"Nhà nước Malorossia" - Chuyện lạ ở Ukraine

Google News

Đại diện 20 khu vực tại Ukraine đã tuyên bố thành lập nhà nước mới có tên gọi là Malorossia.

Tuyên bố lạ
Ngày 18/7/2017, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Aleksander Zakharchenko đã đọc tuyên ngôn thành lập một quốc gia mới có tên gọi là Malorossia, lấy thủ phủ là thành phố Donetsk. Tại Malorossia, thủ đô Kiev của Ukraine sẽ chỉ còn là trung tâm văn hóa - lịch sử và không còn quy chế thủ đô.
"Nha nuoc Malorossia" - Chuyen la o Ukraine
Alexander Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng. 
Theo tuyên bố của ông Zakharchenko, không thể khôi phục được nhà nước Ukraine như trước kia. Với tư cách là đại diện cho các vùng thuộc Ukraine cũ, trừ Crimea, DPR cùng với 19 khu vực khác tuyên bố thành lập nhà nước mới, nhà nước kế thừa của Ukraine. Nhà nước mới sẽ có tên gọi là Malorossia, vì tên gọi cũ Ukraine đã không còn uy tín.
Nhà lãnh đạo của DPR Zakharchenko cũng tuyên bố, DPR cùng với Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng là hai vùng lãnh thổ duy nhất của Ukraine (trừ Crimea) có chính quyền hợp pháp. Ông Zakharchenko cũng đã đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm đối với nhà nước mới có tên gọi Malorossia, như một biện pháp để giải quyết xung đột và cho biết “Hiến pháp Malorossia” đang được soạn thảo và sẽ được đưa ra thảo luận rộng rãi trong các tầng lớp xã hội. Ông Zakharchenko cũng lưu ý rằng những cuộc thảo luận của DPR đã đi đến kết luận rằng Ukraine đã thể hiện là một nhà nước thất bại, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đề xuất của ông.
Kịch liệt phản đối
Sau tuyên bố của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Aleksander Zakharchenko về việc thành lập một quốc gia mới có tên gọi là Malorossia, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cam kết bảo vệ chủ quyền Donbass đồng thời tuyên bố sẽ khôi phục chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực ở miền Đông Ukraine.
Trên mạng xã hội Twitter, Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Svyatoslav Tsegolko dẫn lời ông Petro Poroshenko cho biết “Ukraine sẽ khôi phục chủ quyền đối với Donbass và Crimea”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết giới chức Kiev sẽ không cho phép việc thành lập một nhà nước độc lập ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine như sự việc xảy ra ở Gruzia hồi năm 2008.
Nga cũng đã phản đối sáng kiến thành lập nhà nước mới ở Ukraine. Đại diện của Nga tại Nhóm tiếp xúc ba bên về Ukraine, Boris Gryzlov cho biết, tuyên bố của lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng về một nhà nước mới có tên gọi Malorossiya không phù hợp với tiến trình hòa hợp Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình Minsk.
Phát biểu với báo giới, đại diện Nga nêu rõ: “Sáng kiến này không phù hợp với tiến trình Minsk và Moskva chỉ xem đây như một lời mời thảo luận. Tuyên bố này không có những kết quả mang tính xây dựng”. Ngoài ra, Đại diện của Nga tại Nhóm tiếp xúc ba bên về Ukraine, Gryzlov còn qui kết đề xuất của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Zakharchenko về việc tạo ra một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm cho nhà nước mới có tên gọi Malorossiya là “chiến tranh thông tin”, chứ không phải là một chính sách thực dụng.
Chính phủ Đức và Pháp cũng phản đối tuyên bố thành lập nhà nước Malorossiya. Chính phủ Đức cho biết nước này coi đề xuất thành lập một nhà nước mới mang tên Malorossiya của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk Zakharchenko là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Trong một thông báo, chính quyền Berlin nêu rõ “Chính phủ Đức lên án bước đi này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ông Zakharchenko không có quyền hợp pháp để tuyên bố về khu vực này của Ukraine. Chúng tôi hy vọng Nga cũng lên án bước đi này, rằng nước này sẽ không tôn trọng và chấp nhận điều đó”. Berlin cho rằng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua thương lượng.
Từ Paris, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi các nước lên án tuyên bố trên của ông Alexander Zakharchenko. Phát biểu tại buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, bà Agnes Romatet-Espagne nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án sự việc này, vốn vi phạm các thỏa thuận hòa bình Minsk và đi ngược lại tinh thần của các cuộc thương lượng trong khuôn khổ Nhóm Normandy. Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng Nga cần tăng cường nỗ lực để chấm dứt cuộc xung đột”.
Sau các cuộc biểu tình bạo lực lật đổ Tổng thống Viktor Yanucovich năm 2014, lực lượng đòi độc lập ở khu vực Donbass đã nổi dậy chống lại Chính phủ Ukraine. Xung đột đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Nhóm tiếp xúc về Ukraine bao gồm đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga, Ukraine và hai CHND tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông, bắt đầu các cuộc đàm phán từ giữa năm 2014 nhằm thúc đẩy việc thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk về giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Từ đó đến nay, Nhóm tiếp xúc về Ukraine đã hơn 10 lần tuyên bố đạt thỏa thuận về việc tuân thủ lệnh ngừng bắn tại vùng miền Đông Donbass, song lệnh ngừng bắn thường xuyên bị phá vỡ và các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm các lệnh ngừng bắn này.
Theo T.Lâm/Báo Pháp Luật

>> xem thêm

Bình luận(0)