung Quốc ép giá, không có đầu ra ổn định... là tình trạng chung mà nhiều hộ nuôi cá sấu tại miền Tây đang gặp phải.

Rớt giá thê thảm
Theo ghi nhận của phóng viên tại các địa phương có số lượng cá sấu lớn như An Giang, huyện Phước Long (Bạc Liêu), huyện Thới Bình (Cà Mau), hiện tại giá cá sấu thương phẩm ở mức thấp kỷ lục. Cá sấu thương phẩm dưới 10kg có giá 90.000 đồng/kg; loại từ 10-15kg có giá 70.000 đồng/kg; loại từ 15-25kg có giá 60.000 đồng/kg và loại từ 25-35kg chỉ còn 50.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá thịt lợn hiện nay.
Nhiều nông dân nuôi cá sấu cho hay, khoảng 5-6 năm trở lại đây, chưa bao giờ giá cá sấu lại thấp như vậy. Giá hiện tại thấp hơn rất nhiều so với năm trước (từ 200.000-250.000 đồng/kg) và bằng với giá của những năm 1999, 2000.
 Người nuôi cá sấu ở miền Tây đang lao đao vì giá thấp kỷ lục. Ảnh minh họa.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đoàn Vũ Phong (ngụ xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), cho hay: “Thấy mọi người xung quanh nuôi có lãi cao nên tôi cũng mới bắt đầu nuôi cá sấu với khoảng 60 con. Không may gặp ngay thời điểm giá xuống quá thấp nên chưa dám bán số cá đã tới lứa, vì bây giờ có bán cũng chắc chắn lỗ. Tôi đang đợi giá lên cao nhưng chắc không ổn, do để càng lâu thì chi phí chăm sóc càng cao, mà cá quá lứa bán cũng không có lãi. Giờ chưa biết phải làm thế nào…”.
Ông Trương Thanh Mai (ngụ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) - người được mệnh danh là “vua” cá sấu miền Tây, cho biết: “Cách nay khoảng 2 năm, giá cá sấu thương phẩm ở mức cao (khoảng 250.000 đồng/kg), năm ngoái sụt còn khoảng 200.000 đồng/kg, từ đó sụt dần đến nay. Với giá này người nuôi sẽ lỗ. Phong trào nuôi cá sấu phát triển mạnh từ khoảng năm 2010, do thấy lợi nhuận cao nên bà con ồ ạt nuôi theo, khiến lượng cá sấu thương phẩm tăng đột biến, giá đương nhiên sẽ giảm.
Bế tắc đầu ra do thương lái Trung Quốc (!)
Cũng theo ông Mai, sở dĩ có tình trạng giá tuột dốc như hiện nay là do người nuôi lo sợ giá xuống thấp mà chấp nhận bán tháo bán đổ. “Thương lái Trung Quốc điều khiển, cài người của địa phương vào tận trong dân nên biết được lượng hàng của mình còn nhiều, rồi thẳng tay ép giá. Nếu không nhanh chóng thành lập một hiệp hội nuôi cá sấu thì nông dân vẫn mãi bị ép giá, vì đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc và xuất chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch” – ông Mai thông tin.
“Con cá sấu không được khuyến khích nuôi mà người dân đổ xô đi nuôi nên bây giờ mới bị xuống giá như vậy. Cái chính của vấn đề bị ép giá là không ai mua thì bán thế nào. Người dân trong nước không ai đi mua sản phẩm này, người dân không thể tự đi bán được” – ông Nguyễn Văn Phúc – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu nhận định.
Cùng ý kiến, bà Thạch Thị Duyên Thi – Trưởng ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Ngành chức năng chưa bao giờ khuyến khích người dân nuôi cá sấu mà chỉ là tự phát, nông dân tự bán, tự liên hệ con giống, chủ yếu nuôi theo phong trào.
Còn theo ông Bành Thanh Hùng – Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cá sấu chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nay nhu cầu họ giảm nên giá mới xuống thấp. Khi người dân sản xuất tự phát, dư hàng dẫn đến giá xuống thấp, thua lỗ thì cũng không biết làm gì hơn ngoài khuyến cáo người dân giảm diện tích, chuyển nghề khác. Hiện tổng đàn cá sấu của tỉnh khoảng 30.000 – 40.000 con.
Theo nhận định của ngành chức năng các tỉnh, một khó khăn trong nuôi cá sấu hiện nay chính là nạn mạnh ai nấy làm và gần như nông dân không liên kết với nhau. Ông Đỗ Văn Đồng – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, thông tin: Hiện nay trên địa bàn tỉnh, đa số các hộ nuôi cá sấu kiểu tự phát và nhỏ lẻ, mỗi hộ nuôi vài chục con để tận dụng nguồn thức ăn trong vuông tôm. Chính điều này cũng gây nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Nếu tổ chức được một hiệp hội để liên kết nông dân thì có thể liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thị trường tiêu thụ ổn định”.
Theo Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)