Lên núi đãi...“vàng ròng”

Google News

Từ cây cam, bưởi Diễn đến đám cỏ mọc hoang, anh Đỗ Quang Minh (thôn Kim Bắc 4, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) đều không ngừng “đẻ” ra tiền.

Từ trung tâm xã Tú Sơn ngược dốc mà lên sẽ tới trang trại đầy cây trái đang nằm lọt thỏm giữa bốn bề mây núi của anh Minh. Trải khắp trang trại là những hàng cây dài tít tắp. Cây nào cũng sai trĩu quả.
Bưởi Diễn, cam Canh là cây mũi nhọn
Len nui dai...“vang rong”
Với cách làm sáng tạo, anh Minh đã và đang gặt hái được nhiều thành công. Ảnh: X.T 
Giữa trưa hè nắng gắt, anh Minh ngồi trên chiếc võng đung đưa, khuôn mặt bình thản, an nhàn như đang đi tận hưởng một kỳ nghỉ dưỡng. Nhìn anh lúc này không ai nghĩ anh đang là ông chủ của cả vạn cây trái các loại. “Mấy hôm nay tôi trốn nắng ở đây suốt. Ở đây mát lành, ngắm cây cối, mình lại khỏe ra, nên chẳng muốn đi đâu” - anh Minh chia sẻ.
Quả như lời anh Minh nói, từng hàng cây là những cỗ máy điều hòa tự nhiên làm cho không khí nơi đây thật trong lành. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Minh tự hào khoe: Nhờ làm đúng kỹ thuật, phun thuốc theo “3 đúng”: Đúng thuốc, đúng lúc và đúng liều lượng, nên cây cối trong vườn phát triển rất tốt.
Hiện tại anh Minh đã ghép được 400 cây cam Canh và gần 1.000 cây bưởi Diễn. Năm nay cây nào cũng sai trĩu quả, hứa hẹn một mùa bội thu. Nhìn những chùm cam Canh như được xếp quả, anh Minh không giấu được nỗi vui mừng: “Cây cam Canh rất hợp với đất này. Từ khi trồng cam Canh, chưa năm nào tôi bị mất mùa. Năm ngoái, vườn cam này cho thu 17 tấn quả, dự tính năm nay được trên 20 tấn quả, trừ hết các chi phí, mỗi năm tôi thu nhập vài trăm triệu đồng”. Năm nay thời tiết diễn biến thất thường khiến nhiều vườn cam Canh ở Cao Phong rụng mất 60% số quả, thậm chí có vườn không còn quả nào. Riêng vườn cam của anh Minh, cây nào cũng nhiều quả.
Ngoài ghép cây cam canh trên gốc bưởi, anh còn ghép cây bưởi đỏ Tân Lạc trên cây bưởi Diễn. Đến nay, cây bưởi đỏ đã được 2 năm cho quả sai. Chất lượng ngon, ngọt, nhiều thương lái tìm đến mua. Anh cho biết: Trong thời gian tới, tôi sẽ ghép hết vườn bưởi Diễn thành bưởi đỏ cho hiệu quả kinh tế cao.
Nói về khu đất đẹp tựa khu nghỉ dưỡng mà anh đang sở hữu, anh Minh bảo: “Tôi mua lại khu đất này đã sẵn nong, sẵn né rồi. Mình chỉ cộng thêm quyết tâm là có tiền tỷ”.
Ngoài vườn bưởi Diễn, anh Minh còn “chuyển đổi” thành công 400 cây cam Canh. Đang là mùa mưa, nhưng không cây cam Canh nào của anh Minh dính bệnh. Dẫn tôi đi thăm vườn, anh Minh thủng thẳng kể, một lần khi đi thu mua ngô anh biết có người do nợ nần muốn bán vườn 8ha bưởi Diễn ở xóm Kim Bắc 4, xã Tú Sơn. Thấy hợp lý, anh quyết định mua lại. Sau khi mua vườn, anh cũng cất công đi tìm hiểu nhiều nơi và các vườn gần khu vực sinh sống, thấy cây cam và cây bưởi đỏ thích hợp với đất của mình. Nhiều người cũng khuyên nên ghép cam canh trên gốc bưởi cũ sẽ mang lại hiệu quả cao, tốt nhất là nên ghép vào tháng 8, tháng 9 và anh Minh làm theo.
Sáng tạo để tăng giá trị
Len nui dai...“vang rong”-Hinh-2
 Cây bưởi đỏ sai trĩu quả mà anh Minh đã ghép từ thân bưởi Diễn. Ảnh: X.T
