Sự thật về “thần y” chữa ung thư ở nơi 'thâm sơn cùng cốc'

Google News

Ở nơi “cùng cốc” nhưng ai cũng biết đến thần y chưa ung thư Út Nho với biệt tài chữa nhiều căn bệnh nan y.

Ăn chay niệm Phật, học Đông y
Nghe danh lương y Út Nho (tên thật là Mai Văn Buội, SN 1952), người ở ấp 6, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), có biệt tài cải tử hoàn sinh, "thần y" chữa ung thư chúng tôi tò mò tìm đến. Đường vào nhà vị lương y danh chấn quả nhiên đầy thử thách. Chúng tôi phải ngồi đò để vượt qua một con sông, rồi lần theo con đường sỏi đá mới vào được nhà ông. Đó là căn nhà gỗ lụp xụp nằm nép mình bên vệ đường, nơi cưu mang biết bao người bệnh mấy chục năm nay. Chẳng bởi thế mà, dù ở nơi “thâm sơn cùng cốc” ấy ông vẫn được nhiều người biết và tìm đến chữa bệnh.
Su that ve “than y” chua ung thu o noi 'tham son cung coc'
Chân dung lương y Út Nho. 
Khi chúng tôi đến nhà lương y Út Nho, trời đã điểm đúng giờ Ngọ. Trong nhà vị lương y lúc này có 8 người bệnh đang xếp hàng chờ đến lượt khám. Tin đồn quả không sai, mặc dù nhiều bệnh nhân nhưng trên gương mặt vị lương y vẫn nở nụ cười thân thiện. Ông ân cần dặn dò, chỉ bảo từng li từng tí cho người bệnh. Những người tỏ ra lo lắng về bệnh tật, lương y luôn tìm cách chọc cho họ cười để giảm bớt áp lực.
Khi bệnh nhân cuối cùng của buổi khám vừa rời đi, lương y gọi PV lại để khám. Ông ngớ người khi biết PV đến để tìm hiểu về cái tài cái đức của ông.
Ông bảo: “Chuyện có chi đâu mà phải cực các chú lặn lội đường sá xa xôi đến đây đưa tin thế”. Lương y Út Nho vốn sinh ra ở Bạc Liêu, sau đó ông đi học tại Sóc Trăng. Trong thời gian ấy ông ăn ở tại chùa, đọc kinh niệm Phật và học Đông y.
Thời trẻ, lương y Út Nho từng trải qua nhiều công việc trong ngành y, có thời điểm ông còn làm giảng viên. Về sau ông nghe trên đài thấy mảnh đất Thanh Sơn màu mỡ tốt tươi, nên bàn với gia đình dọn lên đó sinh sống. Nhờ có kiến thức Đông y, ông gieo trồng được cây thuốc, bốc thuốc chữa cho nhiều người. Từ đó tiếng tăm của vị lương y tài đức bắt đầu được loan xa. Chính quyền xã cũng mời ông về trạm y tế tham gia cứu chữa bệnh nhân bằng phương pháp Đông y danh chấn của ông. Thấm thoắt đã vài chục năm, ông không nhớ nổi bao nhiêu người bệnh đã được ông chữa khỏi.
Khắc tinh của thần chết
Trong những ca bệnh ông chữa trị, có một số trường hợp đặc biệt, ông đã “cãi lệnh thần chết” mang lại sự sống cho bệnh nhân. Lương y Út Nho kể: “Tôi chuyên chữa về bệnh nội thương mãn tính. Bệnh nhân của tôi một số là những người bị bệnh viện trả về, họ đến đây tôi chữa được thì chữa không thì cũng động viên tinh thần cho họ. Có một trường hợp bệnh nhân là ông Trần Viết Tuấn (64 tuổi), đến đây vào tháng 6/2006 với tờ giấy kết luận của một bệnh viện (PV không tiện nêu tên) nhờ chữa trị. Tờ giấy kết luận có ghi sốt siêu vi, xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối nên bệnh viện trả về.
Về nhà, ông Tuấn đau đớn với cái bụng trướng to, tay chân phù nề, phải nằm liệt giường. Lúc ông ấy tìm tới tôi, tôi bắt mạch, xem sắc diện, nghe tiếng nói thì thấy vẫn còn chút hy vọng. Lúc ấy tôi bảo: “Không sao đâu anh ơi, uống vài thang thuốc là khỏi” cốt để động viên bệnh nhân. Ông ấy uống thuốc vô thì đau nhức, đòi tự tử nhưng sau khi qua cơn thì bệnh bắt đầu thuyên giảm. Lý do đau nhức là bởi trước đó ở bệnh viện ông này có tiêm thuốc giảm đau, khi đụng với thuốc phục hồi miễn dịch của tôi, nó xảy ra phản ứng nhằm giải chất độc trong cơ thể. Lần thứ hai ông ấy tới thì bệnh đã đỡ được một nửa, rồi ông ấy tiếp tục uống thêm 10 thang chữa di căn phổi, tràn dịch phổi, xuất huyết bao tử... Ba tháng sau ông ấy đến bệnh viện kiểm tra lại thì bệnh tình đã khỏi, sống khỏe đến tận giờ”.
