Vì sao Khu tự trị Kurdistan ở Iraq ít có cơ hội độc lập?

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ Dogacan Basaran giải thích lý do tại sao Khu tự trị Kurdistan ở Iraq ít có cơ hội độc lập, ngay cả khi tiến hành trưng cầu dân ý.

Nhận xét về cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 25/9 của người Kurd Iraq, chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ Dogacan Basaran của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khủng hoảng Ankara nói với Sputnik rằng khu vực này ít có cơ hội độc lập với chính phủ ở Baghdad.
Vi sao Khu tu tri Kurdistan o Iraq it co co hoi doc lap?
Biểu tình của người Kurd Iraq đòi độc lập trước cuộc trưng cầu dân ý.  Ảnh: Kurdistan 24 
Ông Basaran lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã công khai phản đối cuộc trưng cầu dân ý.
Theo ông, ngay cả khi người Kurd Iraq bỏ phiếu ủng hộ độc lập, điều đó sẽ không đủ để người Kurd có quyền tự chủ đối với Baghdad vì vấp phải sự phản đối nghiêm trọng của các cường quốc khu vực. Người Kurd Iraq sẽ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn để được công nhận độc lập, phải xác định biên giới và thiết lập cấu trúc nhà nước. Ông nói rằng người Kurd ở Iraq không thể theo đuổi bất kỳ sáng kiến hoặc quy trình nào nếu cả Iran lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều phản đối.
Chuyên gia Dogacan Basaran nói với Sputnik: "Kinh nghiệm lịch sử cho thấy vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhất trí về một vấn đề nhất định, bất kỳ nỗ lực của lực lượng bên ngoài mưu toan áp đặt đối với hai quốc gia này đều không thành công. Xét theo kinh nghiệm này, chúng ta có thể giả định rằng Khu tự trị Kurdistan ở Iraq không giành được độc lập vì cả Ankara và Tehran đều phản đối. Khu tự trị Kurdistan ở Iraq dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Iraq Kurdistan Masoud Barzani… chắc chắn sẽ thất bại trong nỗ lực giành độc lập. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ cắt giảm tham vọng ly khai của họ tới mức tối thiểu”.
Ông Basaran lưu ý việc Iran đã đe dọa đóng cửa tất cả các biên giới với Khu tự trị Kurdistan ở Iraq nếu khu vực bán tự trị này tiến hành trưng cầu dân ý. Tổng thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Iran, ông Ali Shamkhani tuyên bố rằng việc tách khu vực người Kurd khỏi Iraq sẽ "chấm dứt các thỏa thuận an ninh và quân sự với khu vực đó và được coi là tuyên bố đóng cửa tất cả các tuyến đường biên giới với Iran”.
Trong khi đó, ngày thứ 23/9, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu tán thành việc triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq và Syria, tăng cường sức ép đối với cuộc trưng cầu dân ý độc lập của người Kurd ở miền bắc Iraq.
Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có các biện pháp an ninh, chính trị và kinh tế để đối phó với cuộc trưng cầu dân ý gây ra những cuộc khủng hoảng khu vực mới này.
Minh Châu (Theo Sputnik News)

>> xem thêm

Bình luận(0)