Khui bằng chứng sữa Danlait lừa đảo người tiêu dùng Việt

Google News

(Kiến Thức) - Dù phía Cục ATVSTP khẳng định sữa Danlait nhập khẩu từ Pháp được chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, nhưng có hàng loạt bằng chứng vạch trần bộ mặt thật của hãng sữa này.

Nhập giá “bèo"... bán “cắt cổ”

Dù không tìm thấy sản phẩm sữa Danlait tại thị trường Pháp nhưng trên thị trường Trung Quốc lại xuất hiện một loại sữa có bao bì giống hệt sữa Danlait đang phân phối tại Việt Nam, chỉ khác là chữ in trên hộp sữa tại Trung Quốc bằng tiếng Trung, còn sữa Danlait tại Việt Nam  được in bằng tiếng Pháp. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này làm dư luận dấy lên nghi ngờ Danlait là sữa Trung Quốc giả nhãn Pháp.

Để chứng minh cho nguồn gốc sản phẩm của mình, Công ty Mạnh Cầm đã đưa ra những giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu sữa Danlait vào Việt Nam. Vô tình, việc này làm lộ ra mức giá “bèo” của loại sữa hàng đầu Châu Âu khiến nhiều người choáng váng.

Cụ thể, theo tính toán, đơn giá hộp sữa Danlait 400 gr chỉ có giá hơn 3 euro, tính ra giá trị sau thuế chỉ giao động ở mức 81.000 đồng đến 83.000 đồng. So sánh với mức giá bán hiện tại trên thị trường của sữa Danlait từ 400.000-420.000 đồng/hộp thì Công ty Mạnh Cầm đang thu được khoản lợi nhuận kếch xù, trong khi người tiêu dùng phải mua với giá cắt cổ. Riêng trong năm 2012, công ty này đã nhập khẩu 4 lô hàng của 3 loại sản phẩm Danlait 1, Danlait 2, Danlait 3 với tổng số 40.380 lon.

Chưa kể, giấy chứng nhận phân tích các thành phần trong sữa dê Danlait cho 03 sản phẩm sữa dê được Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam của “Tập đoàn sản xuất sữa hàng đầu Châu Âu” là FIT lại thấy có chất Chlorine, một chất tẩy rửa thường được sử dụng để tẩy trắng hoặc khử trùng, không thể có trong sữa dành cho trẻ em được. “Có thể, FIT đã nhầm lẫn giữ chất Chlorine và Chloride. Chloride là thành phần muối ăn có trong sữa. Thật hài hước khi một hãng sữa lớn lại có sự nhầm lẫn chết người như vậy”, một thành viên trên diễn đàn lamchame cho hay.

 Trong Danlait có chất chlorine?

Chứng nhận chất lượng Danlait: “Ông nói gà, bà nói vịt”

Thêm một chi tiết khiến người tiêu dùng Việt không khỏi bất an là trong hầu hết giấy tờ chứng minh cho nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm sữa Danlait do Mạnh Cầm cung cấp không hề có  free sale (chứng chỉ lưu hành tự do) và C/A(certificate analiz) do cơ quan chuyên cấp chứng chỉ và kiểm định của chính phủ Pháp cấp cho đích danh nhà máy sản xuất sản phẩm sữa và cho phép lưu hành tự do những loại sữa đó tại nước sản xuất và xuất khẩu.

Kỳ lạ hơn, toàn bộ giấy tờ từ phía Pháp chỉ chứng nhận nguồn gốc, chất lượng cho loại hàng hóa là “goat milk baby food” (sữa dê bột dành cho trẻ em), nhưng khi về đến Việt Nam, toàn bộ giấy tờ chứng nhận cho lô hàng này của Hải quan Việt Nam hay Cục ATVSTP, Bộ Y tế đều được "hô biến" thành chứng nhận cho sản phẩm sữa dê dạng bột hiệu Danlait. “Thật khó hiểu khi phía Pháp chứng nhận cho một loại sản phẩm khác và mà các cơ quan chức năng của Việt Nam lại dựa vào những giấy tờ đó để cấp “giấy thông hành” cho Danlait, cái thương hiệu Danlait bỗng dưng từ trên trời rơi xuống?”, một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu mặt hàng sữa phân tích.

