Ai là CEO nữ quyền lực nhất Việt Nam?

Google News

Là phụ nữ, họ lại có khả năng hơn người, tài giỏi, khéo léo, nắm trong tay những công ty, tập đoàn nghìn tỷ khiến ai cũng phải mơ ước.

- Là phụ nữ, họ lại có khả năng hơn người, tài giỏi, khéo léo, nắm trong tay những công ty, tập đoàn nghìn tỷ khiến ai cũng phải mơ ước.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai

Sinh ra và lớn lên tại Phú Yên, với những chiến lược kinh doanh đúng đắn, khôn khéo, hiện bà Nguyễn Thị Như Loan được biết đến như một nữ doanh nhân đầy quyền lực, nắm trong tay khối tài sản khổng lồ.

Bà Loan bắt đầu chập chững bước vào thương trường từ nghề chế biến, kinh doanh gỗ, sau đó lấn sân sang ngành phân bón nhưng gặp phải nhiều rủi ro. Một lần, bà Loan được khách hàng gán nợ bằng lô đất, cái duyên với bất động sản bắt đầu. Đất mới chính là ngã rẽ cuộc đời, làm nên sự nghiệp và tên tuổi của nữ "đại gia" Nguyễn Thị Như Loan.

Bà Nguyễn Thị Như Loan
Bà Nguyễn Thị Như Loan
 
Từ năm1994 đến tháng 2/2007, bà Loan làm Giám đốc xí nghiệp tư doanh Quốc Cường do chính tay bà sáng lập có trụ sở tại thành phố Gia Lai. Dưới tài thao lược của bà Loan, Quốc Cường ngày càng lớn mạnh. Từ tháng 3/2007 tới nay, bà đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai kiêm Chủ tịch HĐQT.

Hiện, Quốc Cường Gia Lai đang kinh doanh đa ngành nghề từ chế biến gỗ, thủy điện, cao su và đầu tư lớn nhất vào bất động sản với hàng chục dự án nghìn tỷ.

Dù chưa từng đề cập đến tổng tài sản của mình, nhưng trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2010, 2011 đều có tên bà Nguyễn Thị Như Loan. Đầu năm 2011, bà Loan đứng trong số 100 người được vinh danh nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và nhận cúp Bông hồng vàng.

Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên

Cái tên Mai Kiều Liên là trở thành một hiện tượng trong giới doanh nhân nữ Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt, điều khiển của nữ lãnh đạo này, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam Vinamilk đã gặt hái được hết thành công này tới thành công khác.

Bà Mai Kiều Liên quê gốc ở tỉnh Hậu Giang, nhưng được sinh ra tại Pháp. Năm 1976, bà tốt nghiệp Đại học về chế biến thịt và sữa tại Moscow (Liên Xô cũ), sau đó trở về Việt Nam làm kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa - Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).
 
Tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên
Tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên
 
Là người có năng lực, năm 1982, bà được điều lên làm Trợ lý Giám đốc, Phó Giám đốc Kỹ thuật doanh nghiệp này, sau đó được cử đi học bà đi học Quản lý kinh tế tại Đại học Kinh tế Leningrad. Về nước năm 1984, bà Liên đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam. Từ năm 1992 tới nay, bà là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của bà, Vinamilk đã liên tục đạt tốc độ tăng trưởng đều 30% mỗi năm trong vòng 5 năm gần đây.

Tháng 3 vừa qua, Bà Mai Kiều Liên là một nữ doanh nhân Việt Nam duy nhất được bình chọn nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2012 của Tạp chí danh tiếng Forbes. Đến tháng 5/2012, nữ tướng của Vinamilk tiếp tục nhận vinh dự được Tạp chí Corporate Governance Asia (Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á) - một tạp chí uy tín về Quản trị doanh nghiệp, trụ sở tại Hồng Kông bình chọn là “Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc châu Á”.

