Săn trộm kho báu đe dọa di tích khảo cổ Pakistan

Google News

Khu vực giàu di sản văn hóa cổ tại thành phố Dadu đang bị tàn phá nặng nề bởi đội quân săn tìm kho báu trong khi chính quyền Pakistan có vẻ như không mấy quan tâm đến việc bảo vệ.

Thành phố Dadu nằm trong dãy núi Kirthar ở Pakistan được coi là khu vực giàu di tích khảo cổ với các lăng mộ thuộc triều đại cổ Talpur, nghĩa trang người Hỏa giáo và hàng chục di sản khác. Thế nhưng, khu vực giàu di sản văn hóa cổ này đang bị tàn phá nặng nề bởi đội quân săn tìm kho báu trong khi chính quyền Pakistan có vẻ như không mấy quan tâm đến việc bảo vệ.
San trom kho bau de doa di tich khao co Pakistan
 Nhiều mộ cổ ở Sindh bị phá hoại tìm kho báu.
Aziz Kingrani, nhà khảo cổ học và là nhà văn nổi tiếng người Sindh, giải thích: “Bi kịch bắt đầu với vụ sát hại Nani Gopal Majumdar, tức NG Majumdar, nhà khảo cổ học Ấn Độ khám phá hơn 62 di tích nền văn minh Thung lũng Idus ở tỉnh Sindh của Pakistan. Nền văn minh Thung lũng Indus là một trong 4 nền văn minh cổ đại - Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Hoa – song ít được biết đến do hệ thống chữ Indus cho đến nay vẫn chưa được giải mã”.
Nhà khảo cổ Majumdar bị giết chết tại khu vực này năm 1938 do hung thủ chính là bọn săn trộm kho báu. Sau khi viếng thăm và làm việc ở một địa điểm khảo cổ, Majumdar đến thành phố Dadu. Do nghi ngờ nhà khảo cổ học theo đạo Do Thái này sở hữu một kho tàng cổ giá trị nên một nhóm săn trộm bám riết theo sau và giết chết ông.
Theo Aziz Kingrani, nhà khảo cổ xấu số này từng tham gia khai quật tại nhiều địa điểm như: Mohen Jo Daro, Chanhu Daro, Tharo Hill, Jhukar To Daro v.v… Majumdar cũng là tác giả cuốn sách “Công cuộc khai quật ở Sindh”. Khu lăng mộ của 2 dòng họ trị vì Sindh ngày xa xưa – Talpur và Kalhora – bị bọn săn kho báu đào bới khiến cho nhiều ngôi mộ bị phá hủy hoàn toàn.
Theo nhà báo địa phương Asif Jamali, bọn săn kho báu tiến hành đào mộ vào ban đêm với hy vọng tìm thấy vàng bạc châu báu cũng như những cổ vật có giá trị cao. Trong khi đó, chính quyền có vẻ như làm ngơ trước hành động phá hoại di tích nền văn minh cổ của bọn săn trộm. Theo nhà khảo cổ học Hakim Shah Bukhari, triều đại Kalhora (trị vì Sindh từ năm 1701 đến 1783) đã xây dựng những ngôi mộ chứa cả kho tàng nghệ thuật bên trong cho nên bọn săn trộm rất khao khát được “khám phá”.
Aziz Kingrani, tác giả cuốn “Lịch sử trên những bức tường”, nhận định những hang động cổ ngàn năm tuổi gần Sehwan và khu nghĩa trang Hỏa giáo cũng cần được chính quyền Pakistan chú ý bảo vệ trước lòng tham của bọn săn trộm kho báu.
Theo An An/ An ninh thế giới

>> xem thêm

Bình luận(0)