Vạch trần chiêu trò buôn bán hóa đơn đỏ

Google News

(Kiến Thức) - Nhằm mục đích hoạt động công khai, các đối tượng mua bán hóa đơn đỏ bất hợp pháp đã nghĩ ra đủ mọi chiêu trò qua mặt cơ quan thuế.

Trước đây, việc lập “công ty ma” nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát thì gần đây đã xuất hiện việc một đường dây tổ chức thành lập công ty chuyên mua bán hóa đơn. Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập công ty ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các công ty có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống.

Sau một thời gian có vẻ "án binh", gần đây, tội phạm buôn bán hoá đơn GTGT (VAT) có dấu hiệu "hồi phục" bằng những chiêu thức mới, chiếm đoạt tài sản trị giá rất lớn.
Mua ban hoa don do nhung chieu tro bi vach tran.
 Ảnh minh họa

Thuê giám đốc “bù nhìn”, kế toán “vệ tinh” để gian lận

Mới đây nhất (21/9), cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Ninh Bình cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Tiến Dũng (57 tuổi, ở Xuân Trường, Nam Định) để điều tra về hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

Theo đó, sau khi phát hiện Công ty TNHH Đức Kim có trụ sở tại phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình do Trần Quốc Định (42 tuổi ở thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) làm Giám đốc có hành vi mua bán khống hóa đơn giá trị gia tăng để kiếm lời bất chính, nhà chức trách đã vào cuộc điều tra. Qua xác minh hoạt động của Công ty TNHH Đức Kim, cơ quan chức năng xác định Giám đốc nhưng Trần Quốc Định chỉ là “bù nhìn” không tham gia điều hành hoạt động của Công ty TNHH Đức Kim mà do Phạm Tiến Dũng thực hiện. Dũng đã giả chữ ký của Trần Quốc Định để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống cho các đơn vị doanh nghiệp trên toàn quốc mà không có liên quan gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Để giúp sức cho hành vi phạm tội của mình, Phạm Tiến Dũng đã thuê 2 kế toán để thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn “ma” cùng một số kế toán “vệ tinh” thực hiện khai báo thuế. Số đối tượng này được hưởng công môi giới chiết khấu với tỷ lệ từ 0,1 đến 1,5% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn; các đơn vị, doanh nghiệp mua hóa đơn “ma” phải trả tiền từ 5,3%-8% giá tiền hàng hóa dịch vụ ghi trên đó. Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2012 đến tháng 5/2014, Công ty TNHH Đức Kim đã giao dịch với trên 200 doanh nghiệp trong toàn quốc bán được gần 1.000 hóa đơn, với giá trị hàng hóa giao dịch khống trên 270 tỷ đồng, qua đó số tiền mà các đối tượng thu lợi bất chính là trên 12 tỷ đồng.

Lợi dụng những kẽ hở trong quản lý để hợp pháp hóa đơn

Theo thông tin từ đại diện Chi Cục Thuế quận Hai Bà Trưng, đơn vị quản lý công ty này, trong vòng 17 tháng kể từ khi hoạt động, doanh nghiệp chỉ xuất vẻn vẹn có 15 tờ hóa đơn trong tổng số 5.000 tờ đăng ký với cơ quan thuế là tự in. Số còn lại được bán trôi nổi trên thị trường.

Khi xác minh hóa đơn mua vào bán ra thì phát hiện, phần lớn hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp này do một số doanh nghiệp ma buôn bán hóa đơn cung cấp. Một cán bộ quản lý doanh nghiệp cho biết, theo quy trình quản lý rủi ro của ngành thuế, những doanh nghiệp có doanh thu quá nhỏ, số hóa đơn xuất ít với giá trị nhỏ thường rất ít khi bị đưa vào diện nghi vấn kiểm tra. Đó là lý do doanh nghiệp này gần như không bị để ý đến .

