Bi kịch “sao” Việt bị mang ra kinh doanh... trục lợi

Google News

(Kiến Thức) - Lợi dụng tên tuổi người nổi tiếng để mang ra kinh doanh nhằm mục đích thu lợi cá nhân đang là phương thức phổ biến của người bán hàng.

"Mượn" tên các "ông lớn" để quảng cáo

Hồi tháng 8 năm ngoái, cư dân mạng được một phen choáng váng khi tên của bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) xuất hiện nhan nhản trên một diễn đàn với nội dung quảng cáo cho gạo - rau - củ.

Một thành viên trên diễn đàn này đã mở một chủ đề đăng tải hàng loạt mẩu tin có nội dung: "www.gaodacsan...  - Ông (bầu Kiên) thường gọi các món ăn dân dã, canh mướp nấu với bầu, rau muống luộc với cà pháo. Thịt kho tàu, canh dưa chua nấu với cá rô phi... Nhưng lúc có khách đến nhà chơi, ông Kiên thường gọi điện đặt sẵn đồ ăn và cho đầu bếp đến nhà ông để chế biến..."

 Ảnh chụp màn hình bài quảng cáo siêu "độc".

 Tên tuổi bầu Kiên bị lợi dụng để quảng cáo.

"Về tính cách thì bầu Kiên rất thẳng thắn và nóng tính, nhưng lòng dạ thì rất tốt. Mọi người cứ thấy ông thẳng thắn thì có người ưa và nhiều người không thích. Thật tội ông ấy. Tôi mất đi một khách hàng lớn rồi. Mong mọi người hãy đặt hàng của công ty tôi: Gạo + Rau + Củ quả tươi hoặc đặt sẵn”, thành viên này tiếp tục quảng cáo.

“Bầu Kiên rất yêu vợ và gia đình, thường đưa vợ đi nhà hát và đưa đi ăn những món ăn ngon, thường xuyên đến đây www.comngoncanhngot... ”.

Sau khi đăng tải trên diễn đàn này, đường dẫn đến những đoạn quảng cáo trên được đăng lại trên một số diễn đàn và mạng xã hội, thu hút trên 10.000 lượt độc chỉ trong thời gian ngắn và gây ra nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng trước ý tưởng quái chiêu của người kinh doanh. Đa phần, các cư dân mạng bất bình trước hành vi lợi dụng tên tuổi của vị đại gia đang thất thế này để quảng cáo cho hàng hóa. Và chỉ ít giờ sau đăng tải, tác giả của các nội dung quảng cáo "kỳ quặc" đã bị quản trị diễn đàn khóa nick vì vi phạm các nội dung của diễn đàn.

Không chỉ lợi dụng tên tuổi của một cá nhân để quảng cáo, có người còn tinh vi hơn khi lợi dụng tên tuổi của cả một doanh nghiệp để mang ra "câu khách". Đó là trường hợp tên tuổi của FPT Telecom bị lợi dụng để trục lợi. 

Theo đó, đối tượng đã lập ra những tên miền là www.fpt-hcm.com và www.internetfpt.com.vn để giả mạo là FPT Telecom. Hai trang web này đều có mức phí lắp đặt sử dụng dịch vụ Internet rẻ hơn nhiều so với dịch vụ chuẩn của FPT. Cụ thể, mức phí lắp đặt của FPT Telecom là 800.000 đồng, trong khi đó hai trang web vừa nêu chỉ đăng tải phí lắp đặt lần lượt là 250.000 đồng và 200.000 đồng.

 Trang web chính thức của FPT Telecom

 Phí lắp đặt ở Megasave chỉ 200 ngàn đồng ở trang giả mạo

 Phí lắp đặt Megasave 250 ngàn đồng ở trang giả mạo

Mức phí rẻ hơn nhưng chưa hẳn dịch vụ đã tốt hơn, nhưng đây là một phương thức của những người bán hàng muốn đánh lừa người tiêu dùng. Họ "mượn" tên tuổi và uy tín của một doanh nghiệp nổi tiếng để quảng cáo cho dịch vụ của mình, nhằm tạo lòng tin cho khách hàng và bán được nhiều hàng hơn.

Trưởng phòng Marketing của FPT Telecom xác nhận rằng, hiện nay có nhiều website giả mạo trang web chính thức của FPT Telecom (www.fpt.vn). FPT Telecom mong muốn phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý những cá nhân lợi dụng lập website giả mạo với dụng ý xấu, trục lợi cá nhân theo đúng các quy định của pháp luật.

