Xem vua Gia Long trị phi tần tranh giành trong nội cung

Google News

(Kiến Thức) - Có lẽ phải nếm trải sự mệt mỏi trước chuyện giận dữ, tranh giành trong nội cung của phi tần mà vua Gia Long đã ra điều luật đặc biệt này.

Nội cung là nơi mà chỉ có hoàng đế là người đàn ông duy nhất, đây là thế giới riêng của người chủ thiên hạ nghỉ ngơi, vui vầy bên cung tần mỹ nữ của mình. Những tưởng đó là chốn bình yên nhưng ngược lại, để giành được sự sủng ái của vua, tị nạnh về quyền lợi… mà nơi đây đã biến thành chiến trường khốc liệt của những người đẹp với vô vàn âm mưu, thủ đoạn…
Dân gian có nhiều câu ca châm biếm hủ tục đa thê, trong đó có câu rằng:
Nhà dường mà lợp tranh mây,
Làm trai hai vợ như dây buộc mình.
Một người dân thường, có hai vợ mà đã bị ví như có dây buộc mình thì không biết bậc đế vương trong tam cung, lục viện có cả trăm, cả ngàn người vợ thì cảm thấy như thế nào? Sử sách không viết gì về chuyện đó, thế nhưng những cuộc tranh giành địa vị, những mâu thuẫn, ghen tuông ở chốn hậu cung cũng được ít nhiều đề cập đến. Điều này cho thấy, ở giữa một rừng hương sắc đẹp, một vị đế vương chắc cũng chẳng lấy gì làm sung sướng, mãn nguyện cho lắm. Thấm thía nhất về điều này có lẽ là vua Gia Long, vị hoàng đế đầu tiên của vương triều Nguyễn.
Không có tư liệu thống kê đầy đủ, chính xác về số vợ của vua Gia Long, chỉ thấy sử cũ nhắc đến một số người vợ nổi tiếng của ông, như Đệ nhất phi (Quế phi) tên là Tống Thị Lan (sau được truy tôn là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu), Đệ nhị phi (Minh phi) tên gọi Trần Thị Đang (sau được truy tôn là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu), Đệ tam phi (Đức phi hay Thần phi) tên là Lê Thị Ngọc Bình.
Xem vua Gia Long tri phi tan tranh gianh trong noi cung
 Vua Gia Long và những người đẹp chốn hậu cung. Ảnh minh họa.
Ngoài ba mỹ nhân đặc biệt trong cuộc đời của Gia Long như nói ở trên, trong nội cung của ông còn hàng trăm người đẹp khác với muôn hình muôn vẻ mà người thường dẫu có gan hùm cũng chẳng dám mơ tưởng tới. Nhưng chính những người đẹp ấy lại khiến Gia Long trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử đã phải than thở, thốt lên những lời chán nản, mệt mỏi về họ.
Vua Gia Long từng nói với một đại thần người Pháp của mình là J.B.Chaigneau về chốn hậu cung của mình như sau: “Nơi đó, ta gặp phải những con quỷ dữ suốt ngày gây lộn với nhau, đánh đập cấu xé nhau và sau cùng kéo nhau tất cả đến đòi ta phân xử. Nếu muốn làm đúng thì ta phải làm tội tất cả, vì ta không biết trong cả đám đó có một bà nào đó chịu nhường cho bà khác sự dữ tợn này không!?.... Ta muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà vì họ đáng sợ hơn đàn ông”.
Trong cuốn “Souvenirs de Hue” (Kỷ niệm xứ Huế) của Michel Đức Chaigneau (con trai đại thần J.B.Chaigneau) có dành một phần dài mô tả chuyện vua Gia Long kể về việc mình đứng giữa các phi tần đang la lối, kêu khóc đòi nhà vua phân xử những tranh chấp, tị nạnh của họ. Cuốn sách cũng cho hay Gia Long nói ông không thể thải bớt hay hạn chế phi tần, vì phần đông họ đều là con cháu văn thần võ tướng, vì như vua nói: “Nếu ta bỏ bê một người, cô ta sẽ lập tức kêu than với cha mình, và ông ta, nếu không chế nhạo sự già yếu của ta, cũng sẽ cố gieo rắc một cách khéo léo với các bạn đồng liêu của mình những tiếng xì xào làm cho ta trở thành một trò cười trước mắt dân chúng”.
