Bí kíp của anh nông dân nuôi lợn qua... điện thoại

Google News

Cứ rời công sở là anh Bí thư đoàn Đỗ Văn Dũng (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) lại quần đùi, áo phông, lăn lộn với đàn lợn trong trang trại của gia đình. 

Chỉ ước có một ngày nghỉ
Hẹn gặp vào ngày nghỉ, nhưng phải mất mấy lần “hoãn”, anh Dũng mới nhờ được người dẫn tôi vào thăm trang trại lợn của mình. Cậu em làm cùng cơ quan anh Dũng vừa đi vừa kể: “Anh Dũng bận lắm! Sáng đi chương trình 20.11 bên trường về phải xuống trại trực lợn đẻ luôn nên bảo em ra đón…”.
Vợ chồng anh Đỗ Văn Dũng trong trang trại chăn nuôi của gia đình. Ảnh: Nguyễn Thiêm 
Trang trại lợn của anh Dũng được xây dựng trên bãi bồi cạnh sông Luộc, cách xa khu dân cư. Thấy tôi vào, anh Dũng “phiền tẹo nhé” vì vẫn đang mắc xua đàn lợn giống từ chuồng này sang chuồng khác. Nhìn anh quần đùi, áo phông, mồ hôi nhễ nhại, tôi không thể hình dung đó lại là anh cán bộ đoàn năng nổ, hoạt bát và luôn xuất hiện chỉn chu trong các phong trào của xã, của huyện.
Thay vội bộ quần áo dài để tiếp phóng viên, anh cười: “Nghề phụ thành nghề chính đấy! Vướng vào rồi, dứt không ra được vì say mê quá”. Ý anh nói đến nghề nuôi lợn – nghề đang khiến anh và cả người vợ là một cán bộ thuộc Phòng Khuyến nông huyện Quỳnh Phụ không có nổi một ngày nghỉ trong tuần. “Các cụ nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nhưng vợ chồng mình, từ ngày nuôi lợn bận tối mắt, tối mũi. Sáng nào cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để xuống trang trại, cho lợn ăn rồi 7 giờ vội vã về chuẩn bị đi làm. Đi làm về cái là lại phi xuống rửa chuồng, chăm sóc lợn... Ngày nào cũng phải 22 – 23 giờ mới được về nhà. Những ngày trực lợn đẻ thì phải ở lại đến 2 – 3 giờ sáng…” – anh Dũng kể.
Trang trại xanh, sạch là yếu tố anh Dũng rất quan tâm. Ảnh: T.A 
Sinh năm 1984, tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội, anh Dũng quyết định về quê hương lập nghiệp, được tuyển làm cán bộ tư pháp của xã. Công việc bận như “con mọn”, nhưng do có “máu” chăn nuôi trong người, anh Dũng và vợ vẫn rào vườn, làm chuồng nuôi lợn, gà để có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho gia đình. Do “mát tay” chăm sóc mà đàn lợn, đàn gà trong nhà Dũng cứ lớn nhanh như thổi, nuôi bao nhiêu được bấy nhiêu. Ăn không hết, vợ chồng đem bán và có thu nhập khá nhờ chăn nuôi. Cũng từ đó, mơ ước có 1 trang trại riêng nung nấu trong lòng anh cán bộ xã. Sau khi anh Dũng được bổ nhiệm làm Bí thư đoàn xã, ý định về việc xây dựng trang trại chăn nuôi “nóng” trở lại.
Anh Dũng chia sẻ, thời gian tới có thể 1 trong 2 vợ chồng anh sẽ phải nghỉ việc ở cơ quan để toàn tâm với trang trại của gia đình: “Làm cái gì cũng vậy, kể cả thuê người làm, nếu muốn đảm bảo được chất lượng và tránh rủi ro thì chính tay mình phải tham gia vào quá trình sản xuất mới yên tâm được”.
Anh Đỗ Văn Dũng
Năm 2012, khi xã bắt đầu có chính sách dồn điền đổi thửa, anh Dũng quyết định xin đất ở ngoài bãi bồi ven sông để làm trang trại. Anh Dũng cho biết, lúc mới ra đây, cả vùng đều là bãi hoang. Hai vợ chồng phải mất gần 1 tháng để san mặt bằng, thuê người đào ao, hút cát nâng nền xây chuồng trại. Không có vốn, vợ chồng anh phải huy động vay vốn từ ngân hàng rồi nhờ anh em, bạn bè hỗ trợ thêm. Thấy hai vợ chồng anh đều là công chức, có công việc ổn định mà cứ tối mặt với lợn, gà, nhiều người tỏ ra ái ngại lắm…
