Quán hàng có 1- 0- 2 khách đông nườm nượp ở HN

Google News

(Kiến Thức) - Có những kiểu kinh doanh lạ đời, đôi khi "xếch mé" khách hàng, song thật kỳ lạ hàng quán kiểu này ở Hà Nội vẫn có cái duyên đắt hàng.

Nhà hàng thời bao cấp giữa lòng Hà Nội
Hoài niệm về một thời kỳ bao cấp, một nhà hàng ở Hà Nội đã chọn cho mình phong cách của cửa hàng mậu dịch để bán hàng cho thực khách. Ngoài việc trang trí, bày biện các món đồ mang hơi hướng hoài cổ, những món ăn, đồ dùng ấm chén, bát đũa mà cửa hàng này sử dụng còn “sệt” chất bao cấp.
Quan hang co 1- 0- 2 khach dong nuom nuop o HN
Cửa hàng kiểu thời bao cấp. Ảnh: Nguyễn Nguyên.
Cửa hàng mậu dịch số 37 (Nam Tràng – Ba Đình) thực sự là một quán hàng độc đáo ở Hà Nội khi khiến thực khách đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với việc tái hiện lại cuộc sống, ẩm thực một thời đã xa. Những món ăn như cơm độn khoai, cơm cháy, dưa xào tóp mỡ… lạ miệng với những người trẻ, nhưng quen thuộc, gợi lại hoài niệm của những bậc cao niên khi đến đây.
Mặc dù giá các món ăn rất đắt, từ 40.000 – 120.000 đồng/món, một bữa cơm đạm bạc có thể tốn tới 200.000 đồng nhưng cửa hàng này vẫn hút khách và có doanh thu “khủng” sau nhiều năm hoạt động. Một ngày, cửa hàng có thể thu về khoảng 10 triệu đồng.
Quán cơm “trả tiền tùy tâm”
Một quán ăn chay ở phố Duy Tân - Hà Nội có hình thức kinh doanh lạ lùng: Khách đến ăn tự chọn món, được phát canh, trà đá miễn phí và trả tiền tùy tâm, thay vì theo giá niêm yết thường thấy. Thậm chí, một số khách hàng khi có nhu cầu sẽ được tặng hoặc mượn những bộ sách về Phật pháp, tín ngưỡng có sẵn ở đây. Ý tưởng bán hàng này là của một chủ quán trẻ tuổi người Thái Nguyên – anh Dương Khánh Đạt (1987).
Quan hang co 1- 0- 2 khach dong nuom nuop o HN-Hinh-2
 Quán cơm chay trả tiền tùy tâm. Ảnh: Ngọc Lan.
Từng làm công việc phụ bếp, giết mổ động vật ở các nhà hàng, anh Đạt mong muốn tâm hồn thanh tịnh, giác ngộ Phật Pháp nên mở cửa hàng ăn chay. Vừa mong muốn “gieo duyên cho người ăn chay” vừa giúp tâm an, lòng hướng thiện. Các thực phẩm đều do anh tự tay lựa chọn, chế biến theo những kinh nghiệm mà anh học được trong chùa từ năm 2009. Quán ăn xuất phát từ tấm lòng hướng thiện của bản thân nên anh Đạt được khá nhiều người ủng hộ.
Bán lá chè xanh, mời nước miễn phí
Hàng ngày bán lá chè xanh trên phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), bà Sen - một người phụ nữ trung tuổi, có cách bán hàng khá lạ lùng. Bà thường đun nước lá chè xanh và mời khách uống thử miễn phí. Thậm chí, nếu muốn, khách có thể mang đi một chút nước trà xanh mà không cần trả tiền. Kể cả những khách không mua lá trà và người đi qua đường cũng được bà cụ mời cốc nước chè xanh. 
Bà tâm sự, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể đi làm việc thiện, giúp đỡ mọi người. Vì thế, bà Sen chọn cách mời nước chè do chính mình đun nấu để làm việc tốt, hướng thiện.
Quan hang co 1- 0- 2 khach dong nuom nuop o HN-Hinh-3
Bà Sen đang bán lá chè xanh cho khách. Ảnh: Loan Trần.
Cách làm này tuy nghe có vẻ lạ lùng nhưng chỉ cần nhiệt tình mời, nước chè xanh của bà cụ đã được nhiều người biết đến. Có thể xem đây là cách làm khá hữu hiệu của người kinh doanh. Thấy hoàn cảnh và tấm lòng của bà, một cửa hàng kinh doanh cũng thuê bà Sen làm công việc quét dọn, để giúp bà có thêm thu nhập, ngoài nghề bán hàng, với những lá chè xanh.
Lạ đời bún mắng, cháo chửi vẫn đắt hàng
Quán bún chửi của bà Thảo tại chợ Ngô Sĩ Liên từ lâu đã nổi tiếng khắp Hà thành vì đến đây ăn khách hàng đôi khi phải nghe những câu quát mắng, thậm chí "xỏ xiên" của chủ quán. Điều này nghe tưởng chừng như vô lý, nhưng điều lạ lùng này lại thành "thương hiệu" của quán bún Ngô Sĩ Liên và khách hàng đến đây rất đông đúc, một phần vì món ăn ở đây ngon, phần vì tò mò về quán bún mắng chửi.
Theo bà chủ quán này, mặc dù không muốn chửi khách, song không kiềm được miệng nên đôi khi cũng nói khách. Những khách quen đến đây cũng quen với những câu nói nặng lời của bà chủ quán, nên không hẳn ai cũng thấy phiền lòng về bà chủ có giọng nói chua ngoa này.
Ngọc Linh (tổng hợp)

Bình luận(0)