Hàng loạt sao bị lợi dụng tên tuổi 

Bằng một thao tác tìm từ khóa thông thường trên giao diện tìm kiếm mạng xã hội Facebook, có tới 12 kết quả với từ khóa “Xuân Bắc", từ khóa “Tự Long” có 9 kết quả, tương tự từ khóa “Hoài Linh” 10 kết quả, “Cù Trọng Xoay” 16 kết quả… Đây có lẽ mới chỉ là thống kê ban đầu, trên thực tế, con số còn nhiều hơn nữa.

Tìm kiếm tên Jennifer Phạm (hoa hậu Châu Á tại Mỹ năm 2006) trên Facebook, người dùng Internet sẽ thấy hàng loạt trang cá nhân có hình ảnh đại diện của cô. Vào thử một trang có hình ảnh Jennifer Phạm tươi cười tạo dáng bên hoa, nhiều người bị sốc khi dòng chia sẻ đầu tiên đập vào mắt họ là dòng quảng cáo: viên uống, thuốc làm tăng kích thước, làm săn chắc vòng một cùng một đường link với các thông tin chi tiết về sản phẩm này. Ngoài ra không có nhiều thông tin riêng về hoa hậu.

Hotgirl Midu cũng rơi vào trường hợp tương tự. Với tên được đăng ký Đặng Thị Mỹ Dung - sinh viên, nhưng hình ảnh đại diện của trang Fanpage lại là hình và tên gọi của diễn viên - hotgirl đình đám.

Midu khẳng định, trang của Đặng Thị Mỹ Dung không phải là của cô. Trang này có hàng trăm người theo dõi và hàng nghìn lượt like, trong đó nhiều người thi nhau post các shop bán quần áo, cửa hàng thời trang đủ loại và kèm theo là hình ảnh, hoạt động dày đặc của Midu.

 Một trang nhái facebook của ca sỹ Tùng Dương.

Bên lề một cuộc giao lưu trực tuyến tại báo Tiền phong gần đây, ca sĩ Tùng Dương cũng cho biết, anh vô tình thấy trên mạng có rất nhiều trang Facebook mang tên "ca sĩ Tùng Dương", "một ca sĩ Tùng Dương đi bán đĩa CD, với giá bèo"...

“Dù có thể có người trùng tên, nhưng việc mạo danh và sử dụng hình ảnh của tôi khi không được phép là không thể chấp nhận được” - Tùng Dương nói. 

Có thể xử lý hình sự

Liên quan việc nhiều sao Việt bị lợi dụng tên tuổi trên facebook, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc phát triển và hoạch định chính sách (Growth Manager) của mạng xã hội này tại Việt Nam khẳng định: “Vì Facebook vẫn hỗ trợ cho user Việt xử lý giả mạo nên khi xác nhận tài khoản nào là thật và cái nào là giả mạo thì support sẽ xử lý…”.

Nhìn chung, những hành vi xâm phạm đời tư, làm xấu hình ảnh và các hình thức trục lợi trong việc giả mạo tên tuổi của người khác để quảng cáo hoặc làm nhái Facebook chưa thực sự gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia đều khẳng định, hoàn toàn có thể khởi tố hình sự khi có đủ căn cứ.

Thẩm phán Đông Bích (TAND TP Hà Nội) cho biết, việc kinh doanh thông qua facebook giả mạo, có thể xem xét xử lý về hành vi kinh doanh trái phép, khi đối tượng bán hàng trực tuyến không có giấy phép; hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản khi sử dụng thủ đoạn gian dối (giả mạo người nổi tiếng) để trục lợi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM khẳng định, trang trên Facebook được xem như trang cá nhân, làm trang giả mạo là vi phạm pháp luật. Theo ông Hậu, người hay tổ chức làm các trang cá nhân giả mạo để quảng cáo sản phẩm còn vi phạm quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và quyền liên quan... Vi phạm này có thể bị xử phạt từ 10 đến 90 triệu đồng nếu không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm, còn nếu xác định được thì mức xử phạt - bồi thường có thể lên đến 500 triệu đồng tùy giá trị hàng hóa.

Luật sư Diễm Hương (Hà Nội) bổ sung, những hành vi giả mạo Facebook không dễ xử lý, bởi bản thân chính người bị giả mạo cũng chưa thật sự quan tâm. Bên cạnh đó, để xác định đâu là Facebook “chính chủ”, đâu là hàng nhái cũng không dễ. 

“Nếu đơn thuần chỉ là việc lạm dụng tên tuổi người khác để kinh doanh, buôn bán thì chưa thật sự đáng lo. Nhưng nếu kẻ xấu dùng trang mạng đó để tuyên truyền, chống phá chính quyền thì rất nguy hiểm. Bởi trang cá nhân của những người nổi tiếng luôn có hàng chục, hàng trăm ngàn người thường xuyên theo dõi...”, luật sư Diễm Hương cảnh báo.


Nguyên Đa (Tổng hợp)

Bình luận(0)