Băn khoăn giữa “giết vật và cứu người”

Google News

Tội và phước là hai vấn đề đối lập mà con người luôn tạo ra trong đời sống của mình.

HỎI: Tôi là Phật tử hiện đang học ngành y, học ngành này lúc thí nghiệm thực hành có giết mổ nhiều con vật. Theo học ngành y, ngoài tương lai đời sống cá nhân tôi còn mang tâm nguyện chữa bệnh, cứu người. Vậy tôi có mang tội nặng không?
(QUỲNH AN, nguyentrinhquynhan@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Quỳnh An thân mến!
Trong các nghề nghiệp mưu sinh, nghề y luôn được nhân loại tôn vinh, người hành nghề y được gọi là thầy thuốc. Một Phật tử “học ngành y, ngoài tương lai đời sống cá nhân còn mang tâm nguyện chữa bệnh, cứu người” là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, mỗi nghề đều có mỗi nghiệp, không có ngành nghề nào dù cao quý đến mấy, mà không có mặt trái của nó. Như bạn đang học và sau này hành nghề y chẳng hạn, song hành với sứ mạng cao cả là cứu người thì lúc học làm thí nghiệm phải giết mổ, lúc hành thì chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến chết người.
Đạo Phật là tôn giáo từ bi và hiếu sinh nên không chấp nhận việc giết hại sinh vật, dù cho là để cứu người. Là Phật tử, chúng ta không hề biện minh hay chối bỏ trách nhiệm mà phải thẳng thắn nhìn nhận việc giết hại sinh vật là tạo nghiệp xấu ác. Bạn hãy rõ biết như vậy để khi đối diện với những trường hợp “chẳng đặng đừng” liên quan đến giết hại thì cố tránh, tránh được chừng nào hay chừng nấy.
Tranh minh họa. 
Đơn cử như, khi thí nghiệm được giao cho một nhóm sinh viên, bạn có thể xin phép nhóm cho bạn là người thực hành sau cùng (lúc ấy con vật bị đem thí nghiệm đã chết). Trường hợp này, bạn vẫn có tham gia tạo nghiệp sát nhưng nhẹ hơn, ít ray rứt hơn. Hay khi thực tập mổ xẻ trên xác người, ngoài việc học tập, bạn phải khởi lòng biết ơn vô hạn đến những người đã hiến xác cho khoa học.
Nói chung, tham gia thí nghiệm giết mổ sinh vật là tạo nghiệp giết hại. Nhưng so với những người khác giết hại vì để tiêu khiển, giết hại vì để mưu sinh, giết hại vì thích giết… thì nghiệp sát của bạn có phần nhẹ hơn. Vẫn biết những giờ thực hành có liên quan đến giết hại sinh vật không phải là nhiều so với toàn bộ học trình nhưng bạn cần thành tâm sám hối nghiệp sát của mình. Ngoài việc sám hối, bạn cần dành nhiều khoảng lặng để quán niệm sâu sắc hơn về “nghề và nghiệp” nhằm học tập thành công và về sau làm thầy thuốc thì tận tâm, hết lòng với bệnh, với nghề.
Tội và phước là hai vấn đề đối lập mà con người luôn tạo ra trong đời sống của mình. Người Phật tử thấy rõ sự thật này để luôn làm thêm phước và giảm bớt tội. Bạn hãy nỗ lực học tập để về sau trở thành vị thầy thuốc chân chính, có y đức, tận tâm chữa bệnh cứu người thì chắc chắn bạn sẽ có công đức và phước báo vô lượng.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo Giác Ngộ

Bình luận(8)

Minh Hiền

Vo danh

"bạn có thể xin phép nhóm cho bạn là người thực hành sau cùng (lúc ấy con vật bị đem thí nghiệm đã chết)" Nói thế này khác nào đẩy nghiệp cho người khác???

Minh Hiền

ptuan

Có những lúc mình phải chấp nhận nghiệp do mình tạo ra - đừng cố công né tránh vì sợ hãi phải trả nghiệp. Theo tôi, trước khi làm những việc tốt nhưng tổn hại đến đời sống sinh vật khác, cần thành tâm tỏ lòng biết ơn, rất biết ơn.

Minh Hiền

Nguyễn Phong

Có lẽ bạn đang quá cứng nhắc trong việc học theo lời phật dạy, nếu bạn suy nghĩ chính chắn và tốt hơn có lẽ bạn sẽ thoải mái và học tốt ngành mà bạn đang theo đuổi

Minh Hiền

Nguyễn Hoàng Thái Dương

Số phận đã có quy luật và vòng quay rồi, bạn phải hiểu là tại sao có ng sống tốt phải chết sơm, sao có kẻ ác lại luôn được hưởng phúc giàu sang, sao có những con vật lại bị người ta giết, chẳng qua là do số kiếp tu rồi bạn ạ, con vật mà bạn phải giết để học kiến thức, nó đã đóng 1 vai trò quan trọng trong kiếp này của nó là mang lại kiến thức giúp cho người sống rồi đấy

Minh Hiền

Huy Trương

Tu phật không ai giống ai, và không phải ai cũng cứ kiêng cữ không sát sinh thì mới tu được, quan trọng bạn phải biết mình đang làm gì và mình tu đến mức nào thôi, chứ nếu bạn học Y để cứu người mà lại k giết mổ các con vật thí nghiệm thì bạn sẽ học được gì, sau này bạn không giỏi thì bạn mới là kẻ gián tiết giết người đấy

Minh Hiền

Nguyễn Thị Thúy

Khi bạn học nghề y thì bạn mong muốn điều gì, để có thành quả của hướng thiện không thể không có mặt trái của nó, tuy nhiên khi đó bạn hiểu nó thế nào và ứng xử ra sao thôi.

Minh Hiền

Khánh Hòa

Bàn về vấn đề này thì đúng là bên nào cũng có lý. Có người vẫn ăn thịt nhưng ăn thịt không phải do mình giết mà đã mổ ở chợ. Nên nếu đã khoogn tu được thì nên thiện ở tâm vậy.

Minh Hiền

Minh Quy

Hỏi như bạn này cũng có cái hay. Đúng là nghề của bạn ấy muốn tìm hiểu để đưa ra phương pháp cứu sống ddoognj vật thì phải có mẫu thực tế để nghiên cứu. MÌnh nghĩ con người cũng có người chịu hy sinh tính mạng cho nghiên cứu khoa học mà. Bạn không nên lăn tăn nếu như bỏ 1 mà cứu đc hàng trăm thì vẫn tốt mà.