Khách hàng mất 32 tỷ tại BIDV: Có thể lấy lại được tiền

Google News

(Kiến Thức) - Liên quan đến vụ khách hàng mất 32 tỷ trong sổ tiết kiệm tại BIDV, luật sư cho biết, khách hàng có thể lấy lại được tiền theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ khách hàng Ngô Phương Anh (57 tuổi, ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại BIDV chi nhánh Tây Hồ, Báo điện tử Kiến Thức đã có buổi trao đổi nhanh với Luật Sư Quản Văn Hào - Công ty Luật TNHH An Nam để tìm hiểu rõ về quyền lợi của khách hàng và trách nhiệm của ngân hàng BIDV cùng các cá nhân liên quan trong vụ việc này.
Khách hàng vụ mất 32 tỷ trong tài khoản tiết kiệm có thể lấy lại được tiền - ảnh nguồn: Internet. 
Khách hàng có thể lấy lại được 32 tỷ
Theo quan điểm của luật sư Quản Văn Hào, ngân hàng BIDV có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ khách hàng mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, tuy nhiên, để làm rõ được trách nhiệm của ngân hàng BIDV đến đâu trong vụ việc này cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra xác định xem, đây là lỗi do ngân hàng và các cá nhân có liên quan hay là do khách hàng.
“Nếu các cơ quan điều tra kết luận lỗi thuộc về ngân hàng BIDV và các cá nhân có liên quan, thì ngân hàng BIDV có thể phải trực tiếp thực hiện bồi thường thiệt hại cho khách hàng, sau đó có thể yêu cầu bồi thường hoặc yêu cầu cơ quan điều tra xem xét các cá nhân có liên quan đã gây thiệt hại cho ngân hàng.
Việc ngân hàng BIDV có thể phải bồi thường trước cho khách hàng này căn cứ vào điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2005. Cụ thể: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khách hàng Ngô Phương Anh có thể lấy lại được 32 tỷ đồng tiền tiết kiệm của mình theo quy định của luật pháp” – luật sư Hào phân tích.
Các cá nhân liên quan có thể phải chịu trách nhiệm hình sự
Đối với trách nhiệm của các cá nhân liên quan nếu có thì phụ thuộc vào tính chất và mức độ tham gia, họ có thể phải chịu trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Về trách nhiệm hình sự, các cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu sử dụng các “thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đến dưới năm mươi triệu đồng, hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” (Theo Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)).
Đối với giá trị tài sản chiếm đoạt từ năm trăm triệu đồng trở lên, ngân hàng và các cá nhân có liên quan có thể phải chịu hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình (Theo điểm a Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) ).
Trách nhiệm hình sự có thể áp dụng đối với các cá nhân có liên quan đến vụ việc trên phụ thuộc vào tính chất và mức độ tham gia của từng người. (Theo Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) ).
Ngoài ra, các cán bộ ngân hàng còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Về trách nhiệm dân sự, cá nhân có liên quan có thể phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng khi xâm phạm đến tài sản và quyền lợi của khách hàng (Theo Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005). Mức độ bồi thường phụ thuộc vào mức độ thiệt hại mà họ gây ra.
Báo Kiến Thức tiếp tục cập nhật diễn biến vụ việc đến bạn đọc.
Hồng Liên

>> xem thêm

Bình luận(0)