Quan hệ Trung-Triều: Nguội lạnh với thời gian?

Google News

(Kiến Thức) - Quan hệ Trung-Triều hiện đang ở vào thời kỳ lạnh giá nhất từ trước tới nay và có nguy cơ mang lại rất nhiều hệ lụy bất lợi đối với Trung Quốc.

Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên lập quan hệ ngoại giao từ năm 1949 chủ yếu dựa trên nền tảng chính trị. Quan hệ Trung-Triều đã rất nồng ấm, đặc biệt trong cuộc chiến “viện Triều chống Mỹ” khi Trung Quốc đưa cả triệu binh sĩ sang giúp Triều Tiên. Hai nước luôn coi mối quan hệ này là “tình hữu nghị truyền thống xây đắp bằng máu” và  “quan hệ anh em cùng một chiến hào”.
Thế nhưng, kể từ khi lên nắm quyền vào cuối những năm 1970, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã nhắc lại châm ngôn “không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích của Trung Quốc là vĩnh viễn”. Theo phương châm chỉ đạo này, Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc năm 1992. “Gió đã đổi chiều” kể từ khi đó, với quan hệ Trung-Hàn trở nên nồng ấm, còn quan hệ Trung -Triều ngày càng trở nên lạnh nhạt.
Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011 và Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền từ cuối năm 2012, quan hệ Trung-Triều ngày càng lạnh nhạt trong khi quan hệ Trung-Hàn ngày càng nồng ấm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã 6 lần gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, nhưng chưa hề có cuộc gặp gỡ nào với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Không những thế, ông Tập còn phớt lờ Triều Tiên và đi thăm Hàn Quốc sau khi nhậm chức. Dư luận cho rằng phía Triều Tiên cảm thấy mình bị xúc phạm và ngày càng bị Trung Quốc cô lập, gây sức ép, nên đã có những phản ứng gay gắt trả đũa bằng những hành động đe dọa quân sự như bắn pháo, thử tên lửa, khi các Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ có những cử chỉ thân thiện với nhau.
Quan he Trung-Trieu: Nguoi lanh voi thoi gian?
Kể từ khi lên làm Tổng thống Hàn Quốc tháng 2/2013, bà Park Geun-hye đã có tới 6 lần gặp gỡ và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.  
Điểm lại quan hệ Trung-Hàn cho thấy, kim ngạch buôn bán năm 1992 khi lập quan hệ ngoại giao chỉ có 5 tỉ USD, nhưng tới năm 2012 đạt 253 tỉ USD. Dự kiến năm 2015 có thể đạt 300 tỉ USD. Trung Quốc đã trở thành đối tác buôn bán lớn nhất của Hàn Quốc, vượt xa kim ngạch buôn bán Hàn-Mỹ năm 2012 là 100 tỉ USD. Trong khi đó, kim ngạch buôn bán Trung-Triều hàng năm chỉ vỏn vẹn xấp xỉ 7-8 tỉ USD. Quan hệ Trung-Hàn trong những năm qua không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. 
Quan hệ Trung-Triều ngày càng lạnh nhạt
Trong khi đó, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong- un (lên nắm quyền thay cha trong năm 2011) chưa một lần hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình. Hơn nữa quan hệ Trung-Triều ngày càng trở nên lạnh nhạt, nghi kị lẫn nhau...
Trong bối cảnh bị lợi ích chi phối, quan hệ Trung-Triều ngày càng phai nhạt và mâu thuẫn theo đó cũng ngày càng tăng lên. Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng từ 20/5 – 26/5/2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-il (người cha quá cố của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un hiện nay) đã đưa ra ba yêu cầu, trong đó yêu cầu đầu tiên là Triều Tiên cần cải thiện quan hệ và đối thoại trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cảm thấy lo ngại, nên vừa viện trợ vừa gây sức ép với Bình Nhưỡng và luôn muốn “cầm chịch” trong các vấn đề đối ngoại trọng đại của Triều Tiên. Đàm phán 6 bên về vấn đề phi vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên tiến hành năm 2003 là một minh chứng.
Thỏa thuận đạt được ngày 19/9/2005 tại Vòng 4 Đàm phán 6 bên có quy định phía Triều Tiên cam kết đóng cửa Nhà máy hạt nhân Yongbyon để đổi lấy sự viện trợ của các bên. Thỏa thuận này làm Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc hài lòng, nhưng ngay sau đó Triều Tiên nhận thấy lợi ích an ninh của mình bị đe dọa, vì vậy ngày 23/4/2009 đã tuyên bố rút khỏi Đàm phán 6 bên và tiến hành thử vũ khí hạt nhân ngày 25/5/2009. Điều làm cho Bình Nhưỡng “choáng váng bất ngờ” là Bắc Kinh đã ủng hộ và bỏ phiếu tán thành việc Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên theo Nghị quyết 1874.
Sự kiện này khiến quan hệ hai nước bị rạn nứt và trở nên căng thẳng. Giờ đây, Triều Tiên bất chấp những cảnh cáo của Trung Quốc: vừa tiếp tục thử hạt nhân, vừa tiến hành thanh trừng phái thân Trung Quốc ở Triều Tiên.  Mối quan hệ “truyền thống hữu nghị xây đắp bằng máu” và “anh em cùng chiến hào” đã bị lung lay nghiêm trọng do mâu thuẫn về lợi ích.   
