Cuộc sống của “người đàn bà ám bụi” sau vụ khủng bố 11/9

Google News

Vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ đã để lại chấn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý và cả thể xác của những người sống sót, trong đó có bà Marcy Borders.

Marcy Borders, khi đó 28 tuổi, đang làm việc tại một ngân hàng có trụ sở đặt tại tầng 81 thuộc tòa nhà phía bắc của Trung tâm thương mại thế giới (WTC). Marcy đã làm việc tại đây được 1 tháng trước khi vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ xảy ra.
Cuoc song cua “nguoi dan ba am bui” sau vu khung bo 11/9
Marcy Borders, người được mệnh danh là "người đàn bà ám bụi" sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001. 
“Tôi đang dọn dẹp bàn làm việc và chuẩn bị bắt đầu ngày mới thì chiếc máy bay tấn công. Tòa nhà rung chuyển rất mạnh khiến tôi mất kiểm soát và cảm thấy chóng mặt. Giám sát yêu cầu tất cả mọi người giữ nguyên vị trí nhưng tôi quyết định nghe theo bản năng của chính mình và chạy ra ngoài.
Hàng trăm người đang tìm cách rời khỏi tòa nhà. Thang máy ngừng hoạt động, chúng tôi phải sử dụng cầu thang bộ. Khoảnh khắc đó tôi biết mình chẳng thể nào sống sót. Sau nhiều nỗ lực, tôi xuống được tầng trệt và xung quanh rất nhiều người bị thương”, Marcy kể lại trong cuộc phỏng vấn năm 2011.
Sau khi bỏ chạy khỏi tòa nhà, Marcy hòa vào dòng người hỗn loạn trên đường. Khói bụi vương vãi khắp nơi và tro tàn từ đám cháy trên cao bám vào người cô. Thời điểm tòa tháp bắt đầu sụp đổ, một người lạ mặt đã kéo Marcy vào hành lang để cô không bị thương. Một nhiếp ảnh gia có mặt khi đó đã nhanh tay chụp được gương mặt hoảng sợ và cơ thể đầy bụi của cô.
Khoảnh khắc làm nên bức ảnh “người đàn bà ám bụi” xảy ra rất nhanh nhưng nó trở thành 1 trong 25 bức ảnh tiêu biểu cho sự tàn khốc của vụ tấn công 11/9 được đăng trên tạp chí Time sau đó ít lâu.
Cuoc song cua “nguoi dan ba am bui” sau vu khung bo 11/9-Hinh-2
Khoảnh khắc làm nên bức ảnh “người đàn bà ám bụi”. 
Marcy Borders sống sót nhưng cuộc sống của cô đã thay đổi hoàn toàn sau cái ngày định mệnh ấy. Bị chấn thương về mặt tâm lý, Marcy bị trầm cảm và nghiện thuốc.
“Trong suốt 10 năm sau ngày11/9, tôi vẫn chưa thể đi làm. Năm 2011, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi tôi nghe thấy tin tức về kẻ khủng bố quay lại và có ý định tấn công lần nữa. Tôi hoảng loạn mỗi khi nhìn thấy máy bay. Nếu nhìn thấy người nào đó trong một tòa nhà, tôi nghĩ họ sẽ bắn tôi”.
Tình trạng sức khỏe của Marcy khiến cô mất đi quyền nuôi 2 đứa con. Đến tháng 8/2011, cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cũng như hóa trị kéo dài.
Ngay khi nhận được thông tin này, những ký ức về ngày 11/9 của 10 năm trước bỗng ùa về. Marcy cho rằng căn bệnh này có khả năng liên quan đến vụ khủng bố ấy. “Tôi tự hỏi rằng liệu có phải cuộc tấn công đã cấy tế bào ung thư vào người mình? Tôi thật sự tin như thế vì trước nay tôi vô cùng khỏe mạnh”.
Cuoc song cua “nguoi dan ba am bui” sau vu khung bo 11/9-Hinh-3
Marcy qua đời vào năm 2015, khi cô 42 tuổi. 
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy những người sống sót trở về từ Ground Zero (khu vực số 0), nơi xảy ra sự kiện 11/9, kể cả nhân viên cứu hộ lẫn nạn nhân đều phải trải qua các bệnh về đường hô hấp hoặc nghiêm trọng hơn. Trung tâm chăm sóc sức khỏe Mount Sinai Selikoff cũng ghi nhận ít nhất 1.646 trường hợp mắc bệnh ung thư. Đó đều là những người có liên quan đến vụ khủng bố. Năm 2011, quỹ Bồi thường nạn nhân của sự kiện 11/9 cũng tiến hành bồi thường cho những trường hợp trên.
Trải qua thời gian dài chiến đấu, Marcy cuối cùng cũng qua đời ở tuổi 42 vào năm 2015, sau đúng 14 năm nước Mỹ bị tấn công. Cuộc sống của “người đàn bà ám bụi” từ đó đến lúc lìa đời chưa ngày nào yên ổn. Những nỗi mất mát, nỗi đau về ngày 11/9 vẫn luôn ở đó, trong tâm trí nạn nhân, gia đình của họ và tất cả người dân nước Mỹ.
Theo Cát Cát/TT&VH

>> xem thêm

Bình luận(0)