Vì sao động đất mạnh xảy ra ở Nepal?

Google News

(Kiến Thức) - Xê dịch giữa hai  mảng lục địa khiến cho lãnh thổ Nepal co lại 2 mm mỗi năm và sự va chạm của chúng gây ra động đất cực mạnh ở nước này.

Cho đến nay, vụ động đất mạnh 7,9 độ Richter ngày 25/4 ở Nepal đã làm hơn 2.000 người bị thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương. Con số này sẽ còn cao hơn nữa theo từng giờ. Sẽ còn phải mất nhiều ngày nữa thì người ta mới biết được thiệt hại to lớn do cơn động đất này gây ra.
Vi sao dong dat manh hay xay ra o Nepal?
Ở Thủ đô Kathmandu, nhà cửa bị sập đổ hàng loạt và nhiều cư dân của thành phố này bị đè nát dưới các khối bê tông. 
Thảm họa đã được báo trước
Đây là một thảm họa đã được báo trước và vụ động đất này mới chỉ là một khúc dạo đầu báo hiệu cho những vụ động đất tiếp theo còn khủng khiếp hơn.
Trên bản đồ động đất thế giới, Nepal có màu đỏ sẫm và là một khu vực bị động đất đe dọa cao độ. Dưới dãy núi Himalaya, mảng lục địa Ấn Độ đang “lấn sân” mảng lục địa Á-Âu với tốc độ 1 mm mỗi tuần. Vụ đụng chạm giữa hai mảng lục địa gây ra những trận động đất mạnh và chỉ tính riêng trong thế kỷ 20, chúng đã làm chết hàng chục nghìn người ở Nepal.
Cách đây 25 triệu năm, Ấn Độ từng là một hòn đảo nằm riêng biệt trên Ấn Độ Dương. Sau đó, hòn đảo này trôi dạt về phía đất liền và va chạm với lục địa châu Á. Cho tới nay, tốc độ va chạm giữa hai mảng lục địa vẫn đang ở mức 3-4 cm/năm. Sự va đập nói trên đã tạo ra một lực khủng khiếp, góp phần hình thành dãy Himalaya núi hùng vĩ và cả những trận động đất cực mạnh. Nepal nằm ở nơi xảy ra sự va đập giữa hai mảng lục địa này.
Vi sao dong dat manh hay xay ra o Nepal?-Hinh-2
Tâm chấn  của trận động đất ở Nepal ngày 25/4/2015
Dãy núi Himalaya cao dần lên sau mỗi cú va chạm. Từ hàng triệu năm nay, dãy núi này cao thêm 4 mm mỗi năm. Trong khi đó, diện tích của Nepal bị co lại bằng hai sân bóng đá mỗi năm.
Kathmandu: Thành phố nguy hiểm nhất thế giới
Theo nhà địa chất học Roger Bilham của Đại học Colorado, Nepal và các nước láng giềng như Ấn Độ, Pakistan, Bhutan, Bangladesch có nguy cơ đối mặt với  “siêu động đất” có cường độ  9 độ Richter, mạnh gấp 100 lần trận động đất xảy ra vào ngày 25/4/1915.
Ở các thành phố lớn triệu dân như Katmandu, New Delhi, Islamabad, Lahore hay Kalkutta, một cơn động đất mạnh 9 độ Richter có thể cướp đi sinh mạng hàng triệu người.
Ở khu vực Himalaya, có rất ít ngôi nhà trụ vững trước các cơn động đất mạnh.
Cư dân Kathmandu hiện đang sống trong một cái “bẫy động đất”. Bị bao bọc bởi các dãy núi cao, cư dân Kathmandu hiện đang sinh sống trên một hồ nước cạn, với nền đất yếu. Động đất sẽ khiến cho nền đất ở đây dao động như bột nhão, trong khi hàng triệu con người đang chen chúc trên nền đất này.  
Vi sao dong dat manh hay xay ra o Nepal?-Hinh-3
Nhiều nhà cửa và công trình kiến trúc cổ ở Kathmandu đua nhau sụp đổ. 
Vụ động đất ngày 25/4 chưa phải là tồi tệ nhất vì tâm chấn của nó cách thủ đô Kathmandu 60km. Ấy thế mà, nhiều nhà cửa và công trình kiến trúc cổ đã đua nhau sụp đổ. Hãy tưởng tượng hậu quả khủng khiếp của một trận động đất mạnh 9 độ Richter ở ngay dưới lòng đất Kathmandu.
Những cái "bẫy giết người"
Các ngôi nhà cao tầng ở Kathmandu có nguy cơ trở thành những cái bẫy giết người hàng loạt thực sự, khi chúng đua nhau sụp đổ trong cơn động đất.  Các ngôi nhà ở đây đã vi phạm những nguyên tắc chống động đất sơ đẳng nhất.
Một nguy cơ lớn nữa là các đường ống dẫn khí đốt bị đứt gãy trong động đất, gây ra các vụ nổ lớn gây cháy. Các vụ đứt gãy đường ống dẫn nước cũng khiến cho nhiều tầng hầm bị ngập lụt.
Cách đây 81 năm (1934), trận động đất mạnh 8,1 độ Richter ở gần Kathmandu đã làm cho 11.000 người bị thiệt mạng. Từ đó đến này, dân số ở thành phố Kathmandu đã tăng lên gấp 7 lần. Các chuyên gia cho rằng với  dân số như hiện nay, trận động đất năm 1934 có thể sẽ gây thiệt hại lớn hơn, cướp đi sinh mạng của 40.000 người.
Động đất ở Nepal là không thể tránh khỏi và người ta phải biết cách “sống chung nguy cơ động đất”. Các biện pháp phòng ngừa là quan trọng và có lẽ, điều quan trọng là các công trình xây dựng phải trụ vững trước những đợt rung lắc mạnh của động đất, không biến thành “những chiếc bẫy giết người”.
Minh Bích (Theo Spiegel.de)

>> xem thêm

Bình luận(0)