Rợn tóc gáy những chuyến bay không bao giờ hạ cánh

Google News

Bên cạnh vụ MS 804 mới nhất, thế giới hiện vẫn còn tồn nghi hàng loạt vụ máy bay mất tích bí ẩn. 

Ngày 19/5/2016, chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu MS804 của Hãng Hàng không Ai Cập (EgyptAir), đang trên hành trình từ thủ đô Paris (Pháp) đến thủ đô Cairo (Ai Cập) đã biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao 11.000 mét khi đang trên Địa Trung Hải, cách bờ biển Ai Cập khoảng 280 km vào lúc 2h30 (giờ địa phương), rơi ở đảo Karpathos ngoài khơi Hy Lạp và trong không phận của Ai Cập.
Ron toc gay nhung chuyen bay khong bao gio ha canh
MH370 - chuyến bay mất tích bí ẩn gần đây nhất chưa được khám phá. 
Theo lịch trình dự kiến, máy bay xuất phát từ sân bay quốc tế Charles de Gaulle ở thủ đô Paris của Pháp vào lúc 23h21 ngày 18/5 (giờ địa phương), gần 4 tiếng sau đó sẽ tới sân bay quốc tế Cairo của Ai Cập và dự kiến hạ cánh vào lúc 3h15 ngày 19/5 (theo giờ địa phương). Phi công chính lái chiếc MS804 có kinh nghiệm hơn 6.000 giờ bay, trong khi phi công phụ có hơn 2.000 giờ bay.
Thảm họa mới nhất
EgyptAir cho biết, chiếc máy bay A320 này chở 66 người, gồm 56 hành khách (trong đó có 3 trẻ em) và 7 thành viên phi hành đoàn cùng 3 nhân viên an ninh trên máy bay.
Chiếc máy bay trên được sản xuất vào năm 2003 và không có cuộc gọi khẩn cấp nào từ máy bay trước khi máy bay mất tích bí ẩn.
Theo Bộ Hàng không dân dụng Ai Cập, các đơn vị cứu hộ của quân đội nước này đã nhận được tín hiệu khẩn cấp của chiếc máy bay hơn 1 giờ sau khi nó biến mất khỏi màn hình radar. Trong khi đó, Cơ quan hàng không dân dụng Hy Lạp cho biết chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar sau khi ra khỏi không phận Hy Lạp 2 phút. Trạm kiểm soát không lưu của Hy Lạp đã liên lạc với phi công trên đảo Kea. Đây được cho là lần liên lạc cuối cùng với chiếc máy bay.
Người đứng đầu Cơ quan hàng không dân dụng Hy Lạp Kostas Lizerakis, phi công đã không thông báo bất kỳ trục trặc nào.
Hãng bay lâu đời...
Được thành lập từ năm 1932, Hãng Hàng không quốc gia Ai Cập EgyptAir là một trong những hãng hàng không lâu đời nhất trên thế giới, song đây cũng là một trong những hãng hàng không được cho là “sóng gió” nhất trong lịch sử.
Năm 1957, Hãng Hàng không quốc gia Ai Cập có tên là United Arab Airlines và cuối cùng đổi tên thành EgyptAir vào năm 1971. hãng hàng không quốc gia Ai Cập có trung tâm hoạt động tại sân bay quốc tế Cairo, cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách và dịch vụ vận chuyển hàng hóa với hơn 75 điểm đến tại Trung Đông, châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ. EgyptAir cũng có một mạng lưới rộng lớn các dịch vụ trong nước được tập trung tại thủ đô Cairo. Tính đến nay, EgyptAir có hơn 80 máy bay và độ tuổi trung bình các máy bay khoảng 10 năm.
Là thành viên của Star Alliance, liên minh hàng không đầu tiên trên thế giới, EgyptAir được phép bay đến tất cả các sân bay tại châu Âu. Điều này cho thấy hãng được các nhà chức trách châu Âu đánh giá là “an toàn” và không nằm trong “danh sách đen” của các hãng hàng không nước ngoài có nghi vấn. Năm 2008, EgyptAir đã được Hiệp hội các Hãng Hàng không châu Phi (AFRAA) bầu chọn là hãng hàng không tốt nhất châu lục.
Tuy nhiên, EgyptAir đã “suy yếu” kể từ năm 2011, do những bất ổn chính trị tại Ai Cập. Lưu lượng hành khách chỉ đạt 50% mức trung bình, trong khi thu nhập giảm 80%, đã khiến EgyptAir thua lỗ 86,6 triệu euro trong năm 2011. Kết quả tồi tệ đó khiến hãng rất khó phục hồi trong những năm tiếp sau. Năm 2014, Hãng Hàng không quốc gia Ai Cập tiếp tục thua lỗ 282 triệu euro.
Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 2012-2014, hãng đã nợ tổng cộng hơn 6 tỷ euro. Tình hình đó khiến EgyptAir buộc phải giảm 10% công suất vào năm 2014 và cắt giảm lương của phi công. Trong cuộc đàm phán với Ban lãnh đạo EgyptAir, hơn 200 phi công đã đồng loạt đệ đơn từ chức nhằm phản đối việc hãng không tuân thủ các cam kết tài chính.
Mặc dù hoàn cảnh hiện nay đang thay đổi theo chiều hướng ít thuận lợi hơn, nhưng trong các thông cáo, Hãng EgyptAir vẫn tuyên bố chuyên chở hàng năm khoảng 8,4 triệu lượt hành khách.
Nhiều “sóng gió”
Trải qua hơn 80 năm hoạt động, các số liệu thống kê cho thấy hãng này đã gặp 21 tai nạn và sự cố liên quan đến máy bay rơi cũng như không tặc, làm thiệt mạng hàng trăm người.
Ngày 12/5/1963, một chiếc DC-3 của EgyptAir đã bị rơi gần thành phố lớn thứ hai ở Ai Cập Alexandria, làm 27 hành khách và phi hành đoàn gồm 4 người thiệt mạng. Đến tháng 7 năm đó, chiếc Cornet của Hãng Hàng không quốc gia Ai Cập đã rơi xuống vùng biển gần Bombay, Ấn Độ, làm 62 người thiệt mạng khi đang trên hành trình đến thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Ngày 19/3/1972, một chiếc máy bay của EgyptAir đã đâm vào ngọn núi gần sân bay Quốc tế Aden ở Yemen, làm toàn bộ 30 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Đến tháng 12/1976, một chiếc máy bay EgyptAir mang số hiệu 864 bị rơi tại một khu liên hợp công nghiệp tại Bangkok, Thái Lan làm tất cả 52 người trên máy bay và 19 người trên mặt đất thiệt mạng.
Tháng 11/1985, 1 chiếc máy bay Boeing 737 của EgyptAir đã bị một tên không tặc đến từ nhóm khủng bố Abu Nidal khống chế đến Sân bay Quốc tế Malta ở Malta. Sau cuộc giải cứu con tin của lực lượng an ninh Ai Cập, tên không tặc đã bị tiêu diệt nhưng mất đi sinh mạng của hai trong số sáu thành viên phi hành đoàn và 59/90 hành khách thiệt mạng. Đây được cho là vụ không tặc bi thảm nhất của EgyptAir.
Ngày 31/10/1999, chiếc Boeing 767 của EgyptAir đang trên đường từ thành phố New York (Mỹ) về thủ đô Cairo đã rơi xuống vùng biển Đại Tây Dương, làm toàn bộ 217 hành khách thiệt mạng, là vụ tai nạn thiệt hại nhiều nhất về người trong lịch sử của EgyptAir. Ngày 7/5/2002, một chiếc máy bay của Hãng Hàng không quốc gia Ai Cập đã bị rơi khi tới Tunisia, làm 14 trong tổng số 62 hành khách thiệt mạng.
Gần đây nhất, hồi tháng 3 năm nay, chiếc máy bay mang số hiệu MSR18 của Hãng Hàng không EgyptAir đi trên hành trình nội địa từ thành phố Alexandria đến thủ đô Cairo (Ai Cập) đã bị một hành khách đi trên chuyến bay này dọa cướp, buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Síp. Sau nhiều giờ thương lượng, kẻ khống chế chiếc máy bay chở 62 người này đã đầu hàng; toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều an toàn.
9 vụ việc bí ẩn
Bên cạnh vụ MS 804 mới nhất, thế giới hiện vẫn còn tồn nghi hàng loạt vụ máy bay mất tích bí ẩn.
Năm 1937, nữ phi công Amelia Earhart - người phụ nữ đầu tiên bay một mình xuyên Đại Tây Dương - mất tích bí hiểm khi thực hiện chuyến bay trên một chiếc LockheedElectra 2 động cơ. Khi còn khoảng 7.000 dặm nữa là hoàn thành hành trình, bà hạ cánh xuống đảo Howland ở giữa Thái Bình Dương nhưng không suôn sẻ, tín hiệu radio từ máy bay không còn rõ.
