Tình hình Biển Đông không “lắng dịu” trong tương lai gần

Google News

(Kiến Thức) - Vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề quân sự lẫn quốc tế và tình hình  ở vùng biển trọng yếu này sẽ không hề lắng dịu  trong tương lai gần.

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, vấn đề Biển Đông vẫn là chủ đề hàng đầu và trọng tâm  của Diễn đàn Anh ninh Khu vực (ARF) ở Kuala Lumpur. 
Tinh hinh Bien Dong khong “lang diu” trong tuong lai gan
Biển Đông sẽ không còn yên bình như trước. 
Bên cạnh những lời chỉ trích hoạt động hút cát đắp đảo nhân tạo “thay đổi nguyên trạng” của Trung Quốc ở vùng biển quần đảo Trường Sa, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đổ lỗi cho nhau về quân sự hóa Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn phản đối một cách vô ích việc quốc tế hóa Biển Đông, thông qua sự tham gia của các nước không  phải là thành viên ASEAN.
Hiện thời, hơn bao giờ hết, Biển Đông đã trở thành vấn đề cả quân sự lẫn quốc tế. Do các bên vẫn bám chặt lấy lập trường của họ, tình hình có vẻ như không hề thay đổi trong tương lai gần.
Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị  nói với các đối tác ASEAN  rằng Trung Quốc đã tạm dừng  “khai khẩn” các đảo nhân tạo trên rạn san hô và đảo đá  ở vùng biển tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh vẫn ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự trên các “đảo nhân tạo”.
Lo ngại trước  quy mô hút cát đắp “đảo nhân tạo” chưa từng có của Trung Quốc, các nước như  Mỹ, Philippines, Indonesia và các nước khác đã tiến hành một loạt các cuộc tuần tra và tập trận chung ở Biển Đông. Gần đây, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở bắc Biển Đông với quy mô lớn chưa từng có, mặc dù Bắc Kinh bao biện rằng cuộc tập trận đó là định kỳ, được lên kế hoạch từ trước và không nhằm vào nước thứ ba nào.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á cũng đang tăng cường sức mạnh hải quân, một phần của nỗ lực xây dựng năng lực hải quân của họ như là một phần của một xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trong khu vực. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu cho quốc phòng trong khu vực Đông Nam Á đã tăng 44% từ năm 2005 đến năm 2014, lên tới 359 tỷ USD trong năm 2014.
Nhật Bản, nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, đã  hỗ trợ chính trị cho Việt Nam và Philippines và đề xuất tham gia tuần tra giám sát trong khu vực. Nhật Bản đã cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines.  Australia, Ấn Độ và gần đây nhất là  Anh cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Đông.
Với  5.000 tỷ USD giá trị thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vùng biển huyết mạch này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, đặc biệt là khả năng tuyến đường hàng hải quan trọng có nguy cơ bị gián đoạn.
Tuy nhiên, do có những định nghĩa khác biệt về  "tự do hàng hải", đặc biệt là khi nó liên quan đến các hoạt động (đặc biệt là hoạt động quân sự) trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Giữa Mỹ và Trung Quốc, sự khác biệt về định nghĩa “tự do hàng hải” đã biến thành một số sự cố nguy hiểm trên biển và trên không trong những năm qua. Đó là vụ va chạm chết người giữa máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ  và một máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc  năm 2001 và vụ tàu thuyền Trung Quốc  sách nhiễu tàu USNS Impeccable của Mỹ trong năm 2009. Gần đây nhất là  vụ máy bay chiến đấu J-11 bay sát máy bay do thám P-8 của Hải quân Mỹ  trong năm 2014. (Tất cả  đều xảy ra ở ngoài khơi bờ biển đảo Hải Nam).
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã nói thẳng rằng tuy Washington vẫn trung lập về vấn đề tuyên bố chủ quyền , nhưng "không trung lập" khi nói đến việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.  Trước đó, ông  Daniel Russel đã công khai đặt câu hỏi về giá trị pháp lý của cái gọi là “đường chín đoạn” phi lý và trái với luật pháp quốc tế  mà Trung Quốc lấy làm cơ sở để yêu sách lãnh thổ.
Nguy cơ xung đột có xu hướng gia tăng, khi tất cả các bên đều theo đuổi chính sách răn đe để bảo vệ lợi ích riêng ở Biển Đông.  Xu hướng này khó có thể đảo ngược, trừ phi các bên xây dựng được lòng tin hàng hải vào thời điểm hiện tại.
Minh Châu (Theo The Diplomat)

Bình luận(0)