Dưa lê có ruột màu đỏ bất thường: Chuyên gia nói gì?

Google News

Mới đây, hình ảnh trái dưa lê có ruột màu đỏ kết tủa nghi tiêm thuốc siêu ngọt được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến người tiêu dùng hoang mang và lo lắng.

Theo các chuyên gia, việc tiêm chất kích ngọt cho trái cây này là không cần thiết.
Thông tin trên Khám phá, mới đây, một cư dân mạng đã đăng tải hình ảnh trái dưa lê có ruột màu đỏ kết tủa. Kèm theo đó là dòng trạng thái nghi vấn về chất lượng của trái dưa. Đặc biệt, những miếng dưa bổ ra trước đó trông rất bình thường và “bắt mắt”. Nhưng, trái sau cùng có xuất hiện nốt đỏ kết tủa trong ruột khiến chủ nhân bức ảnh hoảng sợ và lo lắng.

Hình ảnh ruột trái dưa lê có màu đỏ kết tủa được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến người tiêu dùng hoang mang và lo lắng.

Trước hiện tượng lạ của ruột trái dưa lê, có người phỏng đoán loại dưa này nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản, thậm chí được tiêm thuốc “siêu ngọt”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Ruột dưa lê có nốt màu đỏ là bình thường. Họ đã từng ăn và không hề bị đau bụng hay ảnh hưởng gì tới sức khỏe.
Trao đổi với báo Chất lượng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Đây chỉ là hiện tượng cá biệt, khi thấy miếng dưa có hiện tượng lạ, người dân cần mang mẫu đó đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để tiến hành kiểm tra. Không nên suy đoán vô căn cứ, khi chưa có kết luận chính thức, người dân không nên lan truyền thông tin lên mạng. Việc làm đó sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người nông dân trồng dưa”.
Theo ông Thịnh, ruột trái dưa lê có nốt màu đỏ có thể do quả dưa đã nhiễm vi sinh vật gây màu lạ thường. "Gặp những trái cây có sự bất thường về màu sắc, mùi vị thì tốt nhất không nên ăn", ông Thịnh nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc đồn thổi các thông tin không có căn cứ trên mạng xã hội là đẩy người nông dân vào ngõ cụt. "Cứ cái gì cũng nghĩ đến tiêm chất nọ chất kia, nông dân họ sẽ sống ra sao nếu nông sản họ làm ra mà không bán được?", ông Thịnh nêu câu hỏi.
"Hiện nay thông tin trên mạng gây nhiễu làm nhiều người lo lắng. Đây cũng có thể là cách mà những kẻ cạnh tranh muốn làm để tăng mức tiêu thụ hàng ngoại. Dưa lê về bản chất nó đã là loại dưa ngọt, việc tiêm chất kích ngọt cho trái cây này là không cần thiết', ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng khuyến cáo người tiêu dùng, hãy tỉnh táo trước các thông tin được chia sẻ trên mạng và mỗi cá nhân phải ý thức khi "share".
Theo ĐS&PL

Bình luận(0)