Quan he Trung-Trieu: Nguoi lanh voi thoi gian?-Hinh-2
Mối quan hệ “truyền thống hữu nghị xây đắp bằng máu” và “anh em cùng chiến hào” đã bị lung lay nghiêm trọng do mâu thuẫn về lợi ích.     
Phản ứng gay gắt của Triều Tiên đối với Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy quan hệ Trung-Triều đang ở vào giai đoạn lạnh nhạt nhất từ trước tới nay.
Ngày 20/8/2015 khi Hàn Quốc công bố thông tin bà Park Geun-hye thăm Trung Quốc thì lập tức chiều 20/8/2015 đã xảy ra  cuộc đấu pháo qua biên giới dữ dội giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Phía Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên "kiềm chế", nhưng ngay trong chương trình thời sự đêm 21/8/2015, Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên đã phản ứng lại với lời lẽ mạnh mẽ: “Hơn 10 năm qua chúng ta đã kiềm chế. Còn giờ đây kẻ nào vẫn còn nhắc lại luận điệu cũ rích kiềm chế thì chẳng có lợi gì cho cục diện trên bán đảo này”.
Đoàn đại biểu Triều Tiên do Đặc phái viên Choe Ryong-hae dẫn đầu sang dự lễ duyệt binh ở Bắc Kinh ngày 3/9/2015 đã bỏ về nước ngay trong đêm  để phản ứng lại thái độ lạnh nhạt của Trung Quốc đối với họ trong khi tiếp đón bà Park Geun-hye nồng hậu và trọng thị. Tiếp đó, nhân kỉ niệm 67 năm  Quốc khánh Triều Tiên (9/9/2015), tờ “Rodong Shimbun”- cơ quan phát ngôn của Đảng Lao Động Triều Tiên- đăng điện chúc mừng của lãnh đạo Trung Quốc ở cuối trang 2 trong khi điện mừng của Nga, Cuba và một số nước khác được đăng trang trọng ngay trên đầu trang nhất.
Ngày 16/9/2015 khi BNG Trung Quốc chính thức thông báo chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình, thì trước đó ngày 15/9/2015 Triều Tiên đã tuyên bố khởi động lại Nhà máy hạt nhân Yongbyon và cho biết sẽ tổ chức Lễ duyệt binh lớn với quy mô tới 30.000 binh sĩ tham gia nhân kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên (10/10/2015).
Có đến mức “già néo đứt dây”?
Dư luận các nước cho rằng quan hệ Trung-Triều thời gian tới ngày càng phức tạp và một câu hỏi được dư luận các nước đặt ra là liệu mối quan hệ này có tới mức “già néo đứt dây” và hai nước “anh em cùng một chiến hào” này trở nên đối đầu với nhau?
Các nhà phân tích cho rằng hiện nay cả hai nước vẫn cần đến  nhau. Triều Tiên vẫn dựa vào viện trợ và buôn bán chủ yếu với Trung Quốc để duy trì nền kinh tế. Duy trì nền kinh tế cũng có nghĩa là duy trì được chế độ và thể chế hiện nay. Vì vậy, Triều Tiên chưa thể tuyệt tình và đối đầu với Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cũng không muốn làm cho quan hệ hai nước tan vỡ, bởi lẽ Trung Quốc còn rất nhiều lợi ích tại bán đảo này. Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn coi Triều Tiên là khu đệm chống lại sự tấn công cũng như các mối đe dọa quân sự của Mỹ và Nhật Bản. CHDCND Triều Tiên là nước sở hữu vũ khí hạt nhân, một khi đối đầu thì nguy cơ vũ khí hạt nhân quay lại đe dọa trực tiếp Trung Quốc. Hơn nữa, một khi Triều Tiên bị đổ vỡ sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy đối với Trung Quốc, như làn sóng người từ Triều Tiên tràn sang, tình trạng mất kiểm soát đối với vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không muốn chứng kiến Bán đảo Triều Tiên thống nhất theo thể chế của Hàn Quốc như nước Đức trước đây.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Trung Quốc đã bắt đầu có thái độ mềm mỏng hơn đối với Triều Tiên. Tờ “Đại Công Báo”, cơ quan ngôn  luận của Trung Quốc ở Hồng Công ngày 25/9/2015 cho biết trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, phía Mỹ đề nghị hai nước cùng gây sức ép với Triều Tiên, nhưng Trung Quốc đã nói rõ rằng trong lúc này không thể khiêu khích Triều Tiên, các nước khác cũng không nên kích động Triều Tiên. Bởi lẽ vấn đề vũ khí hạt nhân bán đảo Triều Tiên không phải là công việc của riêng Trung Quốc mà là công việc chung của cả Châu Á-Thái Bình Dương. Phía Trung Quốc cho rằng trong hai năm tới là thời gian then chốt trong chính sách đối ngoại đối với Triều Tiên. Các nước - kể cả Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc - cần phải đặt việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên lên vị trí quan trọng hơn.
Tờ báo cho biết Trung Quốc cũng sẽ cử Đoàn đại biểu cấp cao sang dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao Động Triều Tiên nhằm bình ổn quan hệ Trung-Triều đang bị lung lay.
Cho dù phía Trung Quốc có nhiều cố gắng, nhưng mối quan hệ hai nước sẽ đi tới đâu thì không chỉ quyết định ở một phía. Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng vang. Quan hệ Trung-Triều vẫn là mối quan tâm của các nước khi nghiên cứu tình hình Đông Bắc Á thời gian tới.
Kiều Tỉnh

Bình luận(0)