Để mẹ bỉm sữa không lạc vào “ma trận” sữa nước

Google News

(Kiến Thức) - Rất nhiều khảo sát đã chỉ ra người tiêu dùng đang bị nhầm lẫn tên gọi “Sữa tiệt trùng” trên các hộp sữa nước, tưởng đó là sữa tươi.

Ngày 13/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT). Với các mẹ bỉm sữa, đây là Quy chuẩn rất quan trọng vì sẽ giúp các bà mẹ chọn đúng được loại sữa nước phù hợp với nhu cầu của gia đình.
Chỉ cần gọi đúng tên gọi
Rất nhiều khảo sát đã chỉ ra người tiêu dùng, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa đang bị nhầm lẫn tên gọi “Sữa tiệt trùng” trên các hộp sữa nước, tưởng đó là sữa tươi. Tên gọi này trong QCVN 5-1:2010/BYT sẽ được sửa đổi và gọi đúng theo thông lệ quốc tế là sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.
Điểm nhấn này được ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm trình bày trong Hội thảo và đã nhận được sự tán thành của hầu hết chuyên gia ngành sữa, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa.
De me bim sua khong lac vao “ma tran” sua nuoc
 Bà Nguyễn Thị Việt Hằng, Chuyên viên Cục An toàn thực phẩm trình bày các điểm sửa đổi của QCVN
Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc sửa đổi này là phù hợp, để mỗi người dân bỏ đồng tiền trong túi ra họ nhận được sản phẩm đúng chất lượng sản phẩm mà họ uống hay cho con em mình uống. Vì thế, việc xây dựng quy chuẩn lần này là rất quan trọng.
“Tôi nói thật, dù làm trong ngành sữa, nhưng nhiều khi ra siêu thị tôi cũng rơi vào ma trận của các sản phẩm sữa, vì thế trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải chuẩn hóa tên thuật ngữ của các loại sữa và tôi nhất trí có 5 sản phẩm sữa, theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của quốc tế”- ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, Việt Nam phải minh bạch khái niệm, tên gọi sữa như vậy để thúc đẩy sản xuất trong nước: “Sữa tươi chúng ta có nhiều mà lại cứ phải bỏ ngoại tệ ra để đi nhập sữa về rồi lại hoàn nguyên. Do đó, dứt khoát phải nói rõ sữa tươi là sữa tươi, sữa hoàn nguyên, pha lại thì phải nói rõ như thế”- ông Chinh nói.
Chờ đợi động thái cuối
Theo dự thảo mà Cục An toàn thực phẩm đưa ra lần này, tới đây sẽ có 6 khái niệm của sữa dạng lỏng. Ngoài 3 khái niệm Sữa hoàn nguyên, Sữa pha lại, sữa hỗn hợp (mà bản chất là pha giữa sữa bột và sữa tươi), QCVN sửa đổi còn có 3 khái niệm sữa tươi là: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo
Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Phong cũng lấy ý kiến các doanh nghiệp tham dự về việc phân loại 2 loại sữa tươi ra thành sữa tươi nguyên chất (100% sữa tươi) và sữa tươi có bổ sung (có từ 90% sữa tươi, bổ sung thêm đường, dịch quả…).
Là người đấu tranh cho sự minh bạch của thị trường sữa, bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH ủng hộ cách định nghĩa này. Bà khẳng định: “Chúng ta không thể nhập nhèm mãi khái niệm sữa được nữa, mà phải gọi đúng tên gọi, sữa tươi nguyên chất là sữa tươi 100%, còn sữa tươi có bổ sung các chất gì thì phải ghi rõ là sữa tươi có bổ sung các loại chất gì, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sữa tươi tối thiểu trong sản phẩm từ 95% trở lên. Chúng ta phải có lộ trình áp dụng theo các tiêu chuẩn của Codex để cho người dân hiểu thế nào là sữa tươi, nên cần phải giữ lại khái niệm này”, bà Hương nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng: “Chúng ta phải phân rõ các khái niệm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi có bổ sung một số chất khác và sữa hoàn nguyên, sữa pha lại để đảm bảo quyền được thông tin cho người tiêu dùng”.
Riêng về khái niệm sữa hỗn hợp có pha trộn sữa tươi, ông Tống Xuân Chinh cũng đề nghị phải có quy định thành phần sữa trong đó chiếm bao nhiêu % trong sản phẩm, nếu không họ cứ đưa nhập nhèm các loại nước hoa quả rồi đủ thứ linh tinh vào nhưng vẫn được gọi là sữa. “Tôi cho rằng thành phần sữa tươi ít nhất phải là 70%, còn lại là các thành phần khác trong sản phẩm này”- ông Chinh nói.
Như vậy, với 6 khái niệm sữa dạng lỏng, các mẹ bỉm sữa đã có thể chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Hơn lúc nào hết, các bà mẹ bỉm sữa mong muốn các quy định này sẽ sớm được hiện thực hóa trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng vì sẽ giúp các bà mẹ chọn đúng được loại sữa nước phù hợp với nhu cầu của gia đình.
Tên gọi sữa nước trên thị trường hiện nay áp dụng theo QCVN 5-1:2010/BYT. Cùng đó có các tiêu chuẩn tham chiếu là Codex Stan, TCVN 11216-2015 của Bộ Khoa học- Công nghệ. Theo đánh giá của các chuyên gia, QCVN 5-1:2010 ra đời cách đây 5 năm, khi thị trường sữa nước Việt Nam có tới 92% từ sữa bột pha lại, hiện lượng sữa bột pha lại còn 70%, 30% còn lại chế biến từ sữa tươi nên việc thay đổi QCVN là cần thiết, đồng thời cũng thực hiện đúng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam (5 năm soát xét, sửa đổi 1 lần).
Theo ông Trần Quang Trung- Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, trong năm 2015 ngành sữa tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng kỷ lục đạt 23%, từ tổng doanh thu 75.000 tỷ đồng năm 2014 lên 92.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD) vào năm 2015. Trong số này, sữa bột chiếm 45% tổng doanh thu, sữa nước chiếm 30%, còn lại là các sản phẩm khác.
>>> Xem thêm video: Sữa giả tràn lan – một phần nguyên nhân do phụ huynh sính ngoại? - THVL
Lê Ngọc - An Trần

Bình luận(0)