Dự báo “sức khỏe” các kênh đầu tư tại Việt Nam năm 2017

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2017, những kênh đầu tư nào dưới đây phát triển ổn định và sinh lời hấp dẫn nhất? Hãy cùng Kiến Thức dự đoán, dựa trên ý kiến của các chuyên gia tài chính...

Theo báo Giao thông, nhận định về các kênh đầu tư năm 2017 kênh nào sinh lời tốt nhất, chuyên gia Tài chính Ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Hiện nay có 5 kênh đầu tư chủ đạo người dân có thể đầu tư trong năm tới đó là vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm.Trong các kênh này, tôi loại bỏ luôn kênh đầu tư vào vàng. Bởi thị trường vàng trong 5 năm tới sẽ biến động rất lớn, vàng trên thế giới có thể xuống dốc và kéo theo thị trường vàng trong nước xuống. Như vậy, nhà đầu tư mua vàng, chơi vàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Đối với kênh ngoại tệ, có thể dự báo được tỷ giá ngoại tệ tăng hay giảm nhưng tăng/giảm bao nhiêu thì không tính cụ thể được. Có lúc ngoại tệ tăng, có lúc giảm, có lúc ngân hàng Nhà nước lại có chính sách giữ ổn định tỷ giá, do đó, bỏ tiền đầu tư vào ngoại tệ cũng sẽ rất rủi ro. Đặc biệt, Việt Nam không được phép kinh doanh ở kênh này. Những giao dịch ngoại tệ phát sinh từ nhu cầu phải đến ngân hàng để trao đổi từ tiền đồng sang tiền USD, còn nếu giao dịch trên thị trường chợ đen đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật. Như vậy, đây cũng không phải là kênh đầu tư tốt.
Du bao
Năm 2017 đầu tư vào kênh nào sinh lời hấp dẫn nhất? 
Trong khi đó, kênh đầu tư chứng khoán là cuộc chơi của những người chuyên nghiệp, đối với những “tay mơ”, không am hiểu không nên “đụng” vào. Nếu muốn an toàn và ít rủi ro nhất nên chọn gửi tiết kiệm; thị trường bất động sản cũng là một kênh đầu tư nên vào, nhưng cần thận trọng. Chốt lại, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vàng là kênh đầu tư rủi ro nhất, còn gửi tiền ngân hàng là kênh đầu tư an toàn nhất và sinh lời đều đặn: “Nếu tôi có 1 tỷ tôi bỏ ngân hàng nhận lãi suất khoảng 6%, an toàn nhất”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, khác với nhận định của ông Hiếu, trên VnExpress, ông Henry To - chuyên gia đầu tư thế giới, người từng dự báo chính xác 3 cổ phiếu đảo chiều tăng trưởng tốt nhất năm 2016, cho rằng vàng là khoản đầu tư đáng giá của năm 2017.
"Năm nay, ứng viên số một về khả năng tăng trưởng đảo chiều theo tôi chính là vàng", ông Henry To nói. Trong vòng một tháng qua, giá vàng đã mất 5,98% giá trị và nếu tính trong nửa năm, kim loại quý này thậm chí "bốc hơi" 12,55% khi giảm gần 163 USD mỗi ounce. Tuy nhiên, nếu tính cả năm 2016, giá vàng vẫn tăng 6,46%. Và Henry To nhìn thấy một xu hướng đi lên của vàng trong năm 2017.
Và 3 lý do khiến Henry To tin rằng vàng là khoản đầu tư có giá trị nhất trong năm tới, đó là: Các chính sách đẩy lạm phát của Mỹ, Trung Quốc sẽ kích thích các quỹ đổ nhiều tiền vào vàng; Nhu cầu vàng nữ trang ở Trung Quốc và Ấn Độ phục hồi; Động thái của Quỹ Tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold (Thời điểm xảy ra vụ Brexit hồi cuối tháng 6/2016, SPDR đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 3,7 triệu ounce (tăng khoảng 13%) lên 31,6 triệu ounce).
Còn theo TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Tài chính – Đầu tư chia sẻ trên báo Diễn đàn đầu tư về kênh đầu tư giá vàng năm 2017, Các tổ chức lớn như HSBC, ETF Securities, Societe Generale SA lạc quan về giá vàng 2017 do nhận định sẽ có lạm phát tăng, chiến tranh thương mại và kéo theo bất ổn cho thị trường toàn cầu, nợ các quốc gia tăng mạnh, rủi ro chính trị Châu Âu; ngoài ra vàng là một tài sản đa dạng hóa, và bảo hiểm rủi ro rất tốt. Theo đó vàng sẽ vượt 1.400usd/Oz trong T6 và đạt trên 1.500usd/Oz vào cuối năm 2017.
Nhìn trên bình diện đó, với sự tích cực được kì vọng của kinh tế Mỹ, đồng USD giữ phong độ, giá dầu có tăng nhưng không mạnh sẽ kiềm hãm giá vàng sẽ khó vượt mức 1.2000usd/Oz như quý 2.2016.
Đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng phụ thuộc vào giá vàng thế giới và tỷ giá. Nhiều khả năng giá vàng chịu sức ép giảm giá do chênh lệch quá lớn với thế giới (từ 2,5triệu – 3triệu đồng/lượng). Tuy nhiên, khả năng tăng lạm phát là khá lớn cùng với BĐS suy yếu có thể làm tăng cầu về vàng. Do vậy giá vàng trong nước sẽ khó xuống dưới 35triệu đồng/ lượng.
