Hậu quả có thể của việc phạt tù cựu Thủ tướng Yingluck

Google News

(Kiến Thức) - Việc Toà án Tối cao phạt tù cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra liên quan đến chính sách trợ cấp giá gạo có thể gây ra làn sóng bất ổn mới ở Thái Lan.

Ngày 25/8, Toà án Tối cao Thái Lan có thể phạt tù cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra 10 năm tù giam vì "sơ suất" trong việc quản lý kế hoạch hỗ trợ giá gạo trước khi bị quân đội lật đổ vào tháng 5/2014.
Hau qua co the cua viec phat tu cuu Thu tuong Yingluck
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khi rời Toà án Tối cao ở Bangkok, ngày 21/7/2017. Ảnh: Reuters 
Cựu Thủ tướng Yingluck, 50 tuổi, đã nói trước tòa rằng bà vô tội trước tất cả những cáo buộc. Phán quyết của Tòa án Tối cao có thể liên quan đến sự ổn định trong tương lai của Thái Lan dưới thời chính quyền quân sự cũng như duy trì hòa bình giữa những người ủng hộ và chống đối chính phủ ở Bangkok.
Ủy ban Quốc gia về chống tham nhũng (NACC) đã cáo buộc bà Yingluck gây ra những tổn thất tài chính khổng lồ sau khi chính phủ của bà trợ cấp cho 20 triệu tấn gạo (cao hơn giá thị trường quốc tế) để nâng cao nâng cao mức sống nông dân.
Trong thời gian cầm quyền từ năm 2011 đến năm 2014, Thủ tướng Yingluck từng hy vọng sẽ bán được số gạo tích trữ đó với giá cao hơn giá mua, nhưng giá gạo quốc tế lại giảm liên tục. Sau đó, chính phủ Thái Lan đã phải bán số gạo được trợ giá nói trên và lỗ tới 5 tỷ USD.
Chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, gần đây đã phong tỏa tài sản của bà Yingluck để "đền bù" cho khoản thất thoát nói trên.
Phán quyết ngày 25/ 8 cũng sẽ xem xét các cáo buộc rằng chính quyền của Thủ tướng Yingluck đã không ngăn chặn những người cố ý dán nhãn gạo chất lượng cao vào các bao gạo có chất lượng thấp và bán cho chính phủ Thái Lan. Các công ty môi giới được lợi từ việc mua lại bởi chính phủ và bán lại nó với giá cao hơn. Các cáo buộc khác liên quan đến việc không ngăn chặn những kẻ trộm cắp gạo chính phủ, sử dụng thuốc trừ sâu không hiệu quả và làm sai lệch các tài liệu.
Phiên tòa xét xử cũng đã nghe lời khai nói rằng các khoản trợ cấp hầu hết chui vào túi những người nông dân giàu có, các nhà máy xay xát gạo, các đại lý và không đến tay nông dân nghèo. Tuy nhiên, nhiều cáo buộc đã không được điều tra hoặc chứng minh đầy đủ, theo các chuyên gia pháp luật.
Sau hai năm lưu trữ, chính phủ quân sự Thái Lan vẫn đang chật vật bán 4 triệu tấn gạo "mục nát” cho việc sản xuất ethanol, sau khi bán tháo số lượng lớn các loại gạo ăn được với giá thua lỗ.
Trong tuyên bố trước tòa vào thời điểm kết thúc phiên xét xử ngày 1/8, bà Yingluck nói: "Chương trình trợ giá gạo là một chính sách công có lợi. Tôi không bao giờ dung thứ tình trạng tham nhũng trong buôn bán gạo".
Chính phủ Thái Lan dưới thời Thủ tướng Yingluck đã ban hành sắc lệnh trừng phạt 10 năm tù giam hoặc phạt tiền (hoặc cả hai) đối với quan chức phạm sai trái, không trung thực hoặc tắc trách trong công việc.
Nếu bị Tòa án Tối cao phán xử có tội, bà Yingluck có thể kháng cáo lên một nhóm thẩm phán Tòa án Tối cao khác nhưng vẫn bị tạm giam hoặc bị từ chối bảo lãnh trong thời gian khiếu nại.
Trong khi đó, Ủy ban Quốc gia về chống tham nhũng (NACC ) còn cáo buộc bà Yingluck với hơn 10 tội danh liên quan đến các vi phạm về chính trị, tài chính…
Tất cả những cáo buộc nói trên được cho là đã xảy ra trong thời gian chính phủ liên minh của bà Yingluck cầm quyền từ năm 2011 cho đến khi bị Tòa án Hiến pháp lật đổ vào năm 2014.
Hai tuần sau đó, vào tháng 5/2014, Quân đội thái Lan đã tiến hành một cuộc đảo chính không đổ máu và thành lập chính quyền quân sự.
Minh Châu (Theo Asia Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)