TS Trần Công Trục: “Không nên để Philippines đơn độc“

Google News

Luật sư, Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng yếu tố quan trọng hiện nay là đừng để cho Philippines đơn độc trong cuộc đấu tranh về những vấn đề trên biển Đông.

Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi Philippines chính thức gửi đơn lên Tòa án trọng tài Quốc tế của Công ước về Luật biển (UNCLOS) để kiện phía Trung Quốc về những vấn đề trên biển Đông. Diễn biến mới nhất của vụ việc này là phía Trung Quốc đã lảng tránh vụ kiện bằng động thái trả lại công hàm cho Philippines.
 
 Bãi cạn Scarborough.

Từng là Trưởng ban Biên giới Chính phủ, từng lăn lộn và hiểu rõ từng cột mốc biên cương, Luật sư, Tiến sĩ Trần Công Trục dành nhiều thời gian để nghiên cứu rất kỹ về vụ kiện. Bởi vì theo ông vấn đề này liên quan đến tất cả các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đang cùng chịu chung sự áp đặt vô lối của Trung Quốc về "Đường lưỡi bò chín đoạn”.
 
Trong bối cảnh vấn đề Biển Đông vẫn ngày một nóng vì những động thái không ngừng leo thang của Trung Quốc trong âm mưu chiếm trọn biển Đông, để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về vụ việc, chúng tôi đã mời TS Trần Công Trục cùng mổ xẻ, phân tích và đưa ra những nhận định.
 
 TS. Trần Công Trục.

Thưa ông, người dân bình thường không phải ai cũng hiểu hết về vụ kiện của Philippines, ví dụ như họ kiện cụ thể vấn đề gì, dựa trên cơ sở pháp lý nào? Là người nghiên cứu kỹ về vấn đề này, ông có thể cung cấp cho bạn đọc báo Đại Đoàn kết cái nhìn toàn cảnh?
 
Theo tôi, trong bối cảnh vấn đề Biển Đông đang hết sức nóng hiện nay thì vụ kiện lên Tòa án trọng tài Quốc tế về Luật Biển của Philipines đang được dư luận hết sức quan tâm, không phải chỉ nước ta, trong khu vực, mà cả quốc tế, rất nhiều người có ý kiến về sự kiện này. Để nhìn nhận một cách khách quan, khoa học về sự kiện này, chúng ta cần phải hiểu rất rõ nội dung và thủ tục, cũng như nội dung đơn khởi kiện của Philippines đối với Trung Quốc lên cơ quan Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp Quốc mới có thể đánh giá xem việc làm của họ đúng hay sai? Tuân thủ đúng Công ước Luật Biển năm 1982 đưa ra hay không? Đấy là điều mà chúng ta nên cho bạn đọc, dư luận biết. Tôi cho rằng dư luận hiện nay, trừ một số người nghiên cứu, các cơ quan có liên quan người ta biết đến vụ kiện này, còn phần lớn dư luận chưa thể hiểu được cụ thể.
 
Trước hết, qua nghiên cứu và theo tài liệu tôi có thì Philippines nộp đơn lên Tòa án trọng tài về Luật Biển của Liên Hợp Quốc ngày 2-1-2013. Trong đơn kiện, có thể nói họ đã nêu khá đầy đủ, tất cả gồm 43 điểm, được bố trí vào 7 mục lớn. Trong những điểm đó, chủ đề chính, nội dung cốt lõi của đơn này là Philippines kiện Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
 
Cụ thể việc Trung Quốc áp dụng sai là ở những điểm nào thưa ông?
 
Thứ nhất, Trung Quốc sai khi đưa ra một đường yêu sách biên giới trên Biển Đông (vẫn được gọi là đường lưỡi bò). Philippines cho rằng con đường đó rất vô lí, xét theo Công ước đưa ra cho các quốc gia trên biển xác lập các vùng quần đảo chủ quyền trên biển thì rõ ràng đường lưỡi bò của Trung Quốc không có căn cứ. Nó là một "con đường” mà mọi người, kể cả người Trung Quốc, đều thấy không có một cơ sở khoa học nào, không có tọa độ nào, căn cứ nào để đưa ra "con đường” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, cách xa bờ biển Trung Quốc từ nơi gần nhất đến 800, 900 hải lí. Trong đơn kiện Philippines nói đấy là con đường hết sức vô lí, rõ ràng là không thể có căn cứ ở bất kì một điểm nào trong Công ước về Luật Biển, mà Trung Quốc là một thành viên.
 