Điều cuối cùng mà người ta nghe thấy bà nói qua liên lạc radio là “Chúng tôi đang trồi lên rồi lại tụt xuống”. Có nhiều giả thiết đưa ra, nhưng số phận của nữ phi công Earhart và người dẫn đường Fred Noonan cho đến nay vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Năm 1942, một máy bay chiến đấu thuộc lực lượng không quân Hoàng gia Anh đã rơi xuống vùng sa mạc Sahara của Ai Cập vào ngày 28/6. Viên phi công biến mất và chiếc máy bay P-40 Kittyhawk đến năm 2012 mới được công nhân của một công ty dầu lửa phát hiện trong tình trạng rất tốt, với thân, cánh, đuôi và các thiết bị khoang lái gần như còn nguyên.
Năm 1945, chuyến bay 19 gồm 5 máy bay ném bom thuộc Hải quân Mỹ đã cùng biến mất trên bờ biển Florida vào ngày 5/12; trong đó, một người hướng dẫn bay trên một máy bay, 4 phi công được huấn luyện nhuần nhuyễn có kinh nghiệm 350-400 giờ bay trên 4 máy bay còn lại.
Tín hiệu radio cho thấy, người hướng dẫn đã bị lạc khi la bàn bị hỏng, liên lạc radio bị mất trước khi xác định được chính xác vấn đề xảy ra. Không bao giờ người ta tìm thấy dấu vết của đội bay này và câu chuyện càng trở nên kỳ bí khi một máy bay tìm kiếm được cử đi tìm chuyến bay 19 cũng biến mất.
Năm 1947, máy bay Stardust của Anh biến mất ở khu vực dãy núi Andes thuộc Argentina sau khi cất cánh từ Buenos Aires để bay tới Chile. Suốt 50 năm sau đó, không một nỗ lực nào để tìm kiếm chiếc máy bay xấu số này thành công. Đến năm 2000, mảnh vỡ của máy bay gặp nạn đã được tìm thấy trong tình trạng bị chôn vùi sâu dưới băng. Vụ tai nạn khiến 11 người thiệt mạng. Bức điện cuối cùng bằng mã Morse được Stardust gửi đi là từ “STENDEC” mà cho đến nay, chưa ai giải nghĩa được từ này.
Năm 1996, chuyến bay 800 của Trans World Airlines cất cánh từ New York (Mỹ) tới Paris (Pháp), đã nổ tung trên bầu trời không lâu sau khi xuất phát, khiến toàn bộ 230 người trên máy bay thiệt mạng. Các nhân chứng đã nhìn thấy một dải khói và một quả cầu lửa xuất hiện, dẫn tới những đồn đoán cho rằng, những kẻ khủng bố đã tấn công chuyến bay bằng rocket.
Cũng có ý kiến cho rằng, máy bay đã gặp sao băng hoặc tên lửa. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ sau đó kết luận, vụ nổ xuất phát từ chập mạch điện, gây nổ bình xăng, làm chiếc Boeing 747 vỡ tan thành từng mảnh.
Năm 1999, chuyến bay 990 của EgyptAir bị hạ độ cao chóng vánh, rơi từ độ cao 4,3 km trong vòng 36 giây đồng hồ, khi đang trên đường từ Cairo tới thành phố New York, Mỹ. Máy bay đâm xuống Đại Tây Dương ngoài khơi Massachusetts làm toàn bộ 217 người thiệt mạng, nguyên nhân vẫn là chỉ là sự đồn đoán.
Năm 2009, chuyến bay 447 của Air France từ Rio de Janeiro tới Paris vào ngày 31/5 mất liên lạc khi đang đi qua Đại Tây Dương. Gần 2 năm sau, mới tìm thấy 447 nằm sâu dưới đáy biển, cùng với thi thể của 228 hành khách và các băng ghi âm trên máy bay.
Năm 2003, 1 chiếc Boeing 727 đột ngột biến mất trên bầu trời thủ đô Luanda của Angola, sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Quatro de Fevereiro để tới Burkina Faso do đèn và bộ phận truyền tín hiệu (transponder) của máy bay bị hỏng. Cho tới nay, tung tích của chiếc máy bay vẫn chưa được tìm ra.
Năm 2014, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất liên lạc với kiểm soát không lưu chỉ khoảng 2 giờ sau khi xuất phát vào ngày 8/3. Không có cuộc gọi khẩn cấp nào được thực hiện khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar ở vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam.
Nỗ lực hơn hai năm qua, nhưng đến nay phần thân chính của máy bay chưa được tìm thấy, cũng như chưa xác định được số phận của 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, mới chỉ có 5 mảnh vỡ của chiếc máy bay được tìm thấy tại nhiều vị trí khác nhau ở Ấn Độ Dương.
Mời quý độc giả xem video Máy bay bị bắn hạ (nguồn Youtube):
Theo Báo Pháp Luật

Bình luận(0)