Xét cho cùng, vua Gia Long chán cảnh lắm vợ, nhiều chuyện cũng chỉ ở một phần, phần nhiều còn lại sự khổ sở lại rơi vào chính những mỹ nhân kia, thật đúng như ca dao có câu:
Ai bầy ra cảnh đa thê,
Để cho phụ nữ nhiều bề khổ đau.
Có lẽ phải nếm trải những cung bậc cảm xúc, sự mệt mỏi, đau đầu của những cuộc tranh giành đó mà trong Hoàng Việt luật lệ, vua Gia Long đã cho đưa vào quy định xử lý đối với chuyện “giận giữ, tranh giành trong nội cung”. Theo quy định này thì “phàm trong nội cung nổi giận, tranh giành lẫn nhau, phạt đánh 50 roi. Để tiếng tranh giành giận dữ thấu đến chỗ vua ngự hoặc đánh nhau, phạt 100 trượng.
Vết thương từ gãy, dập trở lên, phạt tang so với tội đánh người bị thương 2 bậc, nếu ở chỗ lâm triều trong điện, lại tăng thêm một bậc nữa. “Lại tăng thêm” tức là ở trong điện mà uất ức tranh giành thì xử tăng thêm 1 bậc, phạt 60 roi. Còn để tiếng tranh giành thấu đến chỗ vua ngự hoặc đánh nhau trong điện xử tăng thêm 1 bậc, phạt 60 trượng, đồ 1 năm. Vết thương từ gãy trở lên, xử tăng thêm 1 bậc so với tội trong cung đánh người bị thương, lại tăng thêm 2 bậc so với tội đánh nhau bị thương, tổng cộng là tăng thêm 3 bậc. Dù đến mức tàn tật suốt đời, tội cũng chỉ phạt đến mức 100 trượng, lưu đày 3.000 dặm. Đến mức chết người cũng xử theo luật thường. Người bị đánh, dù đến mức tàn tật suốt đời cũng chỉ xử 100 trượng, thu tiền chuộc của cả người tàn tật lẫn người có tội, cho nên không xử cắt phần tài sản để nuôi người tàn tật”.
Xem vua Gia Long tri phi tan tranh gianh trong noi cung-Hinh-2
 Mỹ nhân nơi gác phượng lầu vàng. Tranh cắt giấy.
Cũng như các quy định khác, để mọi người hiểu rõ hơn quy định này còn có phần giải thích kèm theo. Cụ thể là “nếu trong cung mà giận dữ tranh giành, đều phạt 50 roi để trị tội bất kính.Tiếng tranh cãi ầm ĩ thấu đến chỗ vua ngự hoặc đánh nhau đều phạt 100 trượng để phạt thêm tội không biết kiêng sợ. Đánh nhau gây ra vết thương từ gẫy dập trở lên, chẳng hạn gẫy một cái rang hay một ngón tay trở lên xử tăng so với tội đánh nhau bị thương 2 bậc là để nhớ cái tội không biết kiêng sợ lại còn làm tổn thương đến người khác.
Nếu trong điện tranh cãi ầm ĩ, thấu đến chỗ vua ngự hoặc đánh nhau gây ra vết thương từ gãy dập trở lên, đều chiếu theo tội gây ầm ĩ trong cung, lại phạt thêm 1 bậc. Luật gốc đã chú rất rõ ràng”.
Thường thì đã đưa các quy định vào luật là để áp dụng chung, có tính phổ thông, tuy nhiên việc vua Gia Long đưa vào bộ luật của vương triều ông một quy định có tính riêng tư, chỉ dành áp dụng riêng điều chỉnh quan hệ ở chốn hậu cung của mình, điều này quả là chuyện lạ trong số nhiều chuyện lạ về cuộc đời của ông. Phải chăng chính sự phức tạp trong hậu cung của mình đã khiến vị hoàng đế khai sáng vương triều Nguyễn luật hóa để có thể bình ổn được “cuộc chiến” khốc liệt ấy của các người đẹp, để ông tìm được những giây phút bình yên, thư thái sau khi giải quyết việc quốc dân, việc nước nhà.
Lê Thái Dũng

Bình luận(0)