Không chỉ có biệt tài cứu chữa những ca bệnh khó, lương y Út Nho còn dùng các bài thuốc gia truyền chữa khỏi bệnh hiếm muộn. Ông cho biết, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã sinh được con sau khi dùng phương thuốc của gia đình ông. Kể về kỷ niệm trong thời gian chữa bệnh cứu người, lương y Út Nho vui vẻ chia sẻ: “Khoảng 5 năm trước có một người phụ nữ trong xóm đến nhà tôi, trình bày triệu chứng khó tiểu. Sau khi bắt mạch tôi kết luận ngay cô đã có mang ba tháng. Lúc này người phụ bất ngờ thốt lên: “Em mổ triệt sản hai tháng rồi thầy ơi”, sau câu nói đó, những bệnh nhân ở phòng khám cười ầm lên. Khoảng một năm sau, người phụ nữ ấy bồng đứa con đến xin tôi làm ba đỡ đầu”.
Xuất khẩu thành “thơ thuốc”
Ngoài công việc trồng thuốc, bốc thuốc và khám chữa bệnh, lương y Út Nho còn dành nhiều thời gian cho việc viết sách y học. Mỗi cuốn sách mà ông soạn thảo luôn có sự kết hợp giữa y học cổ truyền, y học hiện đại và cả những kinh nghiệm mà ông tích lũy được trong quá trình làm nghề. Đặc biệt, khi thực hiện việc ghi chép các bài thuốc, phương thuốc ông luôn biến thể nó thành những bài thơ dễ đọc, dễ nhớ. Chia sẻ về cách làm độc đáo này, lương y Út Nho hào hứng kể: “Hồi trước việc học Đông y khổ sở lắm, vì tài liệu nhiều vô kể, mình không thể nhớ nổi. Lúc đó tôi nghĩ mình cần phải có một giải pháp ghi nhớ hiệu quả hơn. Và rồi, tôi đã chọn cách chuyển thể các bài thuốc thành bài thơ”.
Sau khi nghĩ ra cách học tập mới, ông bắt đầu chuyển thể tất cả các tài liệu có được và đi đâu ông cũng đọc “thơ thuốc”. Thậm chí, ông còn dùng cả “thơ thuốc” để ru con. “Có lẽ nhờ mấy bài ru “thơ thuốc” ấy mà giờ các con của tôi đứa nào cũng có lòng đam mê và nhiệt huyết với nghề tôi đang làm. Những bài thơ này không chỉ giúp tôi nắm vững kiến thức ngành y, mà còn rút ngắn được thời gian khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Mỗi lần bắt mạch cho khách, khi biết tình trạng bệnh tình tới đâu, trong đầu tôi đã hình dung ngay tới bài thơ liên quan đến bệnh lý đó”, lương y Út Nho kể tiếp.
Cũng theo vị lương y này, trước đây ông phải mất hơn 10 năm để học và nắm vững các kiến thức về Đông y. Nhưng sau này nhờ cách dạy học “thơ thuốc”, ông chỉ mất gần 3 năm để truyền đạt lại hết kiến thức cho học trò của mình. Hiện tại, ông viết được gần ba bộ sách, với khoảng hơn mười ngàn bài thơ về các phương thuốc, vị thuốc. Lương ý Út Nho cho biết, ông đang có ý định dùng số sách chứa đựng tâm huyết cả đời của mình để góp vào kho tàng tư liệu y học dân gian. Đồng thời ông cũng sẽ tổng hợp lại một số tư liệu kiến thức Đông y, giữ lại cho các con của mình, tiếp tục nối nghiệp cha.
Được lãnh đạo chính quyền địa phương đánh giá cao
Chia sẻ với PV về tài đức của lương y Mai Văn Buội, ông Ngô Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Ông Buội là một người có tâm huyết với nghề, không chỉ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo, ông còn tích cực tham gia các công tác từ thiện, nhân đạo tại địa phương. Trước đây ở trạm y tế xã chưa có phòng khám Đông y, địa phương vận động ông ra đây khám bệnh và ông đã vui vẻ nhận lời làm cho tới bây giờ. Hàng năm, xã luôn dành cho ông những suất khen thưởng, vì giữ vững danh hiệu tấm gương người tốt việc tốt”.
Theo Người đưa tin

Bình luận(0)