Cháo nhãn bổ huyết

Google News

(Kiến Thức) - Quả nhãn chứa nhiều khoáng chất, vitamin A, C, kali, photpho, magie và sắt. Do vậy mà ăn nhãn sẽ có nhiều tác dụng cho sức khoẻ. 

Long nhãn là một vị thuốc có tác dụng dưỡng huyết, an thần. 
Theo y học cổ truyền, long nhãn là một vị thuốc có tác dụng dưỡng huyết, an thần, vào hai kinh tâm và tỳ, thường được dùng chữa suy nhược cơ thể, bổ thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ, hay quên, hoảng hốt...Liều dùng hàng ngày 6 – 15g dưới dạng thuốc sắc, chế cao hoặc ngâm rượu uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với những vị thuốc khác.
Cháo sơn dược – long nhãn: Sơn dược tươi 100g, long nhãn nhục 100g, ngũ vị tử 3g, đường trắng 50g. Sơn dược bỏ vỏ xắt lát mỏng, cùng với long nhãn, ngũ vị tử nấu thành cháo cho đường vào ăn. Công dụng: Long nhãn nhục vị ngọt tính bình, ích tâm huyết lại an thần; Sơn dược, ngũ vị tử cố thận khí, sinh tân dịch, 3 vị trên hợp lại có tác dụng bổ ích tâm thận rất tốt. Người bị tâm thận âm bất túc dẫn đến tiêu khát, tiểu nhiều, hồi hộp mất ngủ, lưng đau gối mỏi, nên thường ăn món cháo này. Người âm hư hoả vượng nên cẩn thận khi dùng.
Cháo long nhãn - hồng táo: Long nhãn nhục 15g, hồng táo 5 trái, gạo nếp 100g. Đem 3 thứ trên cùng nấu thành cháo ăn với đường trắng. Cháo có tác dụng dưỡng tâm, an thần, kiện tỳ, bổ huyết có thể dùng trị các chứng hồi hộp, hoảng loạn mất ngủ, mau quên, thiếu máu do tâm huyết bất túc, tỳ hư tiêu chảy, phù thũng, thể chất gầy yếu, suy nhược thần kinh, ra mồ hôi trộm. Mỗi lần ăn không nên quá nhiều, sáng tối ăn 2 lần. Mỗi lần ăn không nên quá nhiều, sáng tối ăn 2 lần. Ăn nhiều quá sẽ làm khí đầy ứ ở trung tiêu. Người bị phong hàn cảm mạo, phát hiện sợ lạnh không nên dùng nhiều món này.
Cháo long – liên - táo: Long nhãn nhục 15g, hạt sen 15g, hồng táo 5 trái, gạo nếp 50g, đường trắng 30g. Hạt sen bỏ tim, táo bỏ hạt, cùng với long nhãn nhục, nếp nấu thành cháo. Lúc ăn thêm đường. Cháo có tác dụng ích tâm an thần, dưỡng tâm bổ trung. Phàm người bị tâm hư thiếu máu, tỳ khí hư nhược dẫn đến hồi hộp, mau quên, thiếu khí lực, mắt vàng gầy yếu, đại tiện lỏng, đều nên dùng món này bồi bổ. Ăn buổi sáng là tốt nhất.
Chè long nhãn – nhân sâm: Long nhãn nhục 30g, nhân sâm 6g, đường trắng 20g. Ba thứ trên cho vào tô đậy kín nắp đem chưng cách thuỷ thành dạng cao, mỗi lần uống 1 muỗng. Công dụng: Long nhãn nhục vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ ích tâm tạng, dưỡng huyết an thần; Nhân sâm vị ngọt đắng, tính mát có tác dụng ích khí dưỡng huyết sinh tân dịch; hai vị này hợp lại có công dụng dưỡng tâm huyết, ích tâm khí an tâm thần rất tốt. Người bị khí hư, huyết hư làm cho hồi hộp, hơi thở ngắn, mất ngủ, mau quên hoạt động là thở dốc, mồ hôi ra nhiều, sắc mặt trắng bệch, dùng món này có tác dụng trị liệu rất rõ.
Lương y Vũ Đức Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Bình luận(0)