Vô tình sát sinh có tội hay không?

Google News

Đối với phật tử, Phật dạy chúng ta phải có lòng từ bi thương xót bảo vệ các con vật. 

Sơ ý con bị con chó của nhà hàng xóm cắn vết thương khá sâu, con đến bệnh viện chữa trị. Sau đó, con vẫn thấy con chó này đi lang thang ngoài đường. Trong lúc chủ nhà của nó đi vắng, nên con có kêu nhà chức trách đến bắt giữ nó lại, vì con sợ nó sẽ cắn người khác nữa. Nhưng không ngờ là nhà chức trách đã bắt giết nó. Ðược tin này, lòng con cảm thấy rất ray rứt bùi ngùi xót xa. Xin thầy hoan hỷ cho con biết, như vậy con có phải phạm tội sát sinh hay không?
Việc này, theo tôi, thì phật tử không có phạm tội sát sanh. Lý do tại sao mà tôi dám quả quyết như thế? Bởi chúng tôi căn cứ vào giới luật Phật chế. Theo luật, tội có ra là do sự kết hợp chặt chẽ của ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Mà ý nghiệp là đầu mối chủ động quan trọng hơn hết. Xét về ý nghiệp, thì phật tử không có ác ý muốn giết con chó. Vì phật tử lo sợ nó cắn người khác như phật tử đã bị nó cắn. Do đó, vì nghĩ đến người khác mà phật tử muốn ngăn ngừa hậu hoạn không tốt có thể xảy ra.
Vo tinh sat sinh co toi hay khong?
 Ảnh minh họa. 
Như vậy, chứng tỏ phật tử đã có một dụng ý rất tốt. Do chỗ dụng ý tốt, nên phật tử mới báo cho council (Hội Ðồng Thành Phố) biết để họ bắt nhốt nó lại. Theo ý của phật tử là nghĩ như thế. Nhưng cớ sự xảy ra lại ngoài ý muốn của phật tử, việc council giết con chó đó là trách nhiệm của họ. Ðiều nầy, xét kỹ thì không có liên hệ gì đến phật tử. Chủ ý của phật tử là muốn báo cho họ biết để bắt nhốt nó thôi. Vì người chủ của nó đi vắng. Sở dĩ council giết nó là vì họ biết con chó nầy hay cắn người. Nhất là nó lại đang đi hoang. Tội là tội của họ chớ không phải tội của phật tử.
Thế nên, xét ở nơi ba nghiệp, về ý nghiệp, thì phật tử đâu có cố ý sát hại con chó. Về khẩu nghiệp, thì phật tử chỉ báo cho họ biết để bắt nhốt nó lại. Về thân nghiệp, thì phật tử đâu có ra tay giết nó. Như vậy, phật tử không phải tự mình giết, cũng không xúi giục dạy bảo người khác giết hay phật tử thấy người khác giết rồi sinh tâm vui theo. Xét về ba cách của giới sát này, thì phật tử cũng không có phạm vào điều nào cả. Nếu có lỗi, thì chỉ lỗi ở nơi cái miệng, vì phật tử báo cho nhà chức trách biết. Tuy nhiên, như đã nói cái miệng chỉ làm theo cái ý chủ động sai sử tốt mà thôi. Thật ra, nó cũng không có tội vạ gì.
Chẳng những thế, khi hay tin con chó bị giết chết, phật tử lại khởi từ tâm thương xót và lòng cảm thấy bùi ngùi ray rứt trong lòng thật khó chịu. Chứng tỏ, là phật tử không có ý nhẫn tâm giết nó. Chỉ vì phật tử lo sợ người khác bị nó cắn mà phải chịu đau khổ như phật tử đã bị. Chớ tuyệt nhiên, lòng phật tử cũng không có ý muốn trả thù giết hại nó.
Căn cứ vào những điều mà phật tử đã thật lòng trình bày trên, theo tôi, thì phật tử hãy yên tâm không có gì phải áy náy ray rứt buồn phiền. Luận cho cùng, thì đó cũng là cái nghiệp quả của nó. Nếu nó không cắn phật tử, thì nó cũng cắn người khác, cuối cùng nó cũng phải bị cái hậu quả như thế mà thôi.
Theo luật pháp ở đây, nuôi một con vật mà người chủ không bảo quản an toàn, làm tổn hại gây nên thương tích cho người khác, thì chính người chủ đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nuôi con chó không bảo quản kỹ, để nó chạy rong ngoài đường trở thành con chó hoang, gặp ai cắn nấy, thì thử hỏi phải làm sao đây? Cho nên, theo luật thì bắt buộc nhà chức trách phải thi hành theo nhiệm vụ của họ. Vì họ muốn bảo vệ an toàn cho người dân. Theo luật pháp thế gian tương đối là như thế. Họ cũng chỉ là người thi hành đúng theo pháp luật đã quy định mà thôi.
Tuy nhiên, đối với phật tử, Phật dạy chúng ta phải có lòng từ bi thương xót bảo vệ chúng nó. Nhưng, việc này đối với luật pháp thế gian thì có khác. Thậm chí, đến như người đời, thì họ coi vấn đề này là một chuyện xảy ra rất bình thường trong xã hội.
Tóm lại, phật tử có từ tâm thì rất tốt. Nhưng không phải vì thế mà phật tử phải bận lòng ray rứt hối lỗi buồn phiền. Trường hợp này, thì phật tử không có phạm giới sát sinh đâu mà phải lo sợ. Tuy nhiên, nếu vì thương xót nó, thì phật tử cũng có thể sau những giờ hành lễ tụng niệm, nên thành tâm cầu siêu độ cho nó. Vì nó cũng có tánh linh mạng sống như mình. Ðó là điều rất tốt và cũng rất phù hợp với lẽ đạo vậy.
Kính chúc phật tử thân tâm thường lạc, chuyên cần tu học, đạo quả chóng viên thành.
Thích Phước Thái
Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả.
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)