Về kênh đầu tư chứng khoán, TS Hiển cho rằng TTCK năm 2017 nhiều “bệ đỡ” nhưng khó “thăng hoa”.
Các chính sách về thị trường chứng khoán như tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài, triển khai chứng khoán phái sinh sẽ thu hút nhà đầu tư. Nền tảng là triển vọng kinh tế ổn định và phát triển từ các chính sách tái cấu trúc và phát triển nền kinh tế của chính phủ, giúp “hàn thử biểu” chứng khoán cũng có sự tăng trưởng ổn định. Cùng với sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư như BĐS, vàng, tiền gửi ngân hàng thì triển vọng tăng tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ tạo nguồn lực trực tiếp và gián tiếp cho TTCK.
Một nguồn lực khác khiến chứng khoán càng hấp dẫn là những DNNN có thương hiệu và quy mô lớn sẽ bán vốn và lên sàn, hứa hẹn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các hàng hóa tư nhân đang được chờ đợi như VietJet ở hàng không…
Tuy nhiên, chứng khoán sẽ có những bất lợi nhất định như: Tăng trưởng kinh tê VN chưa rõ ràng, hạn chế nguồn vốn nước ngoài. Xu thế chuyển vốn từ các thị trường mới nổi như VN về Mỹ khá mạnh, thể hiện trong tháng 11 vừa qua làm suy yếu nguồn cầu. Nhiều nhà đầu tư bị kẹt vốn trong BĐS theo dự báo có thể phải rút vốn khỏi TTCK để khắc phục. Nhiều Cty có vốn hóa nhưng đang bị yếu năng lực tài chính và hoạt động kém hiệu quả sẽ tìm cách huy động vốn cho nhu cầu đầu tư làm tăng nguồn cung thiếu thực chất.
Tóm lại, theo TS Hiển, TTCK năm 2017 gặp nhiều khó khăn hơn năm 2016 do nguồn cung sẽ tăng mạnh trong khi nguồn cầu yếu cũng như triển vọng kinh tế chưa thực sự tốt. Do vậy dự báo mức tăng của TTCK chỉ trong khoản 3 -5% so với năm 2016.
Trong khi đó, theo CafeF, nhận định về các kênh đầu tư năm 2017, Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime Lê Đức Khánh lại cho rằng chỉ nên đầu tư chứng khoán. “Tôi tâm đắc cổ phiếu thường và lợi nhuận phi thường. Kênh đầu tư chứng khoán vượt trội liên tục nhiều năm qua. Năm 2017 đầu tư chứng khoán áp dụng với nhà đầu tư kiên nhẫn có tầm nhìn, các ngành khởi sắc, các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng đã vượt qua, ưu tiên của tôi của tôi là những cổ phiếu vốn hoá trung bình của những nhóm tăng trưởng có chu kỳ như thép, cao su tự nhiên; về giá trị ưu tiên dầu khí… cơ hội nửa đầu 2017 sẽ rất lớn”, ông Khánh phân tích.
Còn dự báo về kênh đầu tư bất động sản năm 2017, theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho hay, khả năng thị trường địa ốc sẽ giảm nhiệt, đầu cơ suy giảm. Bất động sản sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành trong khi một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn.
“Nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường sẽ bị thu hẹp: các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của ngân hàng nhà nước áp dụng từ T1/2017; áp lực xử lý nợ xấu dự tính vào khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới” - ông Chung nói.
Còn ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng, xu hướng hợp tác với khối ngoại giúp doanh nghiệp hạn chế sự lệ thuộc vào ngân hàng. Tuy nhiên, nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài chỉ mang tính chất khơi thông khi các doanh nghiệp BĐS trong nước đang gặp khó khăn. Thực ra nguồn vốn chủ đạo trên thị trường vẫn đang là của các doanh nghiệp bất động sản trong nước. “Xu hướng chững lại có thể xảy ra với bất động sản nhà ở, còn các phân khúc khác như văn phòng, bán lẻ, đang có những chuyển biến rất mạnh mẽ. Thời gian qua có sự lệch pha về phân khúc nhà ở, nhưng gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tập trung phát triển nhà giá thấp, chấp nhận lợi nhuận thấp nhưng bán được nhiều sản phẩm”, ông Khương nhận định.
Chia sẻ với Kiến Thức, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, dù lựa chọn kênh đầu tư nào thì với những nhà đầu tư có vốn lớn cũng nên nhớ kỹ quy tắc “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
"Năm 2016 là năm bước ngoặt với Việt Nam về nhiều mặt. Và năm 2017 có thể được xem là một năm thuận lợi cho nhiều kênh đầu tư. Nếu năm 2017 việc cổ phần hóa được thúc đẩy và thực hiện tốt thì chứng khoán sẽ chứng kiến sự sôi nổi trong năm. Chính những khó khăn nội tại thúc đẩy Chính phủ có bước tiến mới. Cổ phần hoá có thêm nhà đầu tư, công khai minh bạch hơn và sức ép lớn phải niêm yết – là cơ hội lớn của thị trường chứng khoán”, ông Doanh nhận định.
Minh Hiếu

>> xem thêm

Bình luận(0)