Thứ hai, Philippines cho rằng Trung Quốc đã áp dụng sai điều 121 nói về đảo, bãi cạn, từ đó tính đến hiệu lực vùng biển của các đảo, các bãi cạn đó hoàn toàn sai. Cho nên Trung Quốc đã tính những bãi cạn nằm trên thềm lục địa của Philippines vào vùng quần đảo của họ. Từ vùng bãi cạn lập lờ mặt nước, khi thủy triều lên cao thì bị chìm xuống mặt nước, cạnh các khối đảo, để rồi từ đó họ nói, đây là những bộ phận của họ để tính ra hiệu lực của vùng biển. Đấy cũng là áp dụng hết sức sai, theo qui định của chính Công ước được viết. Từ trên cơ sở sự áp dụng hết sức sai đó, Trung Quốc đã tiến hành đưa ra các luật lệ của mình, để bắt bớ, ngăn cản hoạt động đánh cá cũng như đi lại các thông thường trên biển. Trong khi theo Công ước Luật Biển qui định các nước có quyền tự do hàng hải, tự do khai thác vùng biển của các quốc gia ven biển, được qui định theo đúng Công ước. Chuyện Trung Quốc đưa ra cái gọi là điều lệ biên phòng vùng ven biển của Hải Nam, trong đó có nói họ có quyền khám xét, lục soát tàu bè đi lại trong vùng mà họ cho là thuộc chủ quyền của họ và các vùng biển liên quan, thì rõ ràng là hoàn toàn sai! Họ đã đi trái với Công ước.
 
Vậy là theo ông, những nội dung trong đơn kiện Trung Quốc của Philippines lên Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển là hoàn toàn có căn cứ và cơ sở?
 
Theo tôi, những điểm chính Philippines đưa ra, và thủ tục để khởi kiện Trung Quốc căn cứ vào phần 15 - giải quyết các tranh chấp, cũng như phụ lục 7 trong Công ước nói về phán quyết của Tòa án trọng tài để họ đưa ra đơn này, tức là theo đúng thủ tục qui định trong nội dung của Công ước UNCLOS. Trong hồ sơ đơn kiện lên Tòa án trọng tài quốc tế Philippines nói rất rõ là họ đã có thời gian dài đàm phán với Trung Quốc về vấn đề này nhưng không thành công, nay họ mới chính thức kiện lên Tòa án quốc tế, chứ không phải là vẫn trong quá trình đàm phán mà họ đã đột ngột đưa ra. Philippines cũng đã nhấn mạnh rằng dù đã trải qua nhiều năm đàm phán Trung Quốc vẫn không có những thỏa thuận cần thiết, không có những đánh giá khách quan về tất cả những ý kiến mà Philippines nêu lên với Trung Quốc, cho nên Philippines đánh giá rằng, với một quá trình đàm phán như vậy, với những thỏa thuận thay đổi quan điểm một cách thẳng thắn và rất thiện chí từ Philippes mà Trung Quốc không chấp nhận, buộc lòng họ phải đưa lên Tòa án quốc tế.
 
 Quốc kỳ Philippines cắm trên khu vực bãi cạn Scarborough. Ảnh: TL

Tức là, việc làm này của Philippines phù hợp với luật pháp quốc tế?

Philippines đã đưa nội dung và tiến hành thủ tục hoàn toàn phù hợp với các qui định của Công ước về Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1982, mà Philippines và Trung Quốc đều là thành viên chính thức. Rõ ràng là trong hồ sơ kiện của Philippines, chúng ta đọc có thể thấy rõ nội dung hết sức minh bạch và rõ ràng. Cái điều mà họ làm, kể cả nội dung và thủ tục đều hoàn toàn phù hợp với qui định của Công ước.
 
Thưa ông, đối với các nước trong khu vực cũng đang có cùng tranh chấp về Biển Đông, việc Philippines đi kiện có ý nghĩa như thế nào?
 
Tôi, sau khi nghiên cứu kỹ nội dung hồ sơ kiện của Philippines, có thể đánh giá Philippines đang có hướng đi đúng đắn khi khởi kiện Trung Quốc. Việc Trung Quốc áp dụng sai Công ước Luật Biển 1982 không chỉ làm ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lợi chính đáng của Philippines đâu, mà tôi chắc rằng tất cả các điều áp dụng đó của Trung Quốc cũng đều có những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các nước trong khu vực. Trong đó, Việt Nam là một nước có thể nói là bị tác động rất mạnh mẽ, bởi sự giải thích và áp dụng sai của Trung Quốc. Như chúng ta biết, đường biên giới "lưỡi bò” trên Biển Đông đã "liếm” sát vào bờ biển Việt Nam.
 
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, trên thực tế Trung Quốc đang dùng sức mạnh quân sự để áp đảo, tranh giành nguồn tài nguyên trong vùng Biển Đông. Mà những chuyện đó, họ nấp dưới danh nghĩa là Trung Quốc có quyền lợi, có quyền yêu sách, bây giờ Trung Quốc rất thiện chí muốn cùng các bên song phương đàm phán. Thế giới nhiều khi không hiểu được cái yêu sách đó đúng như nào, sai ra làm sao? Dựa vào Công ước, cơ sở để các bên giải quyết tranh chấp trên biển, thì rõ ràng Philippines biết chọn một biện pháp có lí có tình và có hiệu quả là đưa ra cơ quan tài phán, dùng đấu tranh pháp lí để chứng minh sự đúng hay sai.
 
