Đằng sau việc ngân hàng đua xây trụ sở mới

Google News

(Kiến Thức) - "Việc xây dựng trụ sở mới của các ngân hàng chứng tỏ sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng và tôi đánh giá rất cao điều này", TS Lê Thẩm Dương chia sẻ.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và các đối tác đã khởi công xây dựng tòa nhà văn phòng SeABank Tower ở 27-35 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM trên diện tích đất rộng 578,2m2. Trong đó, diện tích sàn xây dựng là 6.388m2 với quy mô 18 tầng gồm 3 tầng hầm, tầng trệt, tầng lửng, tầng kỹ thuật và 12 tầng sử dụng làm văn phòng làm việc. Khi hoàn thiện SeABank Tower sẽ được sử dụng làm trụ sở văn phòng đại diện SeABank tại TP.HCM, điểm giao dịch của ngân hàng cũng như phục vụ nhu cầu thuê văn phòng của các tổ chức, doanh nghiệp tại TP.HCM. 

 Lễ khởi công xây dựng tòa nhà văn phòng SeABank Tower. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đang triển khai dự án xây dựng trụ sở chính của Agribank tại lô 23-E3 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội trên diện tích hàng nghìn m2. Cuối năm 2012, nhà băng này phát động cuộc thi tuyển chọn mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình trụ sở khá rầm rộ. Hiện trụ sở của Agribank đặt tại Mỹ Đình, Hà Nội sau khi chuyển về từ số 2, Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội từ cuối năm 2011. Trụ sở này cũng mới xây nhưng đại diện Agribank lý giải đây chỉ là trung tâm cán bộ của ngân hàng được tận dụng làm trụ sở tạm thời.

 Trụ sở hiện thời của Agribank đặt tại khu đô thị mới Mỹ Đình 1, Hà Nội 

Không chỉ hai ngân hàng trên, trong đại hội cổ đông thường niên 2013 của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) diễn ra vào ngày 13/4, Hội đồng quản trị xin ý kiến cổ đông thông qua dự án Đầu tư xây dựng tòa nhà trụ sở chính Vietinbank tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng được lấy từ vốn tự có của nhà băng. Công trình được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 30.000m2, gồm 2 tòa tháp 68 và 48 tầng. Hiện VietinBank đã thỏa thuận phương án kiến trúc sơ bộ của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội. Dự án cũng được Bộ Xây dựng chấp thuận về thiết kế cơ sở và sự đồng ý của các cơ quan khác. Dự án đã rục rịch xúc tiến từ năm 2008, khởi công từ ngày 20/10/2010 nhưng mới chính thức được đem ra xin ý kiến tại đại hội cổ đông 2013. Dự kiến công trình sẽ hoàn thiện vào năm 2015.

 Phối cảnh trụ sở của Vietinbank.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết, sau gần 20 năm hoạt động trụ sở chính của Vietinbank vẫn ở Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Do diện tích nhỏ nên đa số phòng ban phải thuê ở bên ngoài, tản mát nhiều nơi, nên việc xây trụ sở mới tạo điều kiện thuận lợi trong việc chỉ đạo điều hành. 

Trước đó, ngày 18/12/2012, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ký hợp đồng Dự án tháp Eximbank với Công ty tư vấn quản lý dự án - giám sát Tunner và Công ty tư vấn thiết kế Nikken Sekkei. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến là 150 triệu USD, tọa lạc tại số 7, Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM, sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016 - đầu năm 2017. Tháp Eximbank là một công trình phức hợp 40 tầng (chiều cao 163 mét) với bãi đậu xe, văn phòng hạng A, căn hộ cao cấp... được xây dựng trên khu đất diện tích 3.514m2. Thiết kế phần mặt tiền của tòa nhà được cấu thành bởi các khung lớn bằng đá xếp chồng lên nhau và liên tục hoán đổi vị trí khi dần lên cao. Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, công trình này dự kiến động thổ vào quý III/2013.

 Phối cảnh trụ sở của Eximbank

Trao đổi với phóng viên Kiến Thức về việc các ngân hàng đua nhau xây trụ sở mới, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, đó là việc làm rất đáng hoan nghênh. Bởi lẽ các ngân hàng đang dần tiến tới bàn bản hóa, chuyên nghiệp hóa hơn trong công tác xây dựng và phát triển ngân hàng của mình.

TS Lê Thẩm Dương cho rằng, trong môi trường cạnh tranh hiện nay, các ngân hàng cạnh tranh nhau bằng cơ sở vật chất kỹ thuật, bằng các chính sách ưu đãi với khách hàng... "Nói như thế để thấy rằng, việc xây dựng trụ sở mới của các ngân hàng chứng tỏ sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng và tôi đánh giá rất cao hành vi này của một số ngân hàng trong thời gian gần đây như: Vietinbank, SeABank, Agribank... Đó cũng là một tín hiệu tốt của nền kinh tế, chứng tỏ hệ thống ngân hàng của chúng ta đang có những bước đi vững chắc, phát triển từng ngày", TS Lê Thẩm Dương nhận định.

  TS Lê Thẩm Dương. Ảnh: Internet

TS Lê Thẩm Dương phân tích: Theo Nghị định 57 quy định chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ tháng 9/2012, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được sử dụng quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định. Điều đó cũng có nghĩa, ngân hàng xây dựng trụ sở dựa trên nguồn vốn tự có (gồm vốn điều lệ, các quỹ và lợi nhuận chưa chia) của mình. Nếu trụ sở của ngân hàng càng to đẹp khang trang, chứng tỏ ngân hàng đó làm ăn phát triển và giàu có, đồng thời cho khách hàng niềm tin vào sự an toàn của hệ thống. 

TS Dương nói thêm, trong lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp trong đó có ngân hàng luôn phải làm mới mình bằng những chính sách ưu đãi mới với khách hàng, bằng sản phẩm mới cùng những kênh phân phối mới. Việc xây dựng trụ sở mới hay việc công bố logo, slogan (khẩu hiệu) mới của các ngân hàng trong thời gian gần đây cũng chứng tỏ các ngân hàng đang làm mới mình, biết lĩnh hội những xu hướng mới của thế giới, đồng thời những việc làm này cũng khẳng định vị thế của các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng quốc gia. Trụ sở mới to đẹp, logo mới hiện đại bắt mắt cũng phần nào biểu trưng cho sức mạnh của mỗi ngân hàng. 


Diên Lệ

Bình luận(0)