Xử lý Thế Giới Di Động treo đầy biển quảng cáo “khủng” thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Với những vi phạm quá rõ về biển hiệu, bảng hiệu quảng cáo, Thế Giới Di Động có thể bị xử phạt hành chính, bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả.

Hiện nay tại 151 cửa hàng thuộc hệ thống Thế Giới Di Động trên địa bàn Hà Nội, có tới 145 cửa hàng vi phạm nghiêm trọng về kích cỡ biển bảng quảng cáo. Hầu như cửa hàng nào cũng trưng biển hiệu quảng cáo "khủng", vượt quy định nhiều lần. Những biển quảng cáo này không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn có nguy cơ gây cháy nổ, không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, trở thành mối nguy hại cho người dân xung quanh và nhân viên cửa hàng.
Để làm rõ hơn việc vi phạm này của hệ thống Thế Giới Di Động và các vấn đề pháp lý có liên quan, Kiến Thức đã có buổi trao đổi nhanh với luật sư Trần Thu Nam – Văn phòng Luật sư Tín Việt và cộng sự.
Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Trần Thu Nam cho biết, tại Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 đã có quy định rất rõ ràng về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo đó:
“3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau:
a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
4. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
5. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”
Còn theo quy định của Bộ Xây dựng về biển quảng cáo mặt tiền không được vượt quá 20m2, tuy nhiên, khảo sát của Kiến Thức đã cho thấy, có quá nhiều các biển quảng cáo của Thế Giới Di Động đã vượt gấp nhiều lần quy chuẩn.
Xu ly The Gioi Di Dong treo day bien quang cao "khung" the nao?
 Một biển quảng cáo của Thế Giới Di Động bị đoàn kiểm tra Hà Nội "liệt" vào danh sách vượt chuẩn. Ảnh: Lê Nguyễn.
Mặt khác, thông tư 19/2013/TT-BXD nêu trên (có hiệu lực từ 1/5/2014) quy định các bảng quảng cáo khi đặt tại các công trình/nhà ở riêng lẻ như sau:
a) Bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường bên công trình/nhà ở phải đảm bảo các yêu cầu: chiều cao tối đa 5m, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng và số lượng không quá 2 bảng; đối với công trình/nhà ở 4 tầng trở xuống, chiều cao của bảng quảng cáo ốp vào mặt tường bên không được nhô lên quá sàn mái 1,5m; đối với công trình/nhà ở 5 tầng trở lên toàn bộ diện tích mặt bảng quảng cáo phải gắn, ốp vào mặt tường bên.
b) Bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền công trình/nhà ở phải đảm bảo: Bảng quảng cáo ngang: mỗi tầng chỉ được đặt một bảng, chiều cao tối đa 2m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền công trình/nhà ở; mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2m. Vị trí: ốp sát vào ban công, mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên.
Bảng quảng cáo dọc: chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng công trình/nhà ở nơi đặt bảng quảng cáo, mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2m. Vị trí: đặt ốp sát vào mép tường đứng. Đối với công trình/nhà ở 1 tầng chỉ được đặt 1 bảng ngang và 1 bảng đứng. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương và địa hình cụ thể của khu vực có thể có quy định riêng.
Do đó, về chế tài xử lý vi phạm bảng quảng cáo, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm cũng như hậu quả đã gây ra mà có thể xử phạt hành chính hoặc phải xử lý bằng hình sự.
Về xử lý hành chính, theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất tới 40 triệu đồng. 
Riêng hành vi xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình có sẵn mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Trường hợp nếu hành vi vi phạm về bảng quảng cáo gây nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải bị xử lý hình sự. Tội quảng cáo gian dối (Điều 168 BLHS) quy định người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, số tiền phạt thấp nhất từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, ngoài ra người phạm tội có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Bảo Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)