Từ danh sách người Việt trong hồ sơ Panama

Google News

Hiện vẫn chưa thể kết luận rằng những người Việt Nam và các công ty tại Việt Nam trong hồ sơ Panama có vấn đề khuất tất trong hoạt động.

Tu danh sach nguoi Viet trong Ho so Panama
 Hiện vẫn chưa thể "kết tội" những người Việt trong hồ sơ Panama.

Chưa thể “kết tội” người trong danh sách

Hầu hết các chuyên gia trong ngành tài chính, luật và kinh doanh quốc tế đều khẳng định rằng mặc dù đã có nhiều cá nhân, tổ chức dính líu đến các công ty offshore được đăng ký thành lập ở các thiên đường thuế trên thế giới nhưng chưa thể khẳng định tất cả những người và doanh nghiệp Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama đều có vấn đề khuất tất trong hoạt động của họ.

Giải thích điều này, các chuyên gia nêu các lý do sau:

Thứ nhất, các công ty offshore (các công ty hoạt động ở một nước nhưng được đăng ký thành lập ở nước ngoài, thường là tại các thiên đường thuế trên thế giới) là hiện tượng phổ biến với hoạt động kinh doanh thương mại và được coi là bình thường và đã tồn tại 50 - 60 năm nay trên toàn cầu. Chuyện đó không sai và phù hợp với luật pháp quốc tế. Không ai cấm một cá nhân, tổ chức thành lập công ty ở nước ngoài nếu họ làm đúng các quy định.

“Trong danh sách này, theo tôi được biết, có một số người lập công ty ra nhưng hoạt động thua lỗ, một số là người làm thuê cho các tổ chức nước ngoài và được đề nghị đứng tên đại diện pháp nhân khi các tổ chức này muốn mở công ty con offshore để góp vốn thành lập công ty liên doanh hoạt động ở Việt Nam, một người do có quốc tịch ở nước ngoài nên được mở công ty ở nước ngoài và công ty đó mua lại cổ phần trong một công ty offshore trong danh sách trên. Còn các trường hợp khác, muốn biết họ có sai phạm hay không cần có những bằng chứng từ sự phỏng vấn với họ, từ dữ liệu của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan như thuế, luật hay cơ quan quản lý tiền tệ, ngân hàng…” một luật sư đang làm việc tại tập đoàn nước ngoài chia sẻ.

Thứ hai, danh sách người Việt trong hồ sơ Panama này đều là doanh nhân, không có ai là quan chức và công chức nhà nước hay làm việc trong cơ quan thuộc chính phủ nên với trường hợp Việt Nam, danh sách này không phát sinh cái gọi là PEP (Politically Exposed Person, tạm dịch là sự bị phát giác với các cá nhân liên quan đến chính trị, một dấu hiệu của tham nhũng trong chính phủ) mà một số quan chức, chính trị gia ở nước khác đang khốn đốn. Những quan chức, chính trị gia luôn chịu các quy định ngặt nghèo về kinh doanh và đầu tư cũng như tài chính cá nhân, và việc họ lấy đâu ra tiền và tại sao lại mở công ty đầu tư ở nước ngoài thường là những câu hỏi không dễ trả lời. Song với trường hợp Việt Nam ở danh sách này, tạm thời sẽ tránh được những hệ lụy liên quan đến chính trị mà chỉ dừng ở các cá nhân với nguồn tiền của tư nhân.

Các vấn đề với tiền của tư nhân sẽ không rắc rối bằng tiền của quan chức, ngoại trừ vấn đề có thể phát sinh lớn nhất là trốn thuế. Trốn thuế, ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, được xếp vào tội phạm hình sự. Nhưng để làm rõ việc này đòi hỏi thêm thời gian và công sức.

Nhưng không có nghĩa làm ngơ

Nhưng việc người Việt Nam xuất hiện trong danh sách Panama tai tiếng này được giới tài chính cho rằng các cơ quan chức năng không thể làm ngơ.

Với các cá nhân trên, gồm doanh nhân và những người đã từng và đang làm trong các công ty hoạt động tại Việt Nam, ba câu hỏi quan trọng nhất là họ có vi phạm quy định về đầu tư ra nước ngoài, vi phạm quy định về chuyển ngoại hối ra nước ngoài của Việt Nam, hay trốn thuế hay không.

Thứ nhất, để biết họ có vi phạm quy định về đầu tư ra nước ngoài hay không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát xem họ có đăng ký và được nhận giấy phép đầu tư, mở công ty ở nước ngoài cũng như các hoạt động liên quan hay không. Điều này chắc chắn không khó với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước phải xác định họ có vi phạm quy định về chuyển tiền ngoại hối ra nước ngoài hay không. Hiện một cá nhân Việt Nam được mang tối đa 5.000 đô la Mỹ tiền mặt ra nước ngoài không phải khai báo nhưng các khoản chuyển qua thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng còn chưa có quy định đầy đủ và rõ ràng (Xin lưu ý có những thiên đường thuế cho phép người nước ngoài mở công ty chỉ với cổ phần trị giá 1 đô la Mỹ và không cần chứng minh nguồn tiền).