Bà Kiều Liên cũng là lãnh đạo doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được chọn vào danh sách cùng với lãnh đạo các tập đoàn lớn khác trong khu vực Châu Á như China Telecom, HTC, San Miguel, LG,…

Nữ CEO “không có đối thủ” của ngân hàng Bắc Á, TH True milk

Nổi tiếng trong thời gian gần đây bởi những phát ngôn gây sốc nhưng phải thừa nhận bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Group là một người phụ nữ có tài.
Bà Thái Hương
Bà Thái Hương

Bà Thái Hương sinh ra và lớn lên tại huyện Đô Lương, Nghệ An. Sự nghiệp của nữ doanh nhân này bắt đầu với ngành kinh doanh ngân hàng. Ngân hàng Bắc Á do bà điều hành được thành lập năm 1994. Sau một thời gian hoạt động, hiện mạng lưới của ngân hàng này đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của cả nước và vươn ra kinh doanh nhiều lực vực khác nhau. Năm 2010, Bắc Á đã có tổng số vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.

Đã rất thành công với Bắc Á, nhưng phải tới thương hiệu TH True milk thì danh tiếng của người phụ nữ quyền lực Thái Hương mới được cả nước biết đến.

Khi công bố dự án trại bò sữa ngay tại chính quê hương xứ Nghệ, nhiều người hoài nghi về tính khả thi, thậm chí có người cho rằng bà Thái Hương liều lĩnh. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn phát triển. Sự lớn mạnh của TH True milk dưới bàn tay của CEO Thái Hương đã chứng minh điều ngược lại.

Với 22.000 con bò, được quản lý hoàn toàn bằng máy móc, TH True Milk đã hình thành được một trang trại bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á, với tổng số vốn đầu tư giai đoạn I là 350 triệu USD (Tổng vốn đầu tư dự án là 1,2 tỷ USD). Hiện, TH True milk đá có hệ thống cửa hàng sữa sạch tại hầu hết các thành phố lớn. Bà Thái Hương từng tuyên bố sẽ đạt 3.700 tỷ đồng vào năm 2013. Đến năm 2017, tức chỉ sau 7 năm hoạt động, doanh số mà công ty dự kiến đạt được là 23.000 tỷ đồng, vượt con số mà Vinamilk đã đạt được năm 2011

Tuy nhiên, tham vọng của người phụ nữa này không chỉ dừng lại ở đó. “Đại kế hoạch” mà bà Thái Hương vạch ra là muốn biến toàn bộ miền Tây Nghệ An thành một “thành phố cao nguyên” kiểu mới.

Bà Chu Thị Thanh Hà - “nữ tướng” FPT

Thoạt nhìn, không ai nghĩ người phụ nữ nhỏ nhắn trẻ tuổi lại có con đường thăng tiến nhanh chóng và nắm trong tay nhiều quyền lực tại một trong những tập đoàn nức tiếng Việt Nam.
Nữ tướng FPT Chu Thị Thanh Hà
Nữ tướng FPT Chu Thị Thanh Hà

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội năm 1994, thì một năm sau đó, bà Chu Thị Thanh Hà chính thức bước chân vào FPT. Chỉ 8 năm sau, bà Hà đã trở thành Phó tổng giám đốc Công ty Truyền thông FPT (tiền thân của FPT Telecom). Năm 2005, bà đương chức Phó tổng giám đốc FPT Telecom kiêm Phó chủ tịch HĐQT FPT Telecom.  Năm 2006, bà lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Hawaii, Manoa (Mỹ) và trở thành Tổng giám đốc FPT Telecom vào tháng 8/2009.

Năm 2011, người phụ nữ 38 tuổi đã nắm quyền Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT.

Tại FPT, tên tuổi của Chu Thị Thanh Hà nức tiếng không kém Trương Đình Anh. Nếu thời Trương Đình Anh còn là Tổng giám đốc FPT Telecom được biết đến với vai "thuyền trưởng", lo chiến lược, đường hướng, công nghệ thì bà Hà là một "nữ quản gia" điều hành hầu hết mảng nội chính ở FPT Telecom. Vậy nên mới có chuyện rằng, khi ông Trương Đình Anh tạm thời nghỉ phép vào tháng 8/2012, người được lựa chọn vào vị trí thay thế tạm quyền điều hành Tập đoàn - không ai khác chính là “phó tướng” Chu Thị Thanh Hà.
 
Nguyên Đan
 
[links()]

Bình luận(0)