So với những ông chủ khởi nghiệp từ trang trại khác, anh Minh lại là người khá suôn sẻ trên con đường lập nghiệp. Sinh ra và lớn lên tại đất Hải Dương. Sau nhiều năm lang bạt kỳ hồ, anh chọn xứ Mường là nơi dừng chân lập nghiệp. Từ chỗ buôn thúng bán mẹt, dần dần vợ chồng anh đã gây dựng được cơ nghiệp lớn. Anh xây dựng đại lý ngô to nhất nhì ở xã Tú Sơn. Hàng ngày anh vẫn đánh xe tải đi thu mua ngô ở khắp nơi. Việc buôn bán hanh thông là vậy, nhưng ước muốn như ăn vào máu anh là muốn có đất trồng cây lại trỗi dậy. Như duyên trời định, anh đã mua được khu đất tươi tốt này.
Trong quá trình làm nông nghiệp, anh cũng không ngừng sáng tạo ra cách làm mới. Do người chủ cũ trồng quá nhiều bưởi, anh đã cải tạo bằng cách cắt cành bưởi đi để ghép cam Canh. Sau mỗi lần ghép thất bại, anh lại kỳ công làm lại. Giờ thì vườn cam canh ghép bưởi của anh đã cho thu hoạch lớn. “Ngày đầu tôi làm vậy, nhiều người cho rằng khó thành công. Tuy nhiên, sau 3 năm, tôi đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, mình đã làm đúng”.
Cam Canh ghép trên gốc bưởi, cây luôn khỏe hơn, ít bị sâu bệnh và tất nhiên năng suất cũng cao hơn nhiều. Điều đặc biệt hơn là từ khi ghép cây theo cách này, vườn cam Canh chưa bao giờ mất mùa.
Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi vườn cam Canh, anh Minh cũng đã thử nghiệm ghép bưởi đỏ - một giống bưởi quý của xứ Mường. Cách làm của anh đã làm thay đổi diện mạo của cả trang trại. Từng cây bưởi đỏ sai như nho đã bắt đầu cho thu hoạch, có cây cho thu 300 quả/vụ.
Bà đỡ cho người nghèo
Bất cứ một thứ cây gì mọc trong vườn của anh Minh cũng “đẻ” ra tiền. Đám cỏ mọc xung quanh gốc cây cũng được anh tận dụng làm thức ăn cho đàn bò. Có lúc trang trại của anh có 30 con bò sinh sản. “Nuôi bò mình có nguồn phân hữu cơ bón cho cây. Mỗi năm nó cũng mang lại cho mình một khoản không nhỏ” - anh Minh chia sẻ.
Len nui dai...“vang rong”-Hinh-3
Trang trại rộng ngút tầm mắt của anh Minh. Ảnh: X.T 
Sau nhiều năm nuôi bò và cũng là người chuyên đi thu mua nông sản cho bà con ở các xã vùng cao của huyện Kim Bôi, anh Minh cảm nhận được nỗi vất vả của người nông dân. Nơi này, đất đai rộng bát ngát, nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm, ngô, cỏ… bà con bỏ phí rất nhiều. Bà con cũng muốn chăn nuôi, nhưng lại thiếu vốn, nên anh Minh đã nảy ra ý tưởng đầu tư mua bò cho bà con nuôi “rẽ”.
Năm 2015, anh Minh đã bỏ ra gần 200 triệu đồng mua 10 con bò cái cho các hộ nuôi. Để cải tạo đàn bò, anh Minh cất công xuống Trung tâm gia súc lớn (Ba Vì, Hà Nội) mua con bò đực giống tốt, nặng trên 5 tạ. Chú bò đực này có “trách nhiệm” thụ tinh cho đàn bò cái của bà con.
Lợi nhuận thu được từ nuôi bò, anh sẽ chia đôi với bà con. Khi các hộ không muốn nuôi nữa thì đàn bò cũng được chia đôi. Anh chia sẻ: Với hình thức này, các hộ không phải lo về vốn, chỉ mất công chăm sóc nên rất yên tâm chăm sóc bò.
Cách làm của anh Minh đã giúp nhiều người nghèo ở xóm Kim Bắc 4 có cơ hội vươn lên. Anh Minh chia sẻ, người nhận nuôi bò trước hết phải là hộ nghèo và những hộ này phải có nhu cầu thoát nghèo thật sự. Người nhận nuôi cũng phải có trách nhiệm báo cho chủ khi phát hiện bò bị ốm và chịu trách nhiệm đền bù nếu để bò chết hoặc mất trộm. Sau hơn 3 năm triển khai “ngân hàng bò” cho người nghèo, đến giờ đàn bò của anh Minh đã được hơn 40 con.
Theo Xuân Tuấn/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)