Những lùm xùm của VTV trước “bản tin thời tiết vụ lợi“

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều chuyện lùm xùm liên quan tới VTV  trong thời gian qua đã khiến khán giả cả nước thất vọng. 

1. "Người xây tổ ấm" và "Cô Lượm" hư cấu

Ngày 17/12/2010, rất đông khán giả đến trường quay S10 của Đài Truyền hình Việt Nam tại Hà Nội để dự chương trình "Người xây tổ ấm", giao lưu với nhân vật Lượm (thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) - tác giả bài viết "Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời" trên trang web Tin tức Online. Ngày 25/1/2011, chương trình "Người xây tổ ấm" trên VTV1 tiếp tục phát phóng sự về cuộc đời bi đát của Lượm.
 
 Buổi thu hình chương trình Người xây tổ ấm về "cô Lượm"

Một thời gian sau khi chương trình phát sóng, dư luận xôn xao, bức xúc khi báo chí phát hiện nhân vật trong chương trình  là "người giả" với tên thật là Trần Thị Thuỳ Dương. Mọi tâm sự của “cô gái bụi đời’ khiến triệu trái tim thương cảm rơi nước mắt chỉ là chuyện bịa đặt, một màn kịch hư cấu hoàn hảo của một nhân vật có cha, có mẹ, có chồng... đang sinh sống ở Huế.

Trước sự thật đó, Ban biên tập Người xây tổ ấm - Đài Truyền hình VN phải lên tiếng về chuyện cô Lượm là không có thực vào lúc 22h45 tối 8/3/2011, tuy nhiên chưa nhận lỗi và xin lỗi khán giả cả nước. Điều này khiến dư luận càng thêm bức xúc về uy tín của VTV cũng như thương hiệu chương trình "Người xây tổ ấm".

Trước sức ép của dư luận, nhà báo Kim Ngân đã chính thức nói lời xin lỗi khán giả trong chương trình "Người xây tổ ấm" ngày 29/3/2011. Vụ việc "cô Lượm" kết thúc nhưng cũng để lại cho VTV bài học về xác minh thông tin và cách ứng xử với khán giả cả nước.

2. Lại Văn Sâm "mạnh dạn" dịch trực tiếp lời sao Hồng Kông theo ý mình

Tối ngày 21/10/2010, trong chương trình truyền hình trực tiếp Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, MC Lại Văn Sâm chủ động kiêm phần phiên dịch cho Ngô Ngạn Tổ. Khi nam diễn viên Hồng Kông này phát biểu về niềm vinh dự khi được tham dự liên hoan phim tại thành phố vừa kỷ niệm ngàn năm tuổi thì MC nhanh chóng dịch luôn rằng Ngô Ngạn Tổ rất hạnh phúc khi thấy có nhiều người hâm mộ anh ở Việt Nam.
 
Những tưởng đây chỉ là sự chữa cháy tại chỗ, nào ngờ khi Ngô Ngạn Tổ phát biểu một câu rất nhiều thông điệp khích lệ thì MC Lại Văn Sâm vẫn "mạnh dạn" lĩnh phần chuyển ngữ. Kết quả, câu nói ý nghĩa "mục đích của một liên hoan phim quốc tế là đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả địa phương, nhưng nó cũng nhằm đưa điện ảnh địa phương đến với khán giả thế giới" biến thành một câu đại loại là "những ngày qua tôi thấy khán giả xếp hàng dài đến xem các bộ phim tại liên hoan". 

MC Lại Văn Sâm trong chương trình truyền hình trực tiếp Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất.

Màn “hài kịch” chỉ thật sự kết thúc khi diễn viên Ngô Ngạn Tổ xin nói thêm và MC Lại Văn Sâm phải gọi tên người phiên dịch "Ly ơi, Ly ơi…” (tại sân khấu bế mạc nghe rất rõ) để nhờ dịch hộ!
 
Sự cố trên sân khấu trên có lẽ đủ để thấy rõ, chính sự phối hợp không chỉn chu, sự chuẩn bị thiếu chu đáo trong “tam giác” đạo diễn với hai người dẫn chương trình đã tạo nên sự lúng túng và bị động tại buổi bế mạc này.

3. BTV Lê Bình và "cái bọn điên này..." phát sóng trực tiếp

Trong bản tin Tài chính - Kinh doanh phát sóng trực tiếp lúc 7h ngày  6/4/2011, BTV Lê Bình dẫn chương trình có phần phỏng vấn từ Mỹ giữa phóng viên thường trú tại đây với T.S Lê Hồng Lam, tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kì. Sau phần trao đổi đó, lẽ ra phải trả lại sóng cho BTV, nhưng do một số trục trặc kĩ thuật mà trên màn hình vẫn hiện lên hình ảnh, tiếng nói của khách mời và phóng viên thường trú. 

  BTV Lê Bình trong bản tin Tài chính - Kinh doanh phát sóng trực tiếp lúc 7h ngày  6/4/2011.


Có lẽ bực tức vì sự cố này nên BTV Lê Bình đã cau mày, phẩy tay rồi buột miệng văng "Cái bọn điên này..." mà không ngờ rằng lời nói của mình đã bị khán giả cả nước nghe thấy. Ngay sau đó, có lẽ nhận thức được sự việc nên BTV đã mất bình tĩnh và mắc nhiều lỗi đọc vấp trong phần còn lại của bản tin.