Nuôi lợn qua… điện thoại
Có chuồng trại, anh Dũng bắt tay vào mua con giống, gây dựng đàn lợn thịt cùng lợn nái và lợn con lên tới hàng ngàn con. Cách chăm sóc lợn của anh Dũng cũng rất kỳ công và... khác người. Anh Dũng cho biết vợ anh vốn là kỹ sư tốt nghiệp khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chính vì vậy mọi kỹ thuật chăm sóc đều được chị kiểm soát và truyền lại cho anh.
Chuồng trại mỗi ngày được dọn, khử trùng 2 lần. Chất thải từ lợn được đưa xuống bể biogas cung cấp chất đốt cho gia đình và hàng chục hộ lân cận. Đối với lợn giống, ngoài những giống thuần chủng được lựa chọn trong nước, anh Dũng còn bỏ ra hàng vài trăm triệu đồng để nhập những con giống tốt từ nước ngoài, có con phải mua với giá hơn 50 triệu đồng. Mặc dù có người làm nhưng riêng việc chăm lợn nái, đỡ đẻ và chăm sóc lợn con cho tới lúc tách mẹ, vợ chồng anh luôn tự tay làm từ A – Z.
Anh Dũng say sưa kể về công việc đỡ đẻ cho lợn như là một “bảo mẫu” thực thụ, yêu nghề: “Lợn chuẩn bị đẻ là cả hai vợ chồng đều hồi hộp, lo lắng chờ đợi. Lúc lợn “lâm bồn” 2 vợ chồng phải trực 24/24 giờ. Lợn con ra đời là phải phải lấy khăn lau khô, rồi lăn qua bột chuyên dụng, cắt dây rốn, mài răng nanh để cho khỏi cắn nhau, rồi cho bú sữa đầu của lợn mẹ để tăng cường sức đề kháng sau đó mới cho vào ủ ở khu vực điện tỏa nhiệt. Lợn mẹ sau khi đẻ xong còn được truyền nước để bớt mệt và không bị đuối sức...”.
Cũng vì “mát tay” đỡ đẻ và chăm lợn con mà năng suất sinh sản của lợn nái nhà anh gần như đạt 100%. Mỗi lứa lợn được khoảng 12 – 15 con, giá xuất chuồng sau 21 ngày nuôi từ 1,3-1,7 triệu đồng/con.
Chỉ sau 3 năm, quy mô trang trại của anh Dũng đã phát triển “ngoài sức tưởng tượng” với khoảng 700 con lợn thịt, 120 con nái, lợn giống mỗi tháng xuất chuồng từ 150 – 200 con, lợn thịt mỗi tháng tiêu thụ được hơn chục tấn. Tổng doanh thu hàng của trang trại anh Dũng đạt 3,4 tỷ đồng, lãi ròng 600 triệu đồng.
Để vừa làm được công việc chuyên môn, vừa chăm được lợn, anh Dũng đã cho lắp đặt hệ thống camera theo dõi ở tất cả các chuồng và tích hợp phần mềm theo dõi trên điện thoại. Vậy là khi đi làm, những lúc có thể anh lại vào theo dõi lợn. Có chuyện gì xảy ra ở chuồng trại là anh ngay lập tức gọi người làm xuống xử lý được.
Mặc dù công việc ở trang trại rất bận rộn, nhưng anh Bí thư đoàn xã vẫn nung nấu ý định nuôi lợn sạch tuyệt đối để tiêu thụ tại địa phương. Anh Dũng nói: “Nuôi lợn công nghiệp, năng suất cao nhưng tôi vẫn trăn trở nhiều lắm. Nhất là khi thấy chất lượng bữa ăn từ các gia đình ở nông thôn đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư đầy ám ảnh. Nếu mình nuôi được nguồn lợn sạch, không cám công nghiệp, cung cấp với giá rẻ cho chính người dân quê mình dùng được thì tốt biết bao”.
Nghĩ là làm, cách đây 1 tháng, anh bắt tay vào việc xây dựng hệ thống chuồng trại mới để nuôi lợn sạch. “Mình dự định sẽ tự sản xuất nguồn thức ăn cho lợn bằng các loại ngô, đỗ... Muốn đảm bảo chất lượng thịt đến tay người tiêu dùng thì trang trại sẽ phải tự mổ, chế biến, đóng gói hút chân không và bảo quản. Mục tiêu đầu tiên hướng đến sẽ là cung cấp cho hệ thống các trường học trên địa bàn, các cơ quan, văn phòng... sau đó nếu đủ sức sẽ bán ra thị trường lẻ” – anh Dũng nói về dự định của mình.
Mời quý độc giả xem video về đặc sản chuối tiến vua (nguồn VTC):
Theo Tùng Anh/Dân Việt

Bình luận(0)