Quan chức Mỹ "ứng phó" thế nào trong các cuộc "đàm đạo" với Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Đối với các nhà ngoại giao của Mỹ, đàm phán với một "kẻ thù" khó chịu như Triều Tiên luôn là thử thách lớn nhất trong đời họ, tuy vậy quan chức Mỹ cũng có những mẹo riêng giúp họ đạt được những gì mà mình muốn.

Theo abc News, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra vào 12/6 tới đây tại Singapore được xem là chương mới trong lịch sử gần 30 năm đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng. Và cũng trong hàng chục cuộc đàm phán với quan chức Triều Tiên, người Mỹ đã ít nhiều học được cách đối phó với một trong những kẻ thù khó hiểu nhất của mình ngay trên mặt trận ngoại giao.
Theo các cựu quan chức Mỹ từng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, đại diện phía Triều Tiên luôn có thái độ cứng rắn đối trong mọi vấn đề và đối với họ nước Mỹ là kẻ thù cần phải bị tiêu diệt, điều này cũng có phần đúng khi cả hai vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1953. Dù vậy, các nhà ngoại giao Mỹ cũng phải thừa nhận quan chức Triều Tiên rất lịch sự, có phong cách làm việc chuyên nghiệp và đôi khi cũng rất quyết đoán.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Trợ lý Ngoại trưởng Robert Gallucci trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng trong năm 1994. Ảnh: abc News.
Trong cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rất khó để có thể đoán trước thái độ của hai nhà lãnh đạo này dành cho nhau. Và liệu một người có kỹ năm đàm phán bậc thầy như Tổng thống Trump có thể đưa ra các nhượng bộ khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un mềm lòng? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp ngay dưới đây bởi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ từng tham gia vào quá trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên dưới nhiều đời Tổng thống Mỹ khác nhau.
Cuốn theo chiều gió
Bắt đầu từ giữa năm 1993, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Robert Gallucci trở thành trưởng đoàn của Mỹ trong các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên, nhằm kiềm chế trong chương trình hạt nhân còn khá non trẻ của Bình Nhưỡng vào thời điểm đó. Cuộc họp đầu tiên giữa hai nước diễn ra tại New York, ngay trong tòa nhà Liên Hợp Quốc.
Ông Gallucci nhớ lại rằng, các quan chức ngoại giao Mỹ khá ngạc nhiên trước cảnh tưởng hàng chục nhà ngoại giao Triều Tiên đều đeo trên mình huy hiệu in hình nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên khi đó Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Cũng theo Gallucci, chính chi tiết này đã giúp các nhà ngoại giao Mỹ cần phải nói điều gì khi phải nhắc đến nhà lãnh đạo Triều Tiên, bởi một sai lầm sơ đẳng nào đó cũng có thể khiến cuộc gặp kết thúc mà không mang lại bất cứ kết quả gì. Và điều này đã khiến họ “thành công” trong cuộc gặp đầu tiên.
Dĩ nhiên ở phía bên kia phái đoàn của Triều Tiên cũng biết người Mỹ đang nghĩ gì. Thậm chí để không khí cuộc họp trên nên "gần gũi" hơn, Phó Ngoại trưởng Triều Tiên khi đó ông Kang Sok-ju đã trích dân một đoạn trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Mỹ “Cuốn theo chiều gió”, nhưng nó cũng là một lời nhắc nhở về những gì chiến tranh có thể gây ra cho nước Mỹ.
 Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Singapore chiều 10/6, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: Daily Mail.
Cũng theo ông Gallucci, mặc dù là những người rất lịch sự nhưng quan chức Triều Tiên lại thường sử dụng những từ ngữ xúc phạm đến nước Mỹ, tuy vậy phía Mỹ luôn giữ thái độ hòa nhã đến hiếm có trong bất kỳ trường hợp nào. Bởi thứ họ quan tâm là việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy hỗ trợ năng lượng, hơn là việc Triều Tiên nghĩ gì về nước Mỹ. Sau đó một năm rưỡi, cả hai đều đã đạt được những bước tiến nhất định cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bữa ăn tối với nhà lãnh đạo Kim Jong-il
