Tiết lộ "hậu trường" ít biết của Hiệp định TPP

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Công thương cho biết quy trình thông qua hiệp định TPP theo đúng quy định pháp luật của từng nước mất 18 tháng đến 2 năm.

Thời gian để thông qua Hiệp định TPP
Sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta – Mỹ (từ ngày 30/9 – 5/10), Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nước tham giá đàm phán đã đạt được sự đồng thuận về các vấn đề tồn tại. Ngày 9/10, Bộ Công thương Việt Nam tổ chức họp báo cung cấp thông tin về quá trình đàm phán, những nội dung của hiệp định thế kỷ này.
Trong buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cho biết, chi tiết các điều khoản, cam kết trong hiệp định TPP hiện tại chưa thể công bố. Dự kiến việc công bố sẽ được thực hiện sau khi 12 nước thành viên đã hoàn thành các giai đoạn dịch thuật, rà soát pháp lý chặt chẽ. 
Tiet lo hau truong it biet cua Hiep dinh TPP
 Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam. 
Hiện tại, sau khi đàm phán kết thúc, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên TPP thực hiện việc rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và các biểu cam kết thực hiện đúng kết quả đàm phán. Dịch thuật (đối với các quốc gia không nói tiếng bản địa là tiếng Anh) và công bố rộng rãi hiệp định. Đồng thời, đại biểu Quốc hội, người dân và Doanh nghiệp sẽ có thời gian để nghiên cứu hiệp định. Sau khi ký kết, Việt Nam thực hiện quy trình thông qua hiệp định TPP theo đúng quy định của Pháp luật từng nước, thời gian mất từ 18 tháng tới 2 năm.
Những nội dung đàm phán quan trọng trong hiệp định TPP của Việt Nam là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, bao gồm: Cắt giảm thuế nhập khẩu (đưa thuế nhập khẩu về 0% với tất cả các dòng thuế), mở cửa dịch vụ và đầu tư (tương đương với mức mở cửa hiện hành); thống nhất bộ quy tắc về đấu thầu mua sắm của các cơ quan chính phủ (không áp dụng với gói thầu vì mục đích an ninh quốc phòng, các trường hợp bảo lưu trong đàm phán); các nghĩa vụ của hiệp định áp dụng với doanh nghiệp nhà nước (trong đó, Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp hoạt động liên quan tới an ninh quốc phong); vấn đề bảo hộ quyền trí tuệ; thuế xuất khẩu; thương mại và môi trường; thương mại điện tử; minh bạch hóa và chống tham nhũng; các nội dung khác (kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm...).
Việt Nam có đủ sức bước vào sân chơi TPP?
Gia nhập sân chơi mới, có nhiều quốc gia phát triển, trình độ khoa học công nghệ cao, không ít luồng ý kiến e ngại về tiềm lực, vị trí và khả năng của Việt Nam có trụ được hay không.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: “Việt Nam có thời gian chuẩn bị, do đó có thể tự tin tiến vào cuộc chơi mới như TPP và sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất so với 12 nước thành viên”.
Ông Trương Đình Tuyển, Cựu Bộ Trưởng Thương Mại, cố vấn cao cấp đoàn Việt Nam đàm phán TPP cho rằng: "TPP mang đến cơ hội, nhưng cơ hội biến thành lợi ích luôn đi kèm thách thức. Cơ hội sẽ thực sự đến khi ta tạo ra nó. Việt Nam cần bình tĩnh để đón nhận cơ hội của TPP ".
Tiet lo hau truong it biet cua Hiep dinh TPP-Hinh-2
Ông Trương Đình Tuyển.
Cụ thể, về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác thuận lợi (đặc biệt là tình hình kinh tế thế giới ổn định, tăng trưởng), TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2015 (so với kịch bản phát triển kinh tế không có TPP).
Việc Việt Nam – một nước đang phát triển ở trình độ thấp có thể tham gia vào TPP - sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc hiệp định TPP thực sự quan tâm đến các nước đang phát triển. Đồng thời, Việt Nam cũng có vị trí, tương quan tốt hơn trong việc mở rộng thị trường, mối quan hệ kinh tế với các quốc gia có trình độ phát triển cao như Nhật Bản, New Zealand. 
Mặc dù tham gia vào một sân chơi với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn song theo đánh giá của Việt Nam, các quốc gia này có cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung cho hàng hóa của Việt Nam, do đó về cơ bản đem lại hiệu ứng tăng trưởng xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để đất nước có thể hội nhập và phát triển hơn nữa.
Đối với các thách thức phải đối mặt về kinh tế, xã hội, thể chế pháp luật, thu ngân sách... tuy có những rào cản, nhưng về cơ bản, Việt Nam đủ sức tham gia sân chơi lớn TPP với các lộ trình, chuẩn bị của các ngành trong thời gian dài.
Về thương mại hàng hóa, một số sản phẩm như giấy, thép, ô tô, các nước thành viên TPP có thế mạnh hơn Việt Nam và có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước khi tiến hành mở cửa, giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ Công Thương, sức ép cạnh tranh sẽ quá mạnh vì sản phẩm của các bên hướng đến phân khúc thị trường khác nhau. Sản phẩm của Việt Nam hướng tới phân khúc trung bình trong khi Nhật Bản, New Zealand, Chile và các nước còn lại TPP hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
Bên cạnh tính chất của từng ngành nghề, lĩnh vực, Việt Nam có giải pháp kéo dãn lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước, nâng sức cạnh tranh để trụ vững trước sức ép, thách thức khi hội nhập vào sân chơi lớn.
Việc thay đổi về thuế nhập khẩu đặt ra thách thức lớn cho nguồn thu ngân sách, liệu có hao hụt hay không? Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: “Do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu được thực hiện theo lộ trình nên cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột”.
Ngoài ra, do thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng quan trọng khác như dầu thô, than đá, khoáng sản kim loại vẫn giữ nguyên nên dự kiến tác động thách thức đến ngân sách không đáng kể.
Ngọc Linh

Bình luận(0)