Có học sinh nộp tiền và... “chửi giáo viên“

Google News

(Kiến Thức) - "Có những học trò gia đình nhiều tiền, chúng nộp tiền và cứ chửi giáo viên thoải mái", PGS.TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên.

Tôi là hiệu trưởng, tôi thừa hiểu!

Ông đánh giá thế nào về quy định phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng đối với hành vi bố trí quá sĩ số lớp trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục?

Tôi không bàn về mức phạt hành chính bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tự hỏi nếu phạt thì phạt ai? Phạt người dạy học hay phạt người bố trí lớp học thì phải làm rõ. Người dạy thì đâu có lỗi gì, phải phạt người bố trí lớp học, người hiệu trưởng chứ.

Nhưng thực tế gần như ở tất cả các trường ở thành phố đều vi phạm quy định sĩ số lớp. Mà không ai mong lớp đông cả, vì không có đất xây trường thì mới phải làm thế?

Thực tế thì vùng sâu vùng xa thì sĩ số lớp không đủ, ngược lại ở các thành phố lớn thì lại quá tải. Quy định này có thể buộc người ta phải giải tỏa, hoặc nghĩ đến việc sẽ giải tỏa. Nó như là một hình thức gây áp lực vậy.

Ông cũng đang quản lý một trường học, ông thấy điều đó có khả thi?

Nó gây khó cho các trường nội thành, đặc biệt là các trường có uy tín. Những trường đó, ai cũng tranh giành gửi con vào đó cả. Bởi thế sĩ số lớp lúc nào cũng đông. Việc hạ sĩ số có thể sẽ làm tăng chất lượng dạy và học, nhưng rất khó làm.

Nhu cầu học thì lớn mà cơ sở vật chất thì không đủ, một số hiệu trưởng cho rằng nếu phạt thì phải phạt lãnh đạo địa phương đó, quan điểm của ông thế nào?

Các hiệu trưởng muốn không bị phạt thì lại phải tìm cách. Hoặc là chấp hành đúng quy định, đẩy học sinh có nhu cầu học ra đường. Hoặc là lại xin ý kiến lãnh đạo địa phương cho phép, thế thì không bị phạt nữa. Học sinh bị đuổi ra đường đấy, Bộ GD&ĐT đi mà giải quyết. Bởi thế mà cái quy định này rất khó để khả thi.

Nghĩa là khó phạt được bởi cung vẫn vượt quá cầu?

Quy định này sẽ không có ý nghĩa gì, sẽ chẳng phạt được ai cả. Cái dễ làm nhất là các địa phương lại cho ra những quy định riêng cho phép các trường được tự điều chỉnh. Thế nên là không thể cái gì cũng đè ra phạt ngay được. Tôi là hiệu trưởng, tôi thừa hiểu tình hình thực tế như thế nào. Còn nếu bảo ngay lập tức phải thực hiện thì một là học sinh phải đứng ngoài đường, hai là các trường vi phạm. Giải pháp nào thì tốt hơn? Nói tóm lại là sẽ chẳng phạt được ai, anh đề ra để đấy cho vui thôi.

PGS.TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Nhiều giáo viên thủ đoạn lắm!

Trong quy định về dạy thêm học thêm, mức phạt sẽ từ 3 - 30 triệu đồng, trong đó phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm. Chuyện này có phổ biến trong thực tế hiện nay không ạ?

Rất nhiều giáo viên có thủ đoạn như vậy, nhất là ở những thành phố lớn. Họ cứ cho điểm xấu, điểm kém, cho bài kiểm tra thật là khó, trò không biết cách giải. Thầy mà muốn đánh bẫy trò thì dễ lắm. Để đạt điểm cao, biết cách làm bài, thì buộc phải đi học thêm. Thế là bài kiểm tra trên lớp ra đúng bài vừa học ở lớp học thêm. Bài tập sẽ gần giống như thế, chỉ thay số thôi. Học sinh có mà van xin để được đi học thêm ấy chứ.

Ông bảo số giáo viên đó rất nhiều ạ?

Nhiều chứ không phải ít đâu. Mà cái việc cắt xén chương trình thì không phải ai cũng phát hiện ra. Phải là người làm cùng chuyên môn thì mới phát hiện ra.

Cái này tôi tưởng thanh kiểm tra là phải biết chứ?

