Miễn học phí nếu kỹ sư ra trường thất nghiệp

Google News

Sinh viên tốt nghiệp trường đào tạo kỹ sư phần mềm ở Mỹ sẽ không phải trả học phí nếu họ không tìm được việc làm. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm.

Học viện App là cơ sở đào tạo kỹ sư phần mềm thông qua khóa đào tạo cường độ lớn kéo dài 12 tuần theo hình thức "hoãn" học phí.
Sinh viên phải đặt cọc một khoản tiền để đảm bảo họ muốn học tập một cách nghiêm túc. Trường sẽ trả lại số tiền này khi họ tốt nghiệp. Đổi lại, sinh viên trả cho trường số tiền tương đương 22% thu nhập của mình trong năm đầu ra trường.
"Phương pháp này cho phép chúng tôi đào tạo nhiều người hơn. Cả trường lẫn sinh viên đều không thiệt thòi", ông Kush Patel - CEO của Học viện App - giải thích.
Song hành cùng rủi ro
Đương nhiên, hình thức hoãn học phí tồn tại rủi ro. Dù vậy, ông Patel cho rằng trường hoạt động rất hiệu quả vì hầu hết sinh viên thường nhận mức lương từ 85.000 USD đến 110.000 USD.
Ông cho biết thêm 70% kỹ sư tốt nghiệp từ App kiếm được việc làm trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp. 98% cựu sinh viên được tuyển dụng trong vòng một năm.
Mien hoc phi neu ky su ra truong that nghiep
Sinh viên sẽ không phải trả học phí nếu họ không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Ảnh: App Academy. 
Nếu sinh viên thất nghiệp, Học viện App sẽ không thu học phí của họ.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của trường là việc thu học phí không đồng nhất giữa các sinh viên theo một chương trình đào tạo bị coi là trái pháp luật ở bang New York và California - khu vực hoạt động của App.
Theo CEO Patel, học viện đang đàm phán với các nhà chức trách khi mô hình hoãn học phí được đưa ra xem xét ở cả hai bang. Không chỉ đối với học viện App, mô hình này cũng gây tranh cãi ở nhiều trường đại học.
Đại học Purdue (bang Indiana) từng triển khai chương trình "Back a Boiler" cho năm học 2016-2017. Theo đó, trường cho sinh viên năm 3 và 4 hoãn đóng học phí nếu họ chấp nhận trả khoản tiền với tỷ lệ nhất định so với mức lương đạt được trong vòng 10 năm.
Bản "Thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận" có hai luồng ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ coi đây là biện pháp tốt nhằm giải quyết vấn đề nợ sinh viên. Phe phản đối lại chỉ trích các điều khoản tạo ra quá nhiều sự ràng buộc đối với người học.
Dù dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn về hình thức hoãn học phí, ông Patel cho rằng ở Học viện App, mô hình này rất quan trọng đối với những sinh viên không đủ khả năng tài chính. Khoảng 80% kỹ sư tốt nghiệp từ App cho biết họ vốn không đủ tiền để theo học trường khác.
"Chính sách hoãn học phí có ý nghĩa lớn với tôi. Nó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi", Bethany Hylan - cựu sinh viên học viện - nói.
Nhờ có thể "vay" quá trình học tập tại đây, cô kiếm được công việc tử tế, đủ để trả nợ sinh viên cùng khoản học phí do App ứng trước.
Tỷ lệ trúng tuyển 3%
Không chỉ Bethany mà rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh tương tự đã nhận sự trợ giúp từ App. Ông Patel và nhà đồng sáng lập Ned Ruggeri đã mở Học viện App với ý tưởng đào tạo người mới từ đầu.
Họ không tìm kiếm học viên đã học qua chương trình khoa học máy tính hay có kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực này. Thay vào đó, họ cần những người có ý thức tự học tốt.
Trong 9 tuần đầu tiên của khóa học tại App, sinh viên bắt đầu với các chương trình máy tính cơ bản và nhanh chóng học các kỹ năng cần thiết để thiết kế website cũng như phát triển ứng dụng hoàn chỉnh.
Trong 3 tuần còn lại, họ tập trung tìm việc. Sinh viên học tiếp các chương trình lập trình và được đào tạo các kỹ năng cần thiết như cách viết hồ sơ, đơn xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn, thỏa thuận lương, thưởng.
Mỗi năm, Học viện App tiếp nhận khoảng 20.000 hồ sơ ứng tuyển nhưng chỉ nhận khoảng 3% trong số đó.
Ông Patel cho biết hình thức hoãn học phí thu hút số lượng lớn người ứng tuyển. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường phải tiến hành sàng lọc cẩn thận.
Theo Nguyễn Sương/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)