Tàn độc phò mã họ Ngô xẻo má vợ...trả thù vua Đinh

Google News

(Kiến Thức) - Vì ôm hận bấy lâu, phò mã Ngô Nhật Khánh nhân lần đi chơi ở cửa biển Nam Giới, được dịp như “chim sổ lồng”, liền lấy dao thẳng tay rạch đôi má phấn của vợ mình, tức công chúa Phất Kim – con gái yêu của Đinh Tiên Hoàng cho hả căm giận.

Vua Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế Việt đầu tiên được lịch sử ghi nhận có nhiều vợ, lập nhiều hoàng hậu. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, ông lên ngôi Hoàng đế.

Để cho xứng với vị trí thiên tử một nước, tháng Giêng năm Canh Ngọ (970), vua “lập năm hoàng hậu (một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là Cồ Quốc, năm là Ca Ông)” - theo Đại Việt sử ký toàn thư. Trong năm vị hoàng hậu đó, đặc biệt ở chỗ, có người đã từng qua một đời chồng, và con của bà chính là một trong 12 sứ quân ở thời loạn trước đó. Vị sứ quân được nói tới ấy chính là Ngô Nhật Khánh.

Tướng sa cơ như cờ mất gió, lay hồng trần lúc có lúc không

Về Ngô Nhật Khánh, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, ông thuộc dòng dõi danh gia thế phiệt: “Nhật Khánh là dòng dõi Tiên chúa Ngô Quyền, trước kia xưng là An Vương, cùng với mười hai sứ quân giữ đất, tranh hùng”. Ngô Nhật Khánh vốn người ở đất Đường Lâm, là nơi xưa kia Phùng Hưng, Ngô Quyền nổi danh cả nước. Khi nhà Ngô được lập nên năm Kỷ Hợi (939), Nhật Khánh là con cháu nhà quân vương, nên cũng được giao cho quyền lực ở quê hương. Đến khi Ngô Vương Quyền mất rồi, Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, lại Ngô Xương Văn chính biến, lập nên nhà Hậu Ngô, đất nước đã có dấu hiệu của nội loạn ở khắp nơi. Đến thời Ngô Xương Xí, loạn 12 sứ quân bùng phát, như lời ghi trong Thiên Nam minh giám do tôn thất nhà chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657) soạn:

Tiếc giềng Ngô máy then lỏng bánh,
Cho quần hùng đầu ngoảnh ghê thay.
Sứ quân theo dậy mười hai,
Kiến ong nổi tháo hươu nai trành hành.


Ngô Nhật Khánh nhân cơ hội ấy, liền lấy đất bản bộ Đường Lâm làm căn cứ, nổi lên thành một trong 12 sứ quân, tự xưng là Ngô Lãm Công. Nội loạn 12 sứ quân trong đó có sự dự phần của Ngô Nhật Khánh được Đại Nam quốc sử diễn ca chép lại là:

Đường Lâm riêng một sơn xuyên,
Ngô Công Nhật Khánh cứ miền Tản Thao.


Trong 12 sứ quân, sứ quân Trầm Lãm, tức Trần Minh Công có thế lực mạnh nhất, hùng cứ đất Bố Hải Khẩu thuộc Thái Bình. Lúc ấy, Đinh Bộ Lĩnh tuổi trẻ tài cao, đã về dưới trướng Trần Lãm, khiến thế lực của sứ quân này mạnh lên gấp bội. Được Trần Minh Công tin yêu gả cho con gái rồi trao lại binh quyền, Đinh Bộ Lĩnh từng bước dẹp loạn 12 sứ quân.