Người có chuyên môn phải đi thanh tra thì mới phát hiện ra. Nhưng phần lớn giáo viên họ tinh lắm. Có người dự giờ là họ dạy đúng ngay. Tôi làm trong nghề tôi biết. Còn quy định xử phạt và muốn có tính khả thi thì phải là để học sinh tố cáo. 

Liệu giáo viên sẽ dùng "mánh" gì để cho kín kẽ đây?

Thì kiểu như học sinh đi học thêm thì buộc phải làm một cái đơn cam kết tự  nguyện đi học, không ai ép buộc cả.

Giáo viên mà như vậy thì tôi thấy vô đạo đức quá!

Đúng quá chứ còn gì nữa. Giáo viên làm thế thì chính học sinh cũng coi thường, chúng nó khinh cho chứ. Họ kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng nhưng họ mất hết nhân cách. Học sinh coi thường lắm, các em biết hết thầy nào tận tụy, yêu thương, thầy nào dạy chỉ vì tiền, làm chỉ vì trách nhiệm... Khi ra trường là chúng chửi lại giáo viên.

Phải chăng vì lương thấp nên họ mới làm thế?
Không phải đâu, là do bản chất của mỗi con người thôi. Đó là phẩm chất của người giáo viên. Cùng là giáo viên, nhưng có người như thế, có người không. Thế nên việc tuyển giáo viên là rất khó, nhiều khi có đủ năng lực nhưng lại không có tư cách đạo đức, thì cũng không nên đứng lớp. Những trường mà quản lý không xuể thì giáo viên tự tung tự tác, càng trường nổi tiếng thì giáo viên càng như thế. Nên khâu chọn lựa giáo viên rất quan trọng.

Nhỡ nó cứ nộp tiền để chửi thầy thì sao?

Việc xúc phạm nhân phẩm của nhà giáo, ngược đãi, hành hạ, đánh đập người học... sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Điều này hẳn sẽ thiết lập lại văn hóa học đường?

Tôi cho là nếu giáo viên ngược đãi học sinh thì sẽ là vi phạm đạo đức nhà giáo, cần phạt nặng hơn. Học sinh xúc phạm nhân phẩm giáo viên cũng thế. Và phải tách bạch hai phạm trù này để có những quy định rõ ràng hơn. Chứ nếu cứ thế này, giả sử học trò chửi giáo viên thì nghĩa là giáo viên không làm được vai trò giáo dục của mình. Giáo viên liệu có phạt được trò không? Việc phạt đó liệu có mang tính răn đe không? Hay là có những học trò gia đình nhiều tiền, chúng nộp tiền và cứ chửi giáo viên thoải mái?

Trò mà hỗn láo thì có thể xử lý được chứ ạ?

Giáo viên thì vốn phải bao dung học trò, cùng lắm là kiểm điểm, hạ hạnh kiểm thôi. Trong trường hợp này, không thể giáo dục bằng tiền được. Trước đây trường tôi có quy định học sinh đi học muộn phải nộp 10.000đ vào quỹ. Thế là nhiều học sinh nộp tiền phạt rồi ở nhà ngủ. Chúng bảo chúng nộp tiền phạt rồi, làm gì được chúng nữa. Thế là tôi phải bỏ quy định này.

Nhìn nhận lại, theo ông thì việc quy định chi tiết các mức xử phạt như vậy có làm tăng chất lượng giáo dục không?

Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đưa ra các mức phạt sẽ chống được cách làm tùy tiện vốn có trong giáo dục. Tôi phải nhấn mạnh là giáo dục dễ làm tùy tiện lắm. Nó làm rõ trách nhiệm từng vi phạm một. Chứ như trước đây thì cái gì cũng chung chung, cứ xuê xoa với nhau, bỏ qua một cách dễ dãi. Hy vọng là nền giáo dục sẽ tăng hơn tính chuyên nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

- Có quy định xử phạt hành chính thì giáo viên sẽ nề nếp hơn. Trước đây chỉ là những quy định của nhà trường, của hiệu trưởng, thanh tra sở về thì họ mới sợ chứ không có văn bản chính thức nào quy định hay xử phạt cả. Giờ có nó thì ít nhiều những trường vi phạm sẽ phải sợ hơn, hoạt động sẽ phải quy củ hơn.

- Hiện các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ làm ăn xa, ly hôn, trẻ sống với ông bà, cô dì chú bác... rất nhiều. Trong trường hợp đó thì điểm tựa của trẻ chính là nhà trường, thầy cô giáo. Mà chúng ta không có những giáo viên tốt, tâm huyết với trò thì coi như đứt cả hai đầu.

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)