Quay ngược về quá khứ vào đầu những năm 2000, nước Mỹ cũng rục rịch chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đầu tiên vào những ngày tháng cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton. Ở thời điểm đó Bình Nhưỡng đang muốn sử dụng chương trình tên lửa đạn đạo của nước này để gây sức ép với Washington hơn là nói đến vấn đề hạt nhân. Và “nhã ý” này đã mở đường cho chuyến thăm của nữ Ngoại trưởng Madeleine Albright đến Bình Nhưỡng vào tháng 10/2000.
Như một món quà cho người thừa kế nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il (cha của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hiện tại), Ngoại trưởng Albright đã mang theo một quả bóng rổ có chữ ký của siêu sao Michael Jordan làm quà ra mắt sau khi biết ông Kim Jong-un là fan chung thành của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA).
 Nữ Ngoại trưởng Madeleine Albright là một trong những quan chức cao cấp đầu tiên của Mỹ đến thăm Triều Tiên. Trong ảnh là bà Albright nâng ly cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong chuyến thăm vào năm 2000. Ảnh: Foreign Policy.
Trong các cuộc đàm phán tại Triều Tiên sau đó, người Mỹ khá ấn tượng về kiến thức của nhà lãnh đạo Kim Jong-il về tên lửa. Sau đó họ càng ngạc nhiên hơn về bữa tiệc Bình Nhưỡng thiết đãi phái đoàn ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, trong bữa tiệc một sự cố nhỏ đã xảy ra khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-il cảm thấy khó chịu. Và cũng từ sự cố này phái đoàn ngoại giao của Mỹ biết chắc rằng họ sẽ trở về tay không, bởi họ không mang đến thứ mà Bình Nhưỡng mong muốn vào thời điểm đó và với tích cách của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đó là điều không thể chấp nhận được.
Wendy Sherman – trợ lý cho Ngoại trưởng Mỹ Albright trong chuyến đi này nhận định rằng, sẽ rất khó để Tổng thống Trump đạt được một bước tiến nào đó tại Singapore nếu cả hai bên không tin tưởng lẫn nhau, điều này cũng tương tự như giữa Mỹ và Iran. Và Washington phải thỏa mãn được yêu cầu của Bình Nhưỡng trước khi họ thực hiện lời hứa của mình.
Mọi thứ đều có thể thay đổi ở phút 89
Đàm phán hạt nhân với Triều Tiên một lần nữa rơi vào bế tắc dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush khi Washington thay đổi quan điểm của mình. Điều này dẫn tới việc Bình Nhưỡng bí mật làm giàu uranium và tiến thành thử vũ khí hạt nhân đầu tiên trong năm 2006, cũng từ thời điểm đó mọi biện pháp ngoại giao thông thường đối với Triều Tiên đều là vô nghĩa.
Nhà ngoại giao hàng đầu Đông Á, Christopher Hill, dẫn đầu đoàn Mỹ tham gia cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi đó cho biết, quá trình đàm phán diễn ra khá căng thẳng và rất khó để cả các bên tìm được tiếng nói chung trong một vấn đề nào đó, và rồi khi gần đi đến hồi kết phía Triều Tiên lại thay đổi 180 độ như chưa từng có điều gì xảy ra. Và theo Hill, Tổng thống Trump nên sẵn sàng cho tình huống xấu nhất kể cả khi mọi chuyện ở thế đã rồi.

Mời độc giả xem video: Đoàn xe tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới khách sạn St.Regis trong chiều 10/6 ngay sau khi đặt chân đến Singapore. (nguồn Straits Times)

Và là lời khuyên cuối cùng từ một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ - Bill Richardson với 8 lần giáp mặt với quan chức Triều Tiên dành cho Tổng thống Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới là, Triều Tiên có thể sẽ đồng ý kiềm chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hay thậm chí là cả tên lửa nhưng họ sẽ không từ bỏ nó hoàn toàn.
"Người Triều Tiên rất khó để đối phó với, họ sẽ không thỏa hiệp mà không có lý do. Và quá trình đàm phán này sẽ kéo dài chứ không tóm gọn lại trong thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1", Richardson nói. Tuy vậy, nhà ngoại giao này cũng bày cho ông Trump một mẹo nhỏ để xoa dịu người Triều Tiên đó là tiến hành đàm phán tại một bữa ăn hoặc khi đang đi bộ bên ngoài cuộc gặp, điều này có vẻ phù hợp với một bậc thầy thương lượng như Tổng thống Trump đều ông vốn từng làm rất nhiều lần trước đó.
Trà Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)