 Giấy chứng nhận phía Pháp cấp cho các lon sữa 400g
loại hàng hóa là “goat milk baby food”.
 Trong khi các giấy tờ của Việt Nam đều xuất hiện nhãn hiệu
Danlait?

Liên quan đến vấn đề này, chiều 21/2, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP đã có công văn tới Đại sứ quán Pháp đề nghị xác minh 1 số thông tin liên quan tới nguồn gốc và xuất xứ của sữa Danlait. Phía Cục cũng yêu cầu phía Pháp gửi giấy chứng nhận lưu hành tự do và Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ Pháp đối với mặt hàng này nếu đúng sản phẩm xuất xứ từ Pháp và lưu hành trên thị trường Pháp.

Biến “thực phẩm bổ sung” thành “sữa”


Trong giấy đăng ký nhập khẩu sản phẩm, phía Công ty Mạnh Cầm đăng ký tên hàng là “Thực phẩm bổ sung”, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm do Cục ATVSTP cấp cho công ty này cũng có ghi sản phẩm là “Thực phẩm bổ sung” nhưng lại được Mạnh Cầm bán ra thị trường với nhãn phụ là "sữa". Đây chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng bởi thực phẩm bổ sung chỉ có tác dụng bổ sung một số dưỡng chất cần thiết chứ không thể thay thế cho sữa. Theo quy chuẩn Việt Nam, sữa phải có hàm lượng đạm đạt từ 34% trở lên, nhưng các sản phẩm Danlait của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm từ 11%-20%.

Chưa kể, cách ghi trên sản phẩm sữa Danlait dành cho trẻ ở các giai đoạn khác nhau cũng có thể là một mánh khóe của nhà sản xuất nhằm mục đích bán được nhiều sữa hơn ra thị trường.

Ở mỗi độ tuổi, trẻ cần các dưỡng chất khác nhau nên thông thường, các hãng sữa thông dụng đều có các sản phẩm dành cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi, từ 6 – 12 tháng tuổi hoặc từ 12 – 24 tháng tuổi…tách biệt rõ ràng  Nhưng “thực phẩm bổ sung” đội lốt “sữa” Danlait lại có cách ghi gối lên nhau rất “khác người”. Cụ thể, Danlait 1 dành cho trẻ từ 0 – 12 tháng tuổi, Danlait 2 dành cho trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi, Danlait 3 dành cho trẻ từ 12 – 36 tháng tuổi.

Liên quan đến sai phạm của Mạnh Cầm, chiều 21/2, Đội quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã có buổi làm việc tại trụ sở tại Công ty TNHH Mạnh Cầm - đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm này tại Việt Nam. Kết thúc buổi làm việc, quản lý thị trường đã quyết định thu giữ hơn 6.000 lon sữa Danlait tại trụ sở công ty để xác minh, làm rõ. Cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành giám định thành phần sản phẩm để kiểm tra chất lượng có đúng như ghi trên hộp hoặc có chứa thành phần gây hại nào hay không. Việc xác minh này sẽ có kết quả trong vòng 3 - 5 ngày tới.

Như vậy, cho đến giờ phút này, nhãn hiệu sữa Danlait là của ai? có được sản xuất theo tiêu chuẩn Pháp hay không? đơn vị nào chịu trách nhiệm chính về chất lượng Danlait vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Trong khi các bà mẹ Việt đã từng cho con sử dụng sữa Danlait vẫn đang vô cùng hoang mang, lo lắng.

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

BÀI LIÊN QUAN


BÀI ĐỌC NHIỀU

Nguyên Đan

Bình luận(0)