Giận Mỹ, Riyadh quay sang chơi “con bài Nga”

Google News

(Kiến Thức) - Giới phân tích cho rằng do giận Mỹ, Riyadh quay sang chơi “con bài Nga”,  nhưng mối quan hệ “lợi dụng lẫn nhau ” này mang đậm tính chất “thời vụ”.

Hai gã khổng lồ sản xuất dầu mỏ dường như đã có một bước đột phá trong mối quan hệ song phương thường đối địch lẫn nhau với việc ký kết nhiều hiệp định hợp tác. Nhưng chính sách đối ngoại khác nhau “một trời, một vực” có thể làm làm nguội lạnh mối quan hệ giữa Moscow-Riyadh  vừa được hâm nóng.
Gian My, Riyadh quay sang choi “con bai Nga”
Tổng thống Vladimir Putin và Phó Thái tử kế vị Mohammed bin Salman.
Nếu phối hợp với nhau, Nga và Ả-rập Xê-út (hai nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới) có thể chiếm lĩnh thị trường xăng dầu toàn thế giới. Cho đến nay, điều đó đã không xảy ra do những bất đồng  dường như không thể dung hòa  và do mối quan hệ đặc biệt Washongton- Riyadh.
Đặt cược cho một mối quan hệ Moscow-Riyadh gần gũi hơn
Những thỏa thuận hồi tháng trước giữa Tổng thống Vladimir Putin và Phó Thái tử kế vị Mohammed bin Salman cho thấy rằng hai gã khổng lồ năng lượng  này có thể đang đặt cược cho một mối quan hệ gần gũi hơn. Tiền bạc rủng rỉnh của Ả-rập Xê-út  có thể  giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi vũ khí, chuyên môn kỹ thuật và hỗ trợ ngoại giao của Nga  có thể giúp Ả-rập Xê-út bớt lệ thuộc vào một nước Mỹ ngày càng tỏ ra bất hợp tác.
Nhưng bất đồng  lớn giữa hai bên vẫn còn đó, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng như thay đổi chế độ ở Syria và  thỏa thuận hạt nhân với Iran, một đối thủ không đội trời chung với  Ả-rập Xê-út.
Bà Irina Zvyagelskaya, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu phương Đông ở Moscow,  nói: "Trong quá khứ, mối quan hệ Moscow-Riyadh là rất xấu, vì vậy bất kỳ chuyển động nào trong mối quan hệ này đều thu hút sự chú ý”.
Theo chuyên gia Zvyagelskaya , đối với điện Kremlin,  nỗ lực thiết lập mối quan hệ tốt với Ả-rập Xê-út , một cường quốc khu vực Trung Đông, là nằm trong  "chính sách lâu dài của Moscow cố gắng làm bạn với tất cả mọi người”.  Bà  Zvyagelskaya nói rằng lệnh trừng phạt của phương Tây là một yếu tố hàng đầu khiến Tổng thống Putin tìm kiếm khe hở ngoại giao mới  và triệt để khai thác tâm trạng thất vọng ngày càng tăng của thế giới Ả-rập đối với Mỹ. Hồi đầu năm nay, Tổng thống Putin đã tiến hành một chuyến viếng thăm Ai Cập và ký được một thỏa thuận vũ khí do Ả-rập Xê-út tài trợ.
 “Voi Ba Tư” đang bị nhốt trong phòng trưng bày đồ sứ
Hiện thời, nhóm P5+1 (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) đang đàm phán với Tehran về một thỏa thuận nhằm  chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân bị cáo buộc của Iran. Tất cả những dấu hiệu cho thấy Moscow ủng hộ nhiệt tình thỏa thuận này và đang tích cực tiến vào thị trường Iran đầy tiềm năng. Tổng thống Nga đã “bật đèn xanh” cho việc bán hệ thống phòng không S-300 cho Tehran và có kế hoạch  xây dựng 8 nhà máy điện hạt nhân mới ở Iran.
Các chuyên gia nói rằng đối với Saudi Arabia, Iran vẫn là đối thủ chính và một mối đe dọa hiện hữu, bất kể nước này có vũ khí hạt nhân hay không.
Nhà phân tích Yevgeny Satanovsky, chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Moscow, nói: "Người Ả-rập Xê-út cảm thấy đang bị dồn vào góc vũ đài. Họ  không thể tin tưởng Mỹ (để đối trọng với Iran) nữa và do đó, quay sang chơi con bài Nga. Họ biết rõ rằng đây chỉ là một trò chơi lớn, nên không đặt cược nhiều”.
Ông Satanovsky lưu ý rằng trong chuyến thăm Ả-rập Xê-út trước đó của ông Putin, người ta đã có nhiều kỳ vọng về cải thiện quan hệ và những hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhưng kỳ vọng này không trở thành hiện thực.  Ông nói: “Nhà hát Ả-rập Xê-út thường diễn vở kịch này  theo định kỳ. Dường như họ nghĩ rằng màn diễn đi với Nga  sẽ làm cho Mỹ ghen tị”.
Mâu thuẫn khó có thể dung hòa về Syria và Yemen
Các vấn đề lớn khác là Syria, nơi Nga tiếp tục hậu thuẫn Tổng thống  Bashar al-Assad, trong khi Ả-rập Xê-út lại đang tiếp tay cho phiến quân đang cố gắng lật đổ ông này.
Đã có một số suy đoán rằng Nga đang giữ khoảng cách với Tổng thống Assad và đã rút nhiều chuyên gia quân sự  khỏi Syria. Tuy nhiên, Moscow gần đây đã tái khẳng định ủng hộ Damascus và việc rút một số công dân Nga khỏi Syria trong hai tháng qua chủ yếu là do tình hình an ninh đang xấu đi.
Saudi Arabia cũng tức giận trước sự  ủng hộ nửa vời của Mỹ đối với cuộc can thiệp quân sự của nước này vào Yemen. Nhưng chính sách “kêu gọi ngừng bắn và đối thoại quốc gia"  ở Yemen của Nga xem ra cũng không  phù hợp với tham vọng bá quyền của  Ả-rập Xê-út.
Ông Andrei Klimov, Phó chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Thượng viện Nga, cho biết  sai lầm mà nhiều nhà phân tích thường  mắc phải là  xem xét những  diễn biến trong  quan hệ trên thế giới thông qua “lăng kính chiến tranh lạnh”,  với định kiến một quốc gia phải thuộc khối này hay khối khác.
Ông Andrei Klimov  nói: "Thực tế đang đẩy Nga và Ả-rập Xê-út đến gần với nhau và  hợp tác về các vấn đề mà hai bên có thể. Người Ả-rập Xê-út đã rút ra được bài học là  họ không thể dựa vào Mỹ trong tất cả mọi trường hợp và có lợi thế đáng kể trong việc phát triển quan hệ với Nga”.
Minh Châu (Theo CSMonitor)

Bình luận(0)