Và thứ ba, với việc trốn thuế thu nhập cá nhân, ngành thuế phải làm rõ việc hạch toán và theo dõi các khoản thu nhập của những công ty và cá nhân liên quan đến công ty offshore có được khai báo đầy đủ với các cơ quan thuế quan Việt Nam không vì về nguyên tắc các khoản thu nhập đó vẫn phải được khai báo ở Việt Nam khi anh là người Việt Nam.

“Theo quy định, khi anh là người Việt Nam thì nếu anh có khoản thu nhập mang ở nước ngoài về anh vẫn phải khai khoản thu nhập đó với cơ quan thuế”, theo tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài. “Các thiên đường thuế đánh thuế các công ty offshore rất ít, bằng không hay gần như bằng không, nếu chính phủ các nước này không ký kết hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (anh chỉ phải đóng thuế ở một trong hai nước) với Việt Nam thì về nguyên tắc những người đó là pháp nhân, thể nhân Việt Nam nếu không chứng minh được hoạt động kinh doanh thua lỗ hay được miễn thuế thu nhập thì đều phải nộp trả thuế cho Việt Nam. Tổng cục Thuế phải trả lời được câu hỏi rằng các cá nhân đó có làm đúng quy định thì anh mới được loại ra khỏi diện nghi vấn”, vị này nói.

Ở đây xin nói thêm rằng các thiên đường thuế như quần đảo Virgin của Anh, Panama, quần đảo Cayman... hay hầu hết các thiên đường thuế khác đều chưa có ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần và quan hệ thương mại rất hạn chế hoặc không có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Cơ quan thuế sẽ vào cuộc

Trao đổi với TBKTSG Online, một lãnh đạo của Cục Thuế TP.HCM cho biết, liên quan đến việc hồ sơ Panama công bố tên của 169 tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan thuế có thể phản ứng ngay dưới góc độ quản lý thuế. Đó là ra thông báo đến các cá nhân, tổ chức ở TP.HCM đề nghị họ kê khai hoạt động kinh doanh và đóng thuế tại nước ngoài. Trên cơ sở này, căn cứ vào các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết cũng như các luật thuế khác, cơ quan thuế sẽ có những bước nghiệp vụ tiếp theo.

“Ngay ngày mai, tôi sẽ đề xuất lên Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM ra thông báo đề nghị với các cá nhân, tổ chức tại TP.HCM có tên trong Hồ sơ Panama kê khai”, bà cho biết.

Trong khi đó, một chuyên gia ở ngành thuế cũng chia sẻ, với tầm vĩ mô, Tổng cục Thuế cần có chỉ đạo các cơ quan cấp dưới thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế. Việc đầu tiên là để các cá nhân, tổ chức liên quan kê khai về hoạt động kinh doanh liên quan, về việc đóng thuế.

“Nếu họ không dính dáng hay đã đóng thuế đầy đủ rồi thì thôi, còn chưa thì căn cứ theo các quy định hiện hành để truy thu”, vị chuyên gia này nhận định.

Liên quan đến việc này, cũng trao đổi với chúng tôi chiều ngày 10-5, một chuyên viên thuế nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ rằng vụ Hồ sơ Panama về bản chất là một hình thức chuyển giá để trốn thuế. Do vậy, cần phải đấu tranh bằng nghiệp vụ chuyển giá để có thể thu thuế của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, để đấu tranh chuyển giá thì Việt Nam và Panama phải ký kết hiệp định tương trợ pháp lý, thuế. Có như vậy thì phía Panama mới có thể cung cấp thông tin về thuế cho phía Việt Nam. "Nếu họ không hỗ trợ pháp lý thì thua. Đó là chưa nói làm không khéo, người ta còn có thể kiện mình ra trọng tài quốc tế  và xử ở nước thứ ba. Lúc đó thì càng thua", vị này nói.

Do vậy, theo vị chuyên viên thuế này, những thông tin của Hồ sơ Panama chỉ giúp cơ quan thuế tại Việt Nam biết để khoanh vùng đối tượng rủi ro, từ đó áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt hơn về đầu vào, về giá khai báo... Còn thu được gì (thuế của các đối tượng trong danh sách nếu có - PV) thì còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán, thuyết phục và đấu tranh của cơ quan thuế.

Theo thông tin từ VnExpress, Tổng cục Thuế vừa thành lập khẩn một tổ công tác điều tra nghĩa vụ thuế đối với các cá nhân, tổ chức có tên trong bộ hồ sơ Panama vừa công bố. Tiểu ban này gồm nhiều Vụ như Vụ Thanh tra, Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban cải cách hiện đại hoá thủ tục thuế, Vụ Tuyên truyền...
Theo TBKTSG

Bình luận(0)