Bác sĩ Nhà Trắng: Người quyền lực “vô hình“

Google News

Cựu bác sĩ trưởng của Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho biết: "Khi Tổng thống ốm, đó không phải là vấn đề của ông ấy mà là của chúng tôi".

- Cựu bác sĩ trưởng của Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho biết: "Khi Tổng thống ốm, đó không phải là vấn đề của ông ấy mà là của chúng tôi".

Người phụ nữ thứ hai bên cạnh Tổng thống

Connie Mariano, nữ bác sĩ xuất thân từ lực lượng Hải quân, từng phục vụ hai đời tổng thống Mỹ nhớ lại giây phút bà được tuyển vào vị trí quan trọng này. Trong buổi phỏng vấn, Burton Lee III, bác sĩ trưởng của Tổng thống George H.W.Bush hỏi bà: "Vì sao cô muốn làm công việc này?", "Cô có thể làm được gì ở đây?".

"Ông có thấy các vạch huy chương tôi đeo trên cánh tay áo không? Càng ở lâu trong Hải Quân, tôi càng nhận được nhiều vạch và càng bị đẩy về phía sau bàn giấy. Tôi không phải là bác sĩ bàn giấy. Tôi là bác sĩ tham gia chiến đấu", Mariano đáp lại. Nhờ câu trả lời này, Mariano được nhận vào nhóm y tế Nhà Trắng và cuối cùng thay thế Burton Lee, trở thành bác sĩ trưởng cho Tổng thống Bill Clinton khi ông lên nắm quyền. Đó là nữ bác sĩ thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đảm trách nhiệm vụ này.

Nhóm y tế Nhà Trắng, bao gồm các bác sĩ, y tá, trợ lí, nhân viên hành chính, được chính thức thành lập từ năm 1945. Trong vòng khoảng 2 thập kỉ trở lại đây, các bác sĩ mới của Nhà Trắng đều xuất thân từ quân đội. Đa phần họ sẽ được chỉ định thay vì trải qua quá trình lựa chọn tiêu chuẩn.

BS Connie Mariano (ngoài cùng bên phải) và bệnh nhân đặc biệt của mình.
BS Connie Mariano (ngoài cùng bên phải) và bệnh nhân đặc biệt của mình.

"Người vô hình"

Nói về vị trí của mình trong Nhà Trắng, BS Mariano dùng 2 từ "vô hình": "Cùng với các nhân viên tình báo và lực lượng ứng cứu quân đội, bác sĩ Nhà Trắng là một phần của những gì mà người ta gọi là nhóm an ninh". Họ là một trong số ít những người luôn cận kề Tổng thống gần như mọi lúc, mọi nơi.

Áp lực về việc giữ sức khoẻ cho Tổng thống một phần xuất phát từ các lí do chính trị, bởi những thông tin về bệnh tình của người đứng đầu nước Mỹ có thể gây ra tác động lớn đối với vấn đề ngoại giao, chính sách công và cả nền kinh tế.  Vì thế, mặc dù là những người "vô hình", song thực tế các bác sĩ Nhà Trắng lại có tầm ảnh hưởng tới cuộc đời Tổng thống cũng như tới cả một đất nước.

Bên cạnh đối tượng chăm sóc mục tiêu là Tổng thống, Nhóm y tế Nhà Trắng còn phải đảm nhận việc chăm sóc y tế toàn diện cho tất cả các thành viên trong gia đình ông cũng như gia đình phó Tổng thống và tất cả những người tới thăm Nhà Trắng. "Về cơ bản, cả cuộc đời bạn tập trung vào Tổng thống và gia đình ông ấy. Bạn thực sự là bác sĩ gia đình", BS Mariano khẳng định. Đó cũng là lí do vì sao đa phần những người làm công việc này sau đó đều sẽ trở thành bạn bè với Tổng thống và gia đình họ.

Kế hoạch được đề ra trước nhiều tuần

Tổng thống Mỹ George H.W.Bush bất ngờ bị nôn ngay khi đang dùng bữa tối với Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa ở Tokyo. Ông ngã xuống và bất tỉnh.

Đứng cách đó vài mét, ông Lee đã quan sát mọi việc đột ngột xảy ra. "Tôi có thể thấy sắc mặt của ông ấy thay đổi, trở nên trắng bệch, xanh lét rồi xám lại". Trước đó, ông Bush bị cúm và được khuyên không nên tham dự bữa tối.

Các nhân viên tình báo đứng xung quanh khiến ông Lee không còn đường nào khác để tiếp cận bệnh nhân đặc biệt của mình. "Tôi bắt đầu di chuyển dưới gầm bàn bằng tay và đầu gối, giữa chân của mọi người".

Lawrence Mohr, bác sĩ Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Reagan, Bush và Clinton cho biết: "Với mỗi chuyến đi của Tổng thống, kế hoạch y tế nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp đều được đề ra trước nhiều tuần". Họ có một danh sách các chuyên gia y tế hàng đầu, những bệnh viện gần nhất với mỗi địa điểm mà Tổng thống ghé thăm, con đường ngắn nhất và an toàn nhất để đến đó. Hơn ai hết, các bác sĩ Nhà Trắng hiểu rằng, mỗi lần Tổng thống hắt hơi, thì cả nền kinh tế Mỹ cũng "rùng mình" ớn lạnh.
Lê My (Theo CNN, Amednews)
[links()]

Bình luận(0)