Thưa ông, nhưng cũng có nhiều chuyên gia quốc tế vừa qua nhận định, việc Philippines đưa vấn đề lên Tòa án trọng tài quốc tế sẽ là lý do để Trung Quốc kéo dài tiến trình thông qua Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)?
 
Khi các quốc gia tham gia kí kết vào một Công ước quốc tế thì điều hết sức quan trọng là việc giải thích và áp dụng các định ước đó như thế nào? Có thể có một số tiểu tiết đã bị hiểu và áp dụng sai cũng là chuyện rất bình thường. Bởi có rất nhiều lí do, động cơ khác nhau, thậm chí có khi có nội dung được qui định trong Công ước chưa thật cụ thể rõ ràng, do đó có thể bị vận dụng sai đi, cũng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Cho nên khi các quốc gia không tìm được tiếng nói chung thì đưa lên cho Tòa án trọng án quốc tế phán xét là chuyện cũng bình thường và nên làm. Ở đây chúng ta chưa bàn chuyện ai đúng ai sai. Nên tôi nghĩ rằng, chúng ta đừng lo ngại chuyện đơn kiện này làm căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Bởi vì không thể để mỗi quốc gia hiểu và vận dụng Công ước một cách khác nhau mà cần phải thừa nhận một chân lí, một sự đúng đắn, một cơ sở để giải quyết tất cả những phức tạp trên biển hiện nay. Đấy mới là văn hóa ứng xử của các quốc gia trong thế giới văn minh hiện nay.
 
Nếu Tòa án quốc tế giải quyết được, thì sẽ củng cố quan hệ giữa các bên có liên quan về vụ việc đó. Nếu không để rồi cứ gây căng thẳng, thậm chí gây ra đổ máu là bất lợi vô cùng. Cho nên, trong một xã hội hiện đại, ở thế kỉ 21 này, khi loài người đã bước đến giai đoạn văn minh thế này rồi thì việc đưa vụ việc ra luật pháp quốc tế giải quyết đúng sai có giá trị tích cực, chúng ta cần phải ủng hộ. Chính điều này mới củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa các nước, làm cho tình hình đỡ phức tạp đi.
 
Nhưng trong trường hợp như động thái của Trung Quốc vừa qua là trả lại công hàm cho phía Philippines thì vụ kiện của Philippines còn có ý nghĩa không, và bước pháp lý tiếp theo sẽ là gì, thưa ông?
 
Trung Quốc trả lại công hàm, vì trong việc này, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương thôi, không muốn đa phương, không muốn đưa ra cơ quan tài phán quốc tế. Việc làm này của Trung Quốc đi ngược với ứng xử của các bên, làm phức tạp thêm tình hình. Về thủ tục pháp lý, việc Trung Quốc từ chối công hàm của Philippines không ảnh hưởng gì. Theo trình tự, sau 15 ngày Trung Quốc phải trả lời với cơ quan tài phán quốc tế có tham gia hay không tham gia vụ kiện? Lí do là gì? Phải có một câu trả lời chính thức. Trong trường hợp Trung Quốc cố tình bác đơn kiện về vấn đề chủ quyền của Philippines thì cơ quan tài phán quốc tế, theo phụ lục 7, mục 15, có quyền xem xét vụ kiện mà không cần có sự đồng ý theo kiện của Trung Quốc. Trọng tài quốc tế cũng có quyền đưa ra các phán xét của mình về việc Trung Quốc có giải thích, áp dụng đúng Công ước về Luật Biển trong thực tiễn không? Tất nhiên là cơ quan trọng tài phải xem xét rất kĩ thủ tục, nội dung mà Philippines đưa ra xem có điểm nào đúng, điểm nào sai để có thể đánh giá một cách khách quan.

Tôi nghĩ rằng, Tòa án trọng tài quốc tế phải có trách nhiệm của một cơ quan tài phán để đảm bảo việc tuân thủ Công ước Luật Biển được thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả, giúp cho việc giải quyết các tranh chấp, đồng thời trở thành công cụ pháp lí giải quyết các mối quan hệ của các nước trong khu vực Biển Đông, tạo ra môi trường hòa bình, hữu nghị. Nếu không làm được điều ấy thì Công ước Luật Biển 1982 phải đầu tư mấy chục năm trời mới làm ra được bị coi như vô giá trị hay sao?
 
Đương nhiên, trong thực tế của lịch sử loài người thì rõ ràng không phải bất kì một chân lí nào, sự đúng đắn đều có thể bảo vệ hoàn toàn được, nếu như có những lợi ích nào đó đan xen. Chính vì vậy, yếu tố quan trọng hiện nay là đừng để cho Philippins đơn độc trong cuộc đấu tranh này!
 
Trân trọng cảm ơn ông!

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

 
Theo Đại đoàn kết

Bình luận(0)