Những chuyện kỳ lạ về loài rắn

Google News

(Kiến Thức) – Chào đón năm mới Qúy Tỵ, Kiến thức tổng hợp một số phát hiện khoa học thú vị liên quan đến rắn để giới thiệu với quý độc giả.

1.    Phát hiện rắn hai đầu, không đuôi


Rắn có 2 đầu ở 2 phía cơ thể là loài rắn khá hiếm gặp, nó thuộc họ rắn Virginia Striatula, không hề có độc và không làm hại người, thức ăn chủ yếu của loài rắn này là sâu và côn trùng.

Vì loài rắn đặc biệt này có 2 đầu 2 bên, do đó, nó sẽ di chuyển theo sự điều khiển của cái đầu mạnh hơn. Mặc dù vậy, nó vẫn chịu sự kiểm soát của cả 2 cái đầu. Mỗi cái đầu của con rắn đều có đầy đủ mắt, lưỡi.

2.    Tìm thấy rắn có chân


Con rắn kỳ lạ với một bàn chân có móng vuốt "mọc" ở giữa cơ thể được phát hiện tại tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc.

Con rắn dài khoảng 40cm. Đột biến gene được cho là một trong những nguyên nhân khiến con rắn mọc chân.

3.    Bác sĩ đọc được suy nghĩ của loài rắn


Bác sĩ Vũ Ngọc Lương, phó giám đốc Trung tâm nuôi trồng, chế biến dược liệu của trại rắn Đồng Tâm (thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)  là người có thể nắm được suy nghĩ của các loài rắn, quấn quýt với rắn như những người bạn thân thiết.

Để làm được như vậy, bác sĩ Lương phải ăn, ở và thức cùng với rắn để quan sát, nghiên cứu những triệu chứng bệnh cũng như sự sinh sản của loài rắn.

Mỗi lần phát hiện thấy rắn bị bệnh ho, sổ mũi, ngoài việc trị bệnh cho chúng, anh còn đút cháo cho chúng ăn như một đứa trẻ và tẩy giun sán theo định kì cho rắn để chúng phát triển một cách bình thường và sinh sản tốt hơn.

4.    Nọc rắn cực độc có thể làm thuốc giảm đau


Nọc của một trong những loại rắn độc nhất trên thế giới có thể được sử dụng để điều chế ra dòng thuốc giảm đau mới, ưu việt hơn các loại hiện có trên thị trường.

Nhóm nghiên cứu do Anne Baron, chuyên gia đến từ Viện Dược lý phân tử và tế bào của Pháp đứng đầu phát hiện, các hợp chất giảm đau có tên gọi mambalgin được chiết xuất từ nọc của loài rắn đen cực độc của châu Phi có tác dụng mạnh như một số loại thuốc phiện, kể cả moóc phin.

Ưu điểm của chúng là không gây nguy cơ về hô hấp cũng như các tác dụng phụ khác như những dược phẩm giảm đau phổ biến hiện nay.

5.    Rắn sinh sản đơn tính trong môi trường tự nhiên


Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hiện tượng sinh sản đồng trinh ở loài rắn trong môi trường tự nhiên.

Loài rắn trong tự nhiên có thể sinh sản mà không cần con đực. Đó là một hiện tượng gọi là sinh sản vô tính ngẫu nhiên mà trước đây chỉ thấy ở các con bị nuôi nhốt.

Phát hiện rắn “đồng trinh” trong tự nhiên có thể thay đổi những hiểu biết của con người về quá trình sinh sản của động vật và tiến hóa của loài có xương sống.

TIN LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU:

Lưu Thoa (tổng hợp)

Bình luận(0)