Bao nhiêu "ông lớn" thực phẩm Việt quảng cáo láo... lừa dân?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều "ông lớn" thực phẩm Việt mượn quảng cáo để thổi phồng, thậm chí làm sai lệch công dụng các sản phẩm.

Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng
Nhiều quảng cáo gian dối của các công ty thực phẩm Việt Nam bị người tiêu dùng vạch trần trong thời gian qua. Mới đây nhất, clip quảng cáo Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng bị khách hàng cho là gian dối để đánh lừa người tiêu dùng hoặc người làm đoạn clip rất thiếu hiểu biết.
Quảng cáo
này được phát trên các phương tiện truyền thông với nội dung như sau: "Chuyên gia trà C2 khám phá bí quyết tạo nên trà Ô Long đích thực, từ những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên được lên men cẩn thận để lưu giữ hàm lượng polypenol, giúp hạn chế hấp thu chất béo, được ủ và đóng chai trong cùng một ngày, tạo nên C2 Ô Long Hoa hồng cho bạn sức khỏe căng tràn".
Nhiều người tiêu dùng chia sẻ trên VTC News rằng, Thái Nguyên không thể trồng được cây trà Ô Long vì loại cây này chỉ trồng ở vùng khí hậu ôn đới và miền núi có độ cao trên 500 m. Trong khi đó, Thái Nguyên lại là một tỉnh trung du thấp. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực trà Ô Long cũng cho rằng loại trà này khó có thể trồng được ở Thái Nguyên và nếu có trồng ở Thái Nguyên thì chất lượng cũng không cao bằng các vùng khác.
Ngoài ra nhiều người còn khẳng định, để thành trà Ô Long thì búp chè tươi hái về phải ủ, lên men qua nhiều công đoạn và tối thiểu cũng phải mất 30 tiếng, nên không có chuyện vừa ủ vừa đóng chai trong cùng một ngày được.
Được biết, trà xanh C2 Ô Long là sản phẩm của Công ty TNHH URC Việt Nam thuộc tập đoàn URC (Universal Robina Corporation). Đây là công ty 100% vốn nước ngoài, với ban quản lý chủ yếu là các chuyên gia đến từ Ấn Độ và các nước trong khu vực có trụ sở tại KCN Việt Nam – Singapore I. Công ty URC hiện có 2 nhà máy được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế hoạt động tại Bình Dương và Hà Nội.
Vinacafe Biên Hòa
Năm 2013, người tiêu dùng đặc biệt ấn tượng với slogan "Cà phê chỉ làm từ cà phê" và cam kết "cà phê thật" của Vinacafe Biên Hòa. Tuy nhiên, có rất nhiều thông tin nghi ngờ đây là quảng cáo gian dối.
Theo lời của lãnh đạo Vinacafe Biên Hòa: "Vinacafe luôn được định vị là cà phê thiên nhiên thuần khiết. 100% các sản phẩm đều làm từ cà phê thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng hương liệu tổng hợp tạo mùi cà phê và bất cứ một loại phụ gia nào khác".
 Tuyên bố cà phê không dùng phụ gia của lãnh đạo Vinacafe.
Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ ra những điều lãnh đạo Vinacafe Biên Hòa nói không hoàn toàn đúng sự thật. Ví dụ, trong sản phẩm cà phê Wake up của công ty này, trên bao bì ghi rõ thành phần có sử dụng "hương tổng hợp dùng trong thực phẩm (hương cà phê chồn)".
Một cán bộ phòng Phát triển sản phẩm nói rằng Vinacafe có 2 dòng sản phẩm: Một là sản phẩm tự nhiên (có nguồn gốc tự nhiên) như cà phê sữa vàng mới (với quảng cáo "cà phê chỉ làm từ cà phê"), còn một dòng sản phẩm sử dụng hương (có dùng phụ gia thực phẩm) như cà phê Wake up hương Chồn và cà phê Wake up Sài Gòn. Một vị khác lại khẳng định: Những hương này đều mua từ các công ty thương hiệu uy tín trên thế giới và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Ở sản phẩm Vinacafe sữa vàng, một chuyên gia cà phê phân tích: Vinacafe sử dụng quy trình rang và hút hương ngay trong sản phẩm, sau đó hương coffee này lại được phun ướp lại trực tiếp trên sản phẩm. Dù là hương tự nhiên nhưng đây vẫn được coi là phụ gia.
Quảng cáo của Vinacafe Biên Hòa trên truyền hình cũng được người tiêu dùng cho là gian dối. Quảng cáo có đoạn: "Được tuyển chọn từ hạt cà phê của 8 vùng đặc sản: Buôn Mê Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê ngon nhất Việt Nam"... để khẳng định chỉ có cà phê của mình mới là thật và ngon nhất.
 
