Đường bay vàng: Hàng không Việt tốn 120 triệu/ngày bay thử nghiệm?

Google News

(Kiến Thức) - Tối nay, hãng hàng không VietJet Air sẽ thực hiện bay thử nghiệm đường bay vàng tại buồng lái giả định ở Thái Lan.

Việc làm này nằm trong kế hoạch của Cục hàng không, đó là từ 29/8 đến 3/9, Vietnam Airlines và VietJet bắt đầu bay thử nghiệm đường bay vàng trong hệ thống buồng lái giả định (SIM).
Đường bay thẳng Nội Bài – Tân Sơn Nhất qua không phận Lào và Campuchia đang được coi là đường bay vàng và Cục Hàng không đã nhận "lệnh" chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nghiên cứu, bay thử nghiệm nhằm rút ngắn đường bay Hà Nội - TP HCM hiện nay.
Sau khi triển khai việc bay thử nghiệm, VietJet Air và Vietnam Airlines báo cáo kết quả bay SIM, tiến hành phân tích và đánh giá về chi phí, lợi ích của đường bay thẳng trước ngày 4/9/2014. Đồng thời so sánh với đường bay hiện đang sử dụng để đánh giá những ưu điểm mà đường bay này mang lại cho các hãng hàng không và khách hàng. Sau kết quả thử nghiệm, hai hãng có thể sẽ tiếp tục bay thực tế bằng các chuyến bay thương mại.
Theo thông tin xác nhận với báo giới của VietJet Air, hãng này sẽ bay thử nghiệm bằng máy bay A320 trong tối nay (1/9). Tuy nhiên, hãng này phải sang Trung tâm huấn luyện bay của Thái Lan thuê SIM bay thử nghiệm. Thái Lan là nơi cung cấp dịch vụ bay huấn luyện cho nhiều hãng hàng không trong khu vực, trong đó có VietJet.
 Buồng bay giả định của Boeing 777. Ảnh minh họa: Internet.
Thử nghiệm bay là một dịch vụ bay được thực hiện trên mô hình buồng lái giả định (Simulator - SIM) mô phỏng buồng lái của một số dòng máy bay.
Với việc bay thử nghiệm, khách hàng có cơ hội để thực hiện một chuyến bay giả định như bay thật. Dịch vụ bay thử nghiệm này thường được sử dụng vào mục đích đào tạo phi công của các hãng hàng không.
Theo như trên các trang web cung cấp dịch vụ bay thử nghiệm này, khách hàng có thể trải nghiệm cảm giác ngồi trong buồng lái SIM bằng cách đặt vé trước trên các trang web của công ty. Sau đó, khách hàng chỉ việc đến nơi đăng ký bay thử nghiệm và làm theo các chỉ dẫn của giáo viên hướng dẫn bay để trải nghiệm chuyến bay. Các phi công chuyên nghiệp sẽ giúp khách hàng xử lý tất cả những tình huống khó khăn nhất trên bầu trời như yếu tố thời tiết xấu, trục trặc và các tình huống khác. Ngoài ra, khi đăng ký bay thử, hành khách có thể đặt mua luôn DVD ghi lại toàn bộ chuyến bay thử nghiệm của mình.

Dù các website của Thái Lan không tiết lộ mức chi phí cho dịch vụ này song theo tham khảo trên trang Flight City của Úc, nơi cũng có dịch vụ cho thuê bay, giá vé cho một lượt bay thử nghiệm trên SIM của chiếc Boeing 777 vào khoảng 275 USD (tương đương 5,8 triệu đồng). Giả sử mức giá này cũng được áp dụng tương đương ở thị trường Thái Lan thì chi phí một ngày bay thử của hàng không Việt Nam tại đây (cho 20 giờ bay) cũng lên đến 120 triệu đồng.

Đề xuất "đường bay vàng" Hà Nội - TP HCM đã được TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đề xuất vào năm 2012. Theo ông Bá, đường bay Hà Nội - TP HCM hiện nay là bay vòng, có khoảng cách dài hơn đường bay thẳng qua Lào và Campuchia, đang lãng phí 26 phút bay với máy bay Boeing 777, tính bình quân lãng phí 25% chí phí sản xuất. Đường bay Hà Nội - Cần Thơ cũng lãng phí 28%, đường bay Hà Nội - Phú Quốc lãng phí 38%...

Ông Bá cho rằng, đường bay vòng hiện nay đang “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của các hãng hàng không trên đường bay nội địa. Điều này lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội thua lỗ nặng nề. Với mạng đường bay vòng ở Việt Nam như hiện nay là trái với quy luật kinh tế hàng không, là nguyên nhân gây lỗ. Để các hãng hàng không có lãi thì phải tiết kiệm, giảm giá vé cho dân và thiết lập các đường bay thẳng.

Tuy nhiên, thời điểm năm 2012, Cục Hàng không đã trả lời các tính toán của ông Trần Đình Bá là thiếu thông tin nên chưa có cơ sở khoa học. Cho đến thời gian gần đây, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng chính thức lên tiếng về việc tái nghiên cứu thì đường bay vàng mới được bắt đầu thử lại, từ ngày 28/8.
Thảo Nguyên (tổng hợp)

Bình luận(0)