Cưỡng hiếp để trả thù: Góc khuất ở những làng quê Ấn Độ

Google News

Nguyên nhân của nạn cưỡng bức tràn lan ở Ấn Độ phần nào xuất phát từ sự lạm quyền của những người đứng đầu các vùng quê hẻo lánh trên khắp đất nước này cùng những lệ làng cổ hủ.

Năm 2014, vụ việc trinh tiết của em gái yêu râu xanh được coi như món quà "bồi thường" cho chồng của người phụ nữ bị hại điều khiến dư luận Ấn Độ rúng động. Theo lời cảnh sát, vụ tấn công được thực hiện theo yêu cầu của người đứng đầu ngôi làng mà những người này đang sống.
Sự việc cưỡng bức này, cùng rất nhiều tiền lệ trước đó, đang góp phần làm sáng tỏ những góc tối của các hội đồng địa phương, được biết tới với cái tên panchayat. Với sức mạnh độc tôn, các cơ quan này đang ngày ngày tạo ra những tội ác đáng sợ trên khắp những làng quê Ấn Độ.
Cuong hiep de tra thu: Goc khuat o nhung lang que An Do
Biểu tình chống cưỡng bức ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP 
Vụ việc trên xảy ra sau khi anh trai của một cô bé, người mới bước sang tuổi 14, bị buộc tội hiếp dâm một phụ nữ đã có chồng. Để trừng phạt tên này, những người đứng đầu panchayat đã ra mặt và yêu cầu chồng của nạn nhân, Nakabandi Passi, trả đũa bằng cách cưỡng bức em gái của kẻ phạm tội nói trên, cảnh sát địa phương cho hay.
Sau khi vụ việc vỡ lở, người đứng đầu ngôi làng, và anh trai của cô gái đều bị tống giam để chờ ngày xét xử. Tuy nhiên, các nghi phạm đều không chịu nhận tội.
Góc khuất mang tên panchayat
Đó không phải là lần đầu tiên những vụ việc gây tranh cãi như thế này xảy ra ở Ấn Độ.
Hồi đầu năm, một phụ nữ 20 tuổi ở Tây Bengal đã bị panchayat (hội đồng làng) nơi cô đang sống cưỡng bức chỉ vì trót đem lòng yêu người ở vùng khác. Truyền thông Ấn Độ trước đó từng đưa tin về việc các nạn nhân của những vụ hiếp dâm, có người mới 6 tuổi, bị panchayat ép kết hôn với chính kẻ đã hãm hại mình.
Ra khỏi thành phố và hệ thống pháp luật, panchayat chính là cơ quan hành pháp quyền lực nhất ở các khu vực hẻo lánh. Những nơi này không có sự tồn tại của các bộ luật, cảnh sát hay tòa án. Panchayat đóng vai trò như một chính quyền tự trị, làm việc dựa trên các giá trị truyền thống và giải quyết mọi tranh chấp lớn nhỏ.
"Trong mắt panchayat, phụ nữ sẽ bị trừng phạt nếu làm tổn hại tới tài sản và danh dự của đàn ông", Amana Fontanella-Khan, người viết về những vấn đề của phụ nữ, nói. "Tất cả tội ác nhằm vào họ đều liên quan tới tiền đề này. Panchayat không quan tâm tới phụ nữ, họ chỉ hướng về đàn ông."
Và hiếp dâm để trả thù được coi "như một cách để giải quyết vấn đề", bà nói. Theo quan điểm của người Ấn Độ, danh dự của một gia đình phụ thuộc vào trinh tiết của người phụ nữ. Nếu một thành viên nữ của gia đình bị cưỡng bức, danh dự đó cũng mất theo.
Theo đó, hiếp dâm em gái kẻ thủ ác chính là "cách tốt nhất để hạ nhục hắn ta", bà cho hay.
Phép vua thua lệ làng
Theo một báo cáo do chính phủ Ấn Độ ủy quyền được công bố hồi năm 2013, panchayat là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất.
"Quốc gia bị tổn hại từ những thứ như panchayat, thứ sở hữu quyền lực chính trị lớn tới mức có thể lạm quyền và quên đi vai trò của nữ giới, bằng cách sử dụng những biện pháp trừng phạt mang tính áp bức", báo cáo nói trên cho hay.
Đáng tiếc, không có nhiều hành động để hạn chế quyền lực của những panchayat, bởi "hết lần này tới lần khác, các chính trị gia, bao gồm một số bộ trưởng, đã ra mặt bảo vệ họ, khiến các quyết định của tòa án tối cao cũng trở nên vô nghĩa", Fontanella-Khan, tác giả cuốn sách "Pink Sari Revolution", nói.
"Việc tới đồn cảnh sát và tòa án sẽ khiến người dân ở những vùng hẻo lánh tốn khá nhiều tiền của và thời gian. Thế nên chúng tôi sẽ giải quyết những vụ việc nhỏ ở đây, ngay tại hội đồng khu vực", Sukhbir Singh, một cựu thành viên của panchayat ở bang Uttar Pradesh, nói.
"Giống như những tòa án thực sự, chúng tôi đưa ra mọi quyết định", ông nói. "Và chúng tôi chưa bao giờ phạm sai lầm".
Theo An Hy/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)