Tuy nhiên, theo một cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ, sự thật không phải như vậy. Theo vị này, trong 8 vùng chỉ dẫn địa lý mà Vinacafe đưa ra chỉ có duy nhất cà phê Buôn Mê Thuột đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 7 vùng còn lại vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn. Việc dùng từ "ngon, ngon nhất" cũng không đúng với cách dùng từ của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định, chỉ có thể là chất lượng đặc thù, đặc trưng. Việc Vinacafe Biên Hòa sử dụng địa danh đăng ký bảo hộ hồ tiêu, cao su để quảng cáo cho cà phê là lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Sự gian dối của các "ông lớn" mỳ gói
Cuộc chiến giữa các "ông lớn" trong ngành mỳ gói luôn là cuộc chiến âm ỉ không hồi kết. Ngoài việc hạ bệ lẫn nhau trong các quảng cáo của mình, các "ông lớn" này còn bị bóc trần sự gian dối khi thổi phồng chất lượng của các sản phẩm mỳ gói.
 
 Cả Omachi và Tiến Vua đều chứa E102.
Công ty Massan từng tung ra loạt quảng cáo về các sản phẩm mỳ "vì sức khỏe, không gây độc hại", nhưng thực chất mỳ Tiến Vua và mỳ Omachi (loại cũ) của Masan đều in trên bao bì thành phần có chất E102 (phẩm màu độc hại). Mỳ khoai tây Omachi được quảng cáo làm từ khoai tây nhưng thực tế chỉ chiếm tỷ lệ 50g/kg, tương tương 5%. Như vậy, thành phần chính của "mỳ khoai tây" Omachi vẫn là bột mỳ như mọi loại mỳ khác và thậm chí được coi là dòng mỳ "cao cấp", nhưng vẫn có cả chất E102 và không ghi rõ tỷ lệ bao nhiêu.
Nhân vật Tuấn - diễn viên đóng thế trong clip - "Gắn kết yêu thương" của nhãn hàng Gấu Đỏ. 
Clip quảng cáo mỳ Gấu Đỏ của công ty Asia Food gây ra nhiều tranh cãi khi nhiều người được biết, cậu bé ung thư tên Tuấn chào tạm biệt bác sĩ để xuất viện trong quảng cáo này chỉ là diễn viên đóng thế. Nhiều người từng mua Gấu đỏ ủng hộ chương trình "Gắn kết yêu thương" sau phút ngỡ ngàng đã đem bức xúc "xả" trên các diễn đàn và lập tức tạo lên hiệu ứng không mấy tích cực về clip quảng cáo.
Mỳ Gấu Yêu của Asia Food cũng vướng lình xình về những vấn đề về phụ gia thực phẩm. Không những thế, trên tờ rơi của sản phẩm mỳ Gấu Yêu, Asia Food đã đánh đồng chất điều vị (tạo ngọt) với bột ngọt.
Như vậy, thời gian qua và nay, nhiều "ông lớn" thực phẩm Việt đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để quảng cáo gian dối cho các sản phẩm của công ty mình... nhằm trục lợi.
Diên Lệ (tổng hợp)

Bình luận(0)