Còn việc vì sao doanh nghiệp bán hóa đơn trên mạng ngang nhiên như vậy mà không bị phát hiện? Vị đại diện này cũng thừa nhận, đây là lỗ hổng trong quy trình xác minh hóa đơn của cơ quan thuế. Bởi thủ tục xác minh hóa đơn hiện nay thường chậm, số lượng hóa đơn doanh nghiệp sử dụng nhiều nên cán bộ thuế thường chỉ xác minh những hóa đơn xuất có trị giá lớn. Những hóa đơn có giá trị nhỏ thường ít xác minh. Đó là lý do, khi hóa đơn xuất khống giá trị không nhiều, cán bộ thuế không hề mảy may nghi ngờ về hoạt động của những doanh nghiệp ma này. Và khi doanh nghiệp ma thoát được tầm ngắm của cơ quan thuế, cũng là lúc người mua hóa đơn khống tiếp tục mua về sử dụng.

Dùng hóa đơn bất hợp pháp mua hàng rồi bỏ trốn

Thời điểm tháng 5/2013, tại Đắc Lắc, hàng chục doanh nghiệp được thành lập, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp thu mua hàng trăm nghìn tấn cà phê, sau đó bỏ trốn, đã chiếm đoạt khoảng trên 500 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là những kẽ hở của pháp luật được các loại tội phạm lợi dụng triệt để. Thứ nhất là lợi dụng sơ hở trong việc cấp giấy phép kinh doanh. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trong số 15 doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc thì đã có 12 doanh nghiệp sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập doanh nghiệp mua bán cà phê. Còn lại 3 doanh nghiệp thì có một cá nhân đứng đằng sau 3 doanh nghiệp này thuê cá nhân lên Đắc Lắc thành lập doanh nghiệp mua bán cà phê.

Thứ hai là sơ hở trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn và phát hành hóa đơn. Các đối tượng này triệt để lợi dụng việc này để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp mà chủ yếu là sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp trước khi bỏ trốn để hợp thức hóa đầu vào thay vì phải thực hiện bảng kê 1 để kê khai 5% thuế giá trị gia tăng ở địa phương.

Thủ thuật "biến hoá" tờ hóa đơn thanh toán

Năm 2008, tại TP HCM, PC15 khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Thế Tân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II. Ông Tân cùng đồng bọn cố ý làm trái, buôn bán hoá đơn VAT trong thời gian dài, chiếm đoạt tài sản Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2003, Hoàng Thế Tân cùng Lê Tất Tuận đã ký hợp đồng giả với Công ty Kiến An, xuất khống hóa đơn VAT, trong đó ông Tân đại diện Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II đã ký 4 hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Phạm Quốc Vinh, nhận 14 hóa đơn VAT khống (giá thanh toán gần 300 triệu đồng).

Đáng chú ý, số tiền này được ông Tân và đồng bọn phê duyệt cho cấp dưới sử dụng để mua quà tết và tiếp khách. Hoàng Thế Tân và Lê Tất Tuận cũng cho phép các nhân viên hợp thức hóa các khoản chi sai nguyên tắc, trị giá gần 1,8 tỷ đồng. Một phần trong khoản này được hợp thức hóa thông qua việc mua hóa đơn VAT khống, kê thêm tiền vào hóa đơn VAT vận chuyển của một số công ty. Tội phạm mua bán hóa đơn VAT bằng các thủ thuật "biến hoá" tờ hoá đơn thanh toán diễn biến vẫn khó lường, nhưng nguy hiểm và nghiêm trọng nhất hiện nay vẫn là hành vi lập doanh nghiệp ảo, mục đích chỉ để mua, bán hóa đơn.

Một kết quả thống kê cho thấy, hoạt động tội phạm này chủ yếu tập trung ở các địa phương có điều kiện phát triển như TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang... Sau khi lập doanh nghiệp ảo, mua được hóa đơn, chúng lập tức đưa đến các quận, thành phố, tỉnh khác để lừa đảo, bán và thu lợi bất chính.

Nếu trước đây việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn VAT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những mánh mới: gian lận, chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu... Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng.

Nguyễn Nguyên (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(1)

Minh Hiền

Hoang Lan

Thủ đoạn của các công ty ma ngày càng tinh vi như vậy thì biết làm sao để đối phó?