Clip có câu nói lỡ lời trích từ bản tin nói trên của BTV Lê Bình nhanh chóng lan truyền trên mạng và nhận nhiều lời bình phẩm của độc giả. Đa số người xem tỏ ra bất bình vì "lúc lên sóng mà còn văng thế thì không biết lúc bình thường thế nào", thậm chí còn đặt cả vấn đề cao hơn như "văn hóa VTV". Tuy nhiên, cũng có một số khán giả thoáng hơn, coi đây chỉ là một tai nạn đáng tiếc, một sự lỡ lời. Đây thực sự là một kinh nghiệm xương máu cho tất cả các MC dẫn chương trình trực tiếp. 

4. Lùm xùm quanh các chương trình truyền hình thực tế

Kể từ năm 2006, sau sự xuất hiện của chương trình Phụ nữ thế kỷ 21, các chương trình truyền hình thực tế trở nên quen thuộc với khán giả. Năm 2012 có thể coi là một năm nở rộ của loại hình này cả về số lượng lẫn thể loại trên sóng VTV. Hàng loạt những format nổi tiếng trên thế giới được các công ty sản xuất Việt hóa và phát nhan nhản trên sóng truyền hình VTV vào các ngày cuối tuần. 

Về âm nhạc thì có Thần tượng Việt Nam - Vietnam Idol (đang diễn ra mùa thứ 4), Giọng hát Việt - The Voice (mùa đầu tiên)... Ở mảng người mẫu là Người mẫu Việt Nam - Vietnam's Next Top Model (vừa kết thúc mùa thứ 3). Nhảy múa cũng có show riêng của mình là Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance (mùa thứ nhất). Trong khi đó, Vietnam's Got Talent (đang khởi động mùa thứ 2) lại là chương trình tìm kiếm tất cả các khả năng của thí sinh. Ngoài ra, không thể không nhắc đến các sân chơi có sự xuất hiện của người nổi tiếng như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo...

Ngoài ra, không ít các chương trình thuần Việt như Sao mai Điểm hẹn, Đồ Rê Mí... cũng dần thay đổi theo hướng "thực tế".

Tuy nhiên, vì một phần không phải là đơn vị trực tiếp sản xuất, phần khác do hoạt động đồng giám sát của VTV chưa chặt chẽ nên xung quanh các chương trình thực tế đó vẫn có lùm xùm khiến khán giả thất vọng.

Ngay ở những số đầu tiên lên sóng VTV3, Giọng hát Việt - The Voice đã tạo nên một cơn sốt thực sự. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi 180 độ khi đoạn băng tố cáo sự lộng quyền của Giám đốc âm nhạc Phương Uyên, một tay can thiệp vào kết quả cuộc thi, có quan hệ tình cảm với thí sinh nữ... được tung lên mạng. Vụ scandal không chỉ ảnh hưởng đến người trong cuộc, mà còn ảnh hưởng đến ê kíp thực hiện và quan trọng hơn cả là làm mất niềm tin của khán giả xem truyền hình. 

 Không có đại diện VTV trong đoàn chủ tọa buổi họp báo "scandal" The Voice

Không ầm ĩ như Giọng hát Việt, thế nhưng câu chuyện Quỳnh Anh tại Vietnam's Got Talent năm thứ nhất lại cho thấy một sự nhẫn tâm đến mức vô cảm của đơn vị sản xuất. Đó là dùng các chi tiết dễ gây ra những phản ứng mạnh từ cộng đồng để lôi kéo sự chú ý. Dẫu cho tất cả bắt nguồn từ chính mẹ của Quỳnh Anh, tuy nhiên việc BTC sau khi biên tập hình ảnh theo hướng có lợi cho mình rồi chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm và nhường toàn bộ "gạch đá" cho cô gái 15 tuổi là một điều khó chấp nhận.

5. Nghi án VTV "vụ lợi" trong bản tin thời tiết 6h30

Bài viết “Có sự vụ lợi trong bản tin thời tiết lúc 6h15?” ngày 14/1/2013 trên báo An ninh Thủ Đô có ghi nhận ý kiến của ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương khẳng định, việc dự báo nhiệt độ trên bản tin của VTV lúc 6h15 không phải do nguồn tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cung cấp. 

“Họ khai thác từ nguồn nào chúng tôi không biết. Cũng đã rất nhiều người dân gọi điện đến Trung tâm phản ánh sự bất nhất này. Ở đây, chúng tôi thấy có sự vụ lợi. Không nên để người dân phải nhắn tin, gọi điện đến số điện thoại nào đó mới được cung cấp thông tin nhiệt độ, thời tiết”, ông Hải nói. 

Ý kiến của ông Hải ngay lập tức đã khiến người dân dấy lên lo lắng về uy tín bản tin thời tiết của VTV1 lúc 6h15.

Tuy nhiên, VTV được "minh oan" khi ngày 15/1/2013, trao đổi với PV Kienthuc.net.vn, ông Lê Thanh Hải thừa nhận có chút hiểu nhầm trong sự hợp tác giữa Trung tâm và chương trình Bản tin thời tiết VTV1.
Đ.L (Tổng hợp)

Bình luận(0)