Đối đầu Trung-Ấn ở Doklam: Ấn Độ rơi vào “bẫy ngoại giao”?

Google News

(Kiến Thức) - Trong vụ đối đầu Trung-Ấn ở Doklam, Trung Quốc đang đẩy Ấn Độ rơi vào “bẫy ngoại giao”, khi tìm cách chia rẽ nước này với đồng minh truyền thống Bhutan.

Trong cuộc đối đầu Trung-Ấn ở Doklam, theo giới phân tích, việc Trung Quốc đột nhập vào cao nguyên Doklam để xây dựng một con đường trong lãnh thổ tranh chấp với Bhutan là một sự khiêu khích rõ ràng. Đã xảy ra tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan, nhưng quân đội Bhutan lại không phải đối mặt với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mà là quân đội Ấn Độ. Quân đội nhỏ bé của Bhutan không thể chống lại sức mạnh của Bắc Kinh. Do đó, New Delhi đã can thiệp để bảo vệ Bhutan, đồng minh truyền thống và đã ký kết hiệp định phòng thủ chung với Ấn Độ.
Doi dau Trung-An o Doklam: An Do roi vao “bay ngoai giao”?
Thủ tướng Ấn Độ N.Modi tranh luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.  Ảnh: India Today 
Chỉ có điều, quân đội Ấn Độ lại triển khai ở bên ngoài lãnh thổ nước này. New Delhi không có yêu sách lãnh thổ đối với cao nguyên Doklam, nên điều này có nghĩa là quân đội Ấn Độ đã được triển khai ở vùng lãnh thổ có tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc. Đây là điều bất lợi đối với Ấn Độ.
Điều này đã dẫn đến giả thuyết rằng Trung Quốc kích động Ấn Độ ở Doklam để chia rẽ nước này với đồng minh truyền thống Bhutan. Bhutan chưa bao giờ là thuộc địa của Vương quốc Anh, nhưng vốn là quốc gia được Ấn Độ bảo hộ và có quan hệ mật thiết với New Delhi.
Trong những năm gần đây, Bhutan có xu hướng độc lập tự chủ hơn và muốn cộng đồng quốc tế công nhận là một quốc gia có đầy đủ chủ quyền.
Hiện thời, thách thức lớn nhất của Bhutan về đối ngoại là liệu nước này có muốn tiếp tục duy trì sự bảo hộ của Ấn Độ như trước đây hay không?
Nhà phân tích an ninh Ấn Độ P. Stobdan viết trên trang mạng The Wire ngày 11 tháng 7: "Cuộc bầu cử sắp tới tại Bhutan vào tháng 10 năm 2018 sẽ diễn ra trong bối cảnh có những lực lượng chống đối Ấn Độ".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/8 tuyên bố: "Vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan…không liên quan gì đến Ấn Độ. Ấn Độ không có quyền đưa ra các yêu sách lãnh thổ thay cho Bhutan”. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ấn Độ không chỉ "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc" mà còn "thách thức chủ quyền và độc lập của Bhutan".
Theo giới phân tích, vụ cao nguyên Doklam nằm trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm chia rẽ Ấn Độ với các đồng mình truyền thống trong khu vực. Đứng trước sự lựa chọn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, các quốc gia Nam Á nhỏ bé đã chọn nước giàu hơn và mạnh hơn. Nepal đã ngả về phía Trung Quốc trong những thập niên gần đây. Một đảng thân Trung Quốc hiện chiếm 82 ghế trongtổng số 601 ghế của Nghị viện Nepal và là một phần của chính phủ liên hiệp cánh tả đương nhiệm. Không những thế, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận xây dựng sân bay, sản xuất điện năng bằng tấm pin mặt trời, cầu và đường sắt ở Nepal.
Trung Quốc cũng tăng cường mối quan hệ với Sri Lanka, cung cấp cho các quốc đảo này các thiết bị quân sự giảm giá và hàng tỷ USD tín dụng dài hạn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng "Ấn Độ là người hàng xóm và bạn thân nhất của Sri Lanka" trong khi ký một thoả thuận về năng lượng hạt nhân vào năm 2015, nhưng Colombo lại cho phép một tập đoàn nhà nước Trung Quốc kiểm soát một cảng nước sâu đang được xây dựng ở Hambantota, biến thành phố này trở thành một trung tâm thương mại lớn. Đổi lại, Trung Quốc đã biến các khoản nợ khổng lồ của Sri Lanka thành tín dụng dài hạn.
Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với cảng lớn thứ hai của Sri Lanka sẽ biến nước này thành một cứ điểm trong chiến lược “vành đai trên biển” của Trung Quốc, khi Bắc Kinh tìm cách bao vây Ấn Độ và tách New Delhi khỏi các đồng minh truyền thống ở Nam Á.
Minh Châu (Theo Sputnik International)

>> xem thêm

Bình luận(0)