Nhà sư và rừng tre trúc Việt

Google News

Có người gọi sư Thích Thế Tường là “thầy tu tre”. Vì nơi ông tu, tre trúc bạt ngàn như rừng. Đó là những giống tre Việt mà ông dày công sưu tập, ươm trồng nên khu rừng...

Cư trần lạc đạo

Sư Thích Thế Tường năm nay 46 tuổi. Cách đây 10 năm, ông được một phật tử cúng dường 1ha đất ở Suối Đá (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Suối Đá ngày đó hoang vu, lau sậy bạt ngàn. Ông dựng một cái am nhỏ làm nơi tu hành.

Tu theo dòng Lâm Tế (Đại Thừa) nhưng lòng từ lâu đã ngưỡng mộ Phật hoàng Trần Nhân Tông nên thầy Tường an trí tượng Phật hoàng và ngày ngày kinh kệ. Am của thầy là nơi duy nhất của TP. Đà Nẵng (vốn rất nhiều chùa chiền và tượng danh nhân) có thờ vị anh hùng dân tộc, ông Tổ của Thiền phái Trúc Lâm: Vua Trần Nhân Tông.

 Thầy Tường đang cho cá trong hồ sen ăn, sau lưng là rừng tre bạt ngàn do thầy trồng

“Tôi xuất gia từ nhỏ với một dòng tu khác nhưng càng lớn càng ngưỡng mộ dòng thiền Trúc Lâm, một dòng thiền thuần Việt, với tư tưởng nhập thế “cư trần lạc đạo”, tu không nhất thiết phải vô chùa, đóng cửa tụng kinh mà tìm niềm vui của đạo ngay trong chốn trần ai” - thầy Tường tâm sự.

Vì tư tưởng “nhập thế” mà thầy tâm nguyện phải làm một cái gì đó hữu ích cho vùng đất mình đang ở. Thầy chọn một lối đi cũng là lối tu: Sưu tầm toàn bộ các giống tre trúc còn có ở mọi miền nước Việt về trồng, biến nơi hoang vu này thành vườn bảo tồn tre trúc Việt. Đây là việc chưa ai và chưa nơi nào trên cả nước làm, kể cả những cơ quan chuyên ngành.

Thầy Tường giải thích: “Tôi chọn cây tre, trước hết vì nó là cây thuần Việt. Nó lại là loại cây biểu tượng cho phẩm giá của người Việt, điều mà nhà báo Thép Mới, nhà thơ Nguyễn Duy... từng xưng tụng. Ngoài ra, đây còn là loại cây làm nên tên tuổi một dòng thiền từng nổi tiếng của Việt Nam: Trúc lâm Yên Tử”.

Công đức cho đời

Mang theo cuốn Tre trúc Việt Nam của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam làm cẩm nang, 7 năm ròng, thầy Tường lặn lội khắp các tỉnh miền Trung, rồi vào Nam, ra Bắc để đi tìm tre, trúc. Tre “độc”, lạ thường mọc nơi hoang vu rừng núi, vùng sâu, vùng xa. Thầy không ngại gian khổ, nguy hiểm, biết chỗ nào có giống lạ là tìm đến, người ta cho thì xin, bán thì mua. Vài nắm xôi và cái võng, hành trang của thầy chỉ vậy, đi đến đâu đói ăn, khát uống...

Tự tay thầy đào gốc tre rồi vác ra đến nơi có đường để đón xe về. “Nhất đốn tre...”, không nói cũng biết cái chuyện đốn tre rồi vác tre khó nhọc thế nào. Vậy mà một thầy tu mảnh dẻ đã làm việc khó nhọc đó suốt 7 năm ròng, trên khắp mọi miền đất nước, chủ yếu là những vùng núi non, rừng rú. “Càng đi, tôi càng thấy việc mình làm là cần thiết.

Vì có nhiều loại tre, trúc quý có tên trong cuốn Tre trúc Việt Nam nhưng đã không còn ngoài thực tế. Mỗi ngày qua đi, nguy cơ tre trúc Việt bị hủy diệt càng lớn vì các lý do đốt rừng, phá rừng, lấy măng bừa bãi, trâu bò giẫm đạp... Thực tế đó thôi thúc tôi làm thật nhanh để kịp thời cứu vãn những giống tre trúc quý của Việt Nam còn sót lại”.

7 năm qua, thầy Tường mang về trồng tại Suối Đá hơn 100 loài tre, trúc khác nhau. Với vị trí trung tâm, giao thoa khí hậu, vùng đất của thầy đã dung hòa được tre trúc cả 3 miền.

Tại đây có những loại huyền trúc (trúc đen) đặc biệt quý hiếm, ngày xưa rất nhiều ở Yên Tử, bây giờ chỉ còn rải rác ở Hà Giang, Lào Cai. Thầy cắm bảng ghi tên Việt, tên Latinh cho từng loại tre mình trồng. Khu rừng tre này, không khác gì một viện bảo tàng, nơi khát vọng, trí tuệ và công sức đều đáng ngưỡng mộ. Ngày ngày thầy coi việc trồng trọt, chăm sóc tre là một công án để chứng nghiệm và hành đạo.

Người địa phương kể rằng, trước đó, cả năm trời, thầy phát quang bụi rậm, rồi đào hồ nước rộng mấy trăm m2 để trồng sen và lấy nước tưới cho tre (lúc mới trồng). Ngay cả những nông dân cần cù nhất cũng phải nể phục sự dẻo dai, bền bỉ và chịu đựng khó nhọc của thầy. 10 năm qua, thầy Tường đã biến khu rừng hoang vu thành một bảo tồn tre trúc vừa có giá trị về sinh học, vừa có giá trị về văn hóa, du lịch. Nơi đây đang là điểm đến của du khách, của những ai nâng niu các giá trị truyền thống dân tộc. 

Theo Dân Việt

Bình luận(0)