Lee Nguyễn: Tỏa sáng ở Mỹ, “xấu xí” ở Việt Nam

Google News

Đẳng cấp không cần phải bàn cãi, nhưng tại sao Lee Nguyễn lại không thể tỏa sáng ở sân chơi V-League, buộc phải trở về Mỹ để khẳng định tài năng?

- Đẳng cấp không cần phải bàn cãi, nhưng tại sao Lee Nguyễn lại không thể tỏa sáng ở sân chơi V-League, buộc phải trở về Mỹ để khẳng định tài năng?

Lịch sử V-League đã chứng kiến rất nhiều cầu thủ Việt Kiều trở về nước thi đấu. Từ Toni Lê Hoàng, Patrick Lê Giang, Đặng Văn Robert, Lee Nguyễn, hay Emil Lê Giang đang thử việc ở N. Sài Gòn hiện tại. Tất cả họ đều được đón tiếp rất nhiệt tình với kỳ vọng sẽ tỏa sáng ở V-League, nhưng chẳng ai trong số họ tỏa sáng và phải ra đi không kèn không trống.

Trong số những cầu thủ Việt Kiều trở về nước thi đấu, Lee Nguyễn được đánh giá là cầu thủ có đẳng cấp nhất. Trước khi đầu quân cho HAGL và B. Bình Dương, Lee đã từng khoác áo cho CLB PSV Eindhoven của Hà Lan, và 3 lần được gọi vào ĐT Mỹ.

Ba năm khoác áo cho HAGL và B. Bình Dương là thời gian không dài nhưng cũng đủ để khẳng định tài năng và đẳng cấp của anh. Khéo léo, nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, những pha xử lý bóng ở đẳng cấp cao của anh không thể lẫn với ai được. Còn nhớ trong trận gặp Sài Gòn United ở Cup Quốc gia năm 2009, Lee Nguyễn đã lập hat-trick mang về chiến thắng 3-2 cho HAGL.

Trong màu áo đội bóng Phố núi (2009-2010) và B. Bình Dương (2010-2011) cầu thủ “triệu đô” thể hiện được vai trò của một tiền vệ tổ chức tấn công khá nổi bật. Nhưng tại sao anh lại phải ra đi? 

Lee Nguyễn tỏa sáng trong màu áo CLB New England Revolutions. (Ảnh: SC)
Lee Nguyễn tỏa sáng trong màu áo CLB New England Revolutions. (Ảnh: SC)
Khó khăn đầu tiên là việc hòa nhập, thích nghi không tốt đã khiến Lee Nguyễn không thể tìm được tiếng nói chung với đồng đội. Đây là điều rất cần thiết, bởi nếu không có sự ăn ý với toàn đội, thì dù Lee Nguyễn đẳng cấp đến đâu anh cũng chỉ có thể chơi bóng một mình, trong khi bóng đá hiện đại hướng tới sức mạnh tập thể.

Bạo lực sân cỏ là nguyên nhân chính cầu thủ người Mỹ gốc Việt này không thể hiện được nhiều. Những pha vào bóng quá mức cần thiết như thể triệt hạ đối phương đã khiến Lee sợ hãi, và cho dù nhiều lần né tránh nhưng anh cũng bị dính đòn. Với một cầu thủ kĩ thuật, tinh tế như Lee Nguyễn thì rõ ràng ở một sân chơi như thế không phù hợp với anh.

Nhìn pha bóng rợn người như Huy Hoàng ăn đủ với Samson, trong trận SLNA gặp Hà Nội T&T thì đủ biết mùi vị của bạo lực. Chứng kiến pha bóng ấy, Lee Nguyễn đã phải thốt lên rằng: “Đá như Huy Hoàng thì không thể chấp nhận được”.

V-League cần những cầu thủ mạnh mẽ, can đảm hơn là những cầu thủ kĩ thuật. Vì thế mà không chỉ Lee Nguyễn, một cầu thủ đậm chất samba của Brazil là Thiago của V.Hải Phòng cũng không có đất diễn.

Quả thực giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vài năm trở lại đây, chứng kiến rất nhiều pha vào bóng quá nguy hiểm, nếu không tỉnh táo và tránh kịp thời thì sẽ không gãy chân cũng nghỉ thi đấu dài ngày.

Thái Học (HAGL) là một nạn nhân điển hình, khi anh bị đối phương ác ý triệt hạ để rồi gãy chân nghỉ hết mùa. Chính Lee Nguyễn cũng là nạn nhân của những pha bóng xấu xí đó khiến anh dính chấn thương. Suốt mùa bóng 2011, trong màu áo B. Bình Dương cầu thủ điển trai này chỉ "ngồi chơi xơi nước" vì dưỡng thương, tổng cộng anh chỉ 5 lần ra sân.

Chấn thương là lý do dẫn đến phong độ thê thảm của anh trong màu áo B. Bình Dương. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới Lee bởi không ai còn tin vào chàng Việt Kiều này nữa. Anh chán nản với cuộc sống ở đất Thủ, ở môi trường bóng đá không thực sự phù hợp với mình, nên quyết định ra đi.

Trở về Mỹ thi đấu để làm lại sự nghiệp tưởng như đã “chết” ở V-League, Lee Nguyễn lập tức tỏa sáng trong màu áo CLB New England Revolutions. Ở một môi trường chuyên nghiệp hơn, ít bạo lực hơn, Lee có điều kiện phát huy hết khả năng tố chất của mình, và sánh ngang với T.Henry trong đội hình tiêu biểu vòng 3 ở giải nhà nghề Mỹ (MLS).

Thật tiếc cho Lee Nguyễn, bởi đẳng cấp của anh không hề thua kém bất cứ cầu thủ ngoại nào ở V-League nhưng lại không được “đền đáp”. Tiếc cho bóng đá Việt Nam, cho người hâm mộ khi không giữ được một cầu thủ đẳng cấp như Lee. Sự ra đi của anh là lời cảnh tỉnh cho bóng đá Việt Nam. Sẽ có rất nhiều Lee Nguyễn phải ra đi, nếu như bạo lực sân cỏ vẫn thường xuyên xảy ra.

Lê Quang

>> xem thêm

Bình luận(1)

Minh Hiền

Bùi định

Nó không phải là bạo lực sân cỏ mà là cách làm chúng ta sử dụng cầu thủ, cách mà cchúng ta nhìn nhận họ. Cái lớn hơn ở đây là sự ganh ghét sự không chấp nhận những cá nhân giỏi trong đội hình, trong liên đoàn.