Sứ quân Phạm Bạch Hổ đem châu Đằng quy thuận. Đinh Bộ Lĩnh liên tiếp đánh bại Lã - Đường ở Tế Giang, phá Nguyễn Siêu ở Thanh Trì, diệt Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang, xưng là Vạn Thắng vương, rồi chia quân làm hai đạo: Một đạo tiến sang Kinh Bắc, dẹp Lý Khuê và Nguyễn Thủ Tiệp. Một đạo tiến lên vùng Sơn Tây, Đường Lâm. Ngô Nhật Khánh tự lượng bản thân sức hèn, lực kém không địch nổi Vạn Thắng vương, mới đem quân bản bộ đầu hàng, rồi theo Vạn Thắng vương đi đánh dẹp Nguyễn Khoan, bắt sống Kiều Thuận ở Hồi Hồ, hạ thành Phong Châu, đuổi sứ quân Kiều Công Hãn về phía nam, thừa thắng đánh vào Bình Kiều của Ngô Xương Xí. Nạn cát cứ dứt, đất nước thống nhất. 

Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, biết Ngô Nhật Khánh dù đã quay giáo quy hàng nhưng vẫn nuôi chí khôi phục vương nghiệp dòng họ và có ý bất phục. Đinh Tiên Hoàng liền dùng chính sách hôn nhân để ràng buộc. Một mặt, do say mê nhan sắc của mẹ Nhật Khánh, ông nhân đó đưa bà vào hậu cung, lập mẹ Nhật Khánh làm hoàng hậu, lại lấy em gái Nhật Khánh gả cho con trưởng mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn. Chưa yên tâm với tư cách bố dượng, Đinh Tiên Hoàng tính một nước cờ xa hơn…
Đất Đường Lâm, quê hương Ngô Nhật Khánh. Nguồn: laodong.com.vn.
Đất Đường Lâm, quê hương Ngô Nhật Khánh. Nguồn: laodong.com.vn.
Theo dân gian, ngoài các Thái tử, Hoàng tử như Đinh Liễn, Đinh Toàn, Hạng Lang… Đinh Tiên Hoàng còn có ba công chúa. Một là Minh Châu công chúa đã gả cho tướng Trần Thăng, em ruột Trần Minh Công năm Tân Mùi (971). Hai là công chúa Phất Ngân lấy Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn. Người còn lại là công chúa Phất Kim. Vì lo Ngô Nhật Khánh có thể gây chính biến bất cứ lúc nào, cần phải hạn chế dã tâm của tên tôn thất nhà Ngô, cũng là con hờ bên vợ, đồng thời theo dõi nhất cử, nhất động để dễ bề đối phó, Đinh Tiên Hoàng bèn đem công chúa Phất Kim gả cho Khánh xem như làm nội gián công khai, lại phong cho Nhật Khánh làm Phò mã Đô uý, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn. Trải qua nhiều biến động chính trị của dòng họ và cuộc đời, Ngô Nhật Khánh biết đó là cách Đinh Tiên Hoàng dùng “lạt mềm buộc chặt” đối với mình nên bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình lắm, chỉ chờ cơ hội là tạo phản.

Phận làm chồng không lo trả nghĩa, nuôi dã tâm xẻo má hồng nhan

Sống dưới trướng của cha dượng, cũng là bố vợ, nhưng lòng Nhật Khánh luôn dậy sóng. Mối cừu thù vì vương nghiệp dòng họ rơi vào tay kẻ khác, bản thân như hổ bị nhốt trong lồng. Nhân có Chiêm Thành ở phía Nam quan hệ không hữu hảo với Đại Cồ Việt, Nhật Khánh liền tìm cách liên hệ để làm tay trong, mưu đồ lật đổ.

Thực hiện âm mưu đó, năm Kỷ Mão (979), nhân một lần đưa vợ đi chơi ở cửa biển Nam Giới (tức Cửa Sót, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thuộc biên giới phía Nam của Đại Cồ Việt lúc bấy giờ, chàng rể họ Ngô bắt đầu hành động. Ngô Nhật Khánh đã rắp tâm từ trước sẽ xuôi Nam, nay đến đây như “chim sổ lồng”, không sợ bị theo dõi, giam lỏng nữa, sự căm giận bấy lâu nay với cha vợ - cha dượng chất chứa đã đầy. Bao nhiêu yêu thương, tình nghĩa vợ chồng với công chúa Phất Kim bay đi đâu hết, chỉ còn thấy trước mặt mình là con gái của Đinh Tiên Hoàng, kẻ cừu thù mà thôi. Nhật Khánh liền lấy dao ngắn mang theo bên mình, thẳng tay rạch đôi má phấn của vợ đến chảy máu mà kể tội:
- Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta.

Nói xong, mặc vợ thất thần đứng đó, Nhật Khánh cưỡi thuyền vượt biển vào Chiêm Thành xin cứu viện. Về phần công chúa Phất Kim, nghĩa phu phụ bấy lâu “quạt nồng ấp lạnh”, “đầu gối tay ấp”, giờ bị chính đức lang quân phản bội, lại bị hủy hoại cả nhan sắc, nàng đau đớn khôn nguôi. Dù được đưa về Hoa Lư chạy chữa thuốc men, tuy vết thương bên ngoài đã liền da, nhưng vết thương lòng thì mãi không liền sẹo. Cuối cùng, công chúa đã xuống tóc, đi tu. Nhưng những bài kinh kệ cũng không xóa được đau thương trốn trần tục bấy lâu, Phất Kim công chúa bèn tìm đến cái chết để giải thoát. Bà nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc kinh thành Hoa Lư mà tự vẫn. Xót thương người phụ nữ “lá ngọc cành vàng” có số phận đa truân, ngôi đền thờ Công chúa Phất Kim, còn gọi là đền Thục Tiết công chúa được lập nên, nay thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Đền nằm chính giữa, cách đền vua Lê Đại Hành và phủ Vườn Thiên 300m. Giếng nước lầu Vọng Nguyệt thuở nào Phất Kim tự tận vẫn còn trước của đền.
Giếng nước trước đền Thục Tiết công chúa. Nguồn: Baoninhbinh.org.vn.
Giếng nước trước đền Thục Tiết công chúa. Nguồn: Baoninhbinh.org.vn.
Lại nói về tên phò mã bạc tình Ngô Nhật Khánh. Bôn tẩu sang Chiêm Thành rồi, một thời gian sau, hắn nghe tin Đinh Tiên Hoàng đã bị Đỗ Thích sát hại, nhà Đinh đang rối ren như rắn mất đầu. Thêm vào đó, quân Tống ở phương Bắc đang nhòm ngó Đại Cồ Việt, nghĩ đây là cơ hội “nhất cử lưỡng tiện”, vừa trả được thù nhà, vừa khôi phục được vương nghiệp, thực hiện mưu đồ bá vương ấp ủ bấy lâu, Khánh bèn dẫn đoàn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc tiến ra phía Bắc để đánh vào kinh thành Hoa Lư.
 
Đoàn quân thuỷ của Chiêm Thành do Nhật Khánh và vua Chiêm dẫn đầu theo hai cửa biển Đại Ác (cửa Đại Nha, sau đổi là cửa Đại An thuộc ranh giới Nam Định – Ninh Bình nay) và Tiểu Khang (tức cửa Thần Phù là ranh giới Ninh Bình – Thanh Hóa nay) mà vào. Nhưng số trời đã định, “ác giả ác báo” là lẽ tự nhiên của quy luật nhân quả. Chỉ qua một đêm, đoàn chiến thuyền gặp gió bão nổi lên đều lật đắm cả. Ngô Nhật Khánh cùng bọn quân Chiêm Thành đều làm mồi cho thuỷ thần, chỉ có thuyền của vua Chiêm may mắn thoát nạn, vội vàng quay mũi trở về nước, bỏ luôn giấc mộng Bắc tiến chinh phạt nước Nam. Nhật Khánh vùi trong bụng cá, nhưng vì mối thù mà quên nghĩa phu thê ấy, thật đáng trách. Đúng là:

Quy luật nhân quả chẳng xa,
Chồng xẻo má vợ còn là phu thê?
Buồn cho giấc mộng u mê,
Vùi nơi sóng bể thác về thuỷ cung.
Bao năm ấp ủ hận trường,
Khôi phục vương nghiệp tìm đường tẩu Nam.
Tưởng giành nghiệp đế ngai vàng,
Trời gieo giông tố thân tàn kình